Để doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tiếp cận dễ dàng hơn các chính sách nhà nước: Cần nỗ lực từ cả hai phía

Hà An| 22/05/2017 11:08

Theo thống kê, toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 3.054 doanh nghiệp (DN) đã đăng ký hoạt động, trong đó có trên 90% là DN nhỏ và siêu nhỏ. Mặc dù chiếm tỷ lệ lớn nhưng nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn tỉnh đang gặp khá nhiều bất lợi trong tiếp cận các chính sách cũng như những điều kiện hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh từ phía nhà nước.

ADQuảng cáo

Công ty TNNHH Sản xuất, thương mại, dịch vụ Hùng Nam Sơn (Đắk Song). Ảnh: Lê Dung

Theo điều tra của Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 cho thấy, nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ trên địa bàn Đắk Nông đang gặp nhiều bất lợi trong tiếp cận các chính sách hỗ trợ, tiếp cận thông tin, đất đai và nhiều điều kiện khác hơn nhóm DN vừa.

Đơn cử, điều tra về số giờ cắt điện trong tháng cho thấy, bình quân mỗi DN siêu nhỏ bị cắt điện là 20 giờ, DN nhỏ là 21 giờ. Trong khi DN vừa, bình quân mỗi tháng chỉ bị cắt điện 10 giờ. Điều đáng nói là có tới 51% DN siêu nhỏ và 47% DN nhỏ được hỏi cho biết số lần cắt điện được báo trước, còn lại họ không được báo trước khi cắt điện nên rất bị động trong kế hoạch sắp xếp, bố trí sản xuất, kinh doanh. Trong khi đó, 97% DN vừa được hỏi cho biết, họ được báo trước khi cắt điện.

Với câu hỏi “Thái độ của chính quyền đối với DN là tích cực?” thì 80% DN siêu nhỏ và 56% DN nhỏ được hỏi trả lời là không. Con số này ở DN vừa là 50%. Trong tiếp cận thông tin, 65% DN siêu nhỏ và 53% DN nhỏ từng có yêu cầu chính quyền cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh; trong khi con số này ở nhóm DN vừa là 100%. Các DN nhỏ và siêu nhỏ cũng đang gặp nhiều bất lợi hơn trong tiếp cận những chính sách hỗ trợ.

Điều tra cho thấy, chỉ 46% DN siêu nhỏ và 31% DN nhỏ biết đến các chính sách hỗ trợ DN của nhà nước, còn nhóm DN vừa là 100%. Thậm chí, nếu nắm được chính sách thì điều kiện để DN nhỏ và siêu nhỏ tiếp cận cũng khó khăn hơn vì gặp những “rào cản mềm” ngay trong chính sách nhà nước ban hành.

ADQuảng cáo

Kết quả điều tra trên phần nào cho thấy, các DN nhỏ, siêu nhỏ không chỉ yếu thế hơn về quy mô, khả năng chống đỡ trước những diễn biến bất lợi của nền kinh tế mà ngay cả  tiếp cận các điều kiện hỗ trợ, cơ chế, chính sách cũng đang chịu những thua thiệt hơn so với DN vừa. Điều này cũng dễ hiểu bởi quy mô DN có vai trò khá lớn về uy tín thương trường. Từ đây, nó kéo theo những tác động có lợi khác theo tương tác khách quan.

Vì vậy, khi xây dựng chính sách cũng như quá trình thực thi cơ chế, chính sách thì DN có quy mô càng lớn sẽ nhận được sự thụ hưởng càng lớn. Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến khoảng cách giữa DN nhỏ, siêu nhỏ với cơ chế, chính sách nhà nước đang khá xa một phần cũng do chính từ phía DN.

Thống kê cho thấy, trong số hơn 3.000 DN có đăng ký hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh thì chỉ có hơn 1/3 số DN có kê khai, đóng thuế hằng năm. Số còn lại, ngoài một số DN kê khai, đóng thuế không thường xuyên do hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ thì có khá nhiều DN (phần lớn rơi vào DN nhỏ, siêu nhỏ) có đăng ký hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng thường xuyên thay đổi địa điểm, địa chỉ giao dịch hoặc đăng ký nhưng thực tế không hoạt động.

Chính vì thế, trong quá trình triển khai các chính sách liên quan đến DN, nhóm DN nhỏ, siêu nhỏ ít được tiếp cận cũng là điều dễ hiểu. Cũng vì tính ổn định, bền vững của các nhóm DN này không cao nên nhiều thông báo của nhà nước đến với nhóm DN này chậm hơn hoặc không đến được.

Từ đây cho thấy, ngoài sự quan tâm hơn nữa trong xây dựng, thực thi chính sách hỗ trợ, bản thân các DN nhỏ, siêu nhỏ cũng cần tự nâng cao uy tín, khả năng ảnh hưởng của mình bằng việc xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh ổn định, khoa học; quan tâm hơn đến những lợi ích thụ hưởng từ phía nhà nước.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ tiếp cận dễ dàng hơn các chính sách nhà nước: Cần nỗ lực từ cả hai phía
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO