Để các công ty nông nghiệp được "tái sinh" (kỳ 2): Cần quyết tâm cao và sự vào cuộc đồng bộ

Trần Lê| 19/06/2017 10:58

Cổ phần hóa được coi là điều chắc chắn sẽ phải làm nhằm cụ thể hóa chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ. Tuy nhiên để kịp tiến độ theo kế hoạch của Chính phủ và UBND tỉnh, các đơn vị cần có quyết tâm cao cộng với sự hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn hơn nữa từ phía các cấp, ngành liên quan.

ADQuảng cáo

Phần đất vàng tại trụ sở của Công ty cà phê Đức Lập dọc theo quốc lộ 14 đoạn qua thị trấn Đắk Mil đã bị thu hồi phục vụ dự án khác nên khó thu hút cổ đông lớn

Nhận thức đúng về cổ phần hóa

Theo bà Phan Thị Hiếu, Trưởng Ban chỉ đạo Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tỉnh Đắk Nông thì bên cạnh những yếu tố về nợ thì việc một số tổ chức, cá nhân có liên quan vẫn chưa nhận thức đúng, đầy đủ về sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp đã gây nên tình trạng ì ạch. Nhận thức chưa cao nên trong quá trình cổ phần hóa, lãnh đạo các công ty nông nghiệp chưa nhạy bén trong chỉ đạo, điều hành, chưa thể hiện sự quyết tâm triển khai chủ trương chung của Đảng, nhà nước.

Để đẩy mạnh cổ phần hóa thì cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Nhưng rõ ràng xác định cho đúng thì đây chính là nhiệm vụ của bản thân doanh nghiệp để đạt được mục tiêu chung là tạo điều kiện cho đơn vị phát triển. Sự phát triển được hướng tới ở cả quy mô, năng suất, hiệu quả, thu hút được lao động, tăng thêm việc làm, thu nhập đóng góp cao hơn vào ngân sách nhà nước. Cổ phần hóa cũng sẽ huy động được vốn của các nhà đầu tư để nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường trong nước  và quốc tế.

Cùng với đó, khi cổ phần hóa thì công ty là trách nhiệm hữu hạn, các cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về nợ và các nghĩa vụ tài sản khác công ty trong phạm vi vốn góp nên mức độ rủi ro không cao. Cơ cấu vốn của công ty cổ phần hết sức linh hoạt nên tạo điều kiện cho nhiều người cùng góp vốn vào công ty, việc chuyển nhượng vốn tương đối dễ dàng, khả năng huy động vốn cao thông qua việc phát hành cổ phiếu ra công chúng. Do đó, phạm vi, đối tượng tham gia công ty cổ phần là rất rộng, ngay cả cán bộ, công chức cũng có quyền mua cổ phiếu của công ty cổ phần.

Khác biệt với mô hình doanh nghiệp nhà nước, việc quản lý điều hành công ty cổ phần thông qua hội đồng quản trị, các quyết định được đưa ra dựa trên cơ sở biểu quyết theo tỷ lệ và điều lệ công ty đối với từng vấn đề cụ thể, do đó bảo đảm được sự khách quan, công bằng, hạn chế được rủi ro do ý chí chủ quan của một cá nhân như ở loại hình công ty TNHH MTV hoặc doanh nghiệp tư nhân.

Trụ sở mới của Công ty cà phê Đức Lập đang xây dựng

ADQuảng cáo

Chung tay giải quyết những vấn đề phát sinh

Thực tế việc cổ phần hóa chậm là do 2/3 đơn vị còn gặp vướng trong vấn đề tài chính. Theo đó, đối với Công ty cà phê Đức Lập hiện nay, Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đã có công văn đề nghị Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam đẩy mạnh việc đàm phán mua bán nợ. Ngoài ra, theo lãnh đạo công ty thì quá trình cổ phần hóa còn gặp khó ở chỗ nhiều diện tích đất có vị trí đẹp của đơn vị đã bị thu hồi phục vụ các dự án khác nên không thu hút được cổ đông chiến lược, cổ đông tiềm năng lớn.

Trường hợp Công ty TNHH MTV Nam Nung đang nợ lương cán bộ, công nhân viên hơn 13,6 tỷ đồng, nợ bảo hiểm xã hội 8,3 tỷ đồng, nợ Quỹ đầu tư và phát triển 15,3 tỷ đồng, Ban đã có văn bản hướng dẫn doanh nghiệp này xử lý nợ phải trả trước cổ phần đúng theo các quy định của pháp luật. Cụ thể, đối với khoản nợ Quỹ đầu tư và phát triển tỉnh, thì đề nghị đơn vị thanh lý vườn cây cao su để trả nợ.

Tuy nhiên quá trình này cũng phải thực hiện đúng theo quy trình về thanh lý tài sản nhà nước. Đồng thời, các cán bộ chuyên môn của ngành chức năng cũng sẽ hỗ trợ đơn vị việc đối chiếu, xác nhận toàn bộ các khoản nợ phải trả (bao gồm các khoản nợ đến hạn và chưa đến hạn) trước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Trong đó, doanh nghiệp phải huy động các nguồn vốn hợp pháp để thanh toán các khoản nợ đến hạn phải trả trước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa hoặc thỏa thuận bằng văn bản với các chủ nợ để xử lý hoặc chuyển thành vốn góp cổ phần.

Việc chuyển nợ phải trả tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp thành vốn góp cổ phần được thực hiện theo kết quả đấu giá thành công của chủ nợ hoặc không thấp hơn giá đấu thành công thấp nhất của cuộc đấu giá công khai (trong trường hợp bán thỏa thuận).

Trường hợp áp dụng hình thức bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược trước khi đấu giá công khai thì thực hiện chuyển nợ thành vốn góp cổ phần theo kết quả thỏa thuận nhưng không thấp hơn giá khởi điểm đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định phương án cổ phần hóa phê duyệt.

Còn đối với khoản nợ lương, bảo hiểm xã hội thì công ty phải tự tìm cách trả nợ bằng những nguồn hợp lý theo quy định của Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài Chính trước lúc cổ phần hóa. Đối với Công ty TNHH MTV Cà phê Thuận An, hiện nay, Ban đang tập trung đôn đốc đơn vị hoàn thành việc lập, trình phê duyệt phương án cổ phần hóa, cùng với đó là các phương án về sử dụng đất, lao động theo hướng khả thi nhất. Ngoài ra, khi cổ phần hóa,  các đơn vị này sẽ có những vấn đề phát sinh cần sự vào cuộc đồng bộ của các bên liên quan như  việc đo đạc, xác định đất đai, tài sản trên đất, giải quyết chế độ cho lao động dôi dư…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để các công ty nông nghiệp được "tái sinh" (kỳ 2): Cần quyết tâm cao và sự vào cuộc đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO