Đậm đà, ấm áp hương vị tết

Mỹ Hằng| 20/01/2017 10:07

Nắm bắt nhu cầu thị trường, một số gia đình ở thị xã Gia Nghĩa (Đắk Nông) biết phát huy nghề truyền thống, đem hương vị tết đến với mọi người, mọi nhà trong dịp tết đến, xuân về.

ADQuảng cáo

Những ngày này, gia đình bà Trần Thị Tiến ở tổ dân phố 9, phường Nghĩa Thành (Gia Nghĩa) luôn tấp nập người đến đặt hàng, mua bánh chưng, bánh tét chuẩn bị cho tết.

Theo bà Tiến, nghề làm bánh chưng, bánh tét đã gắn bó với gia đình bà hơn 30 năm qua. Bình thường thì mỗi ngày, gia đình bà gói 20 kg nếp, nhưng từ ngày 20 tháng Chạp trở đi thì số lượng tăng lên nhiều lần, cao điểm có ngày hơn 1 tạ nếp. Thậm chí, có lúc khách đặt hàng nhiều quá, không có người phụ nên bà từ chối khéo.

Nghề gói bánh chưng, bánh tét nghe đơn giản, nhưng cũng lắm công phu. Để bánh chưng ngon, việc chọn nguyên liệu rất quan trọng. Gạo phải là nếp cái hoa vàng, nếp nhung; đậu xanh hạt to, chắc mẩy; lá dong, lá chuối phải có màu xanh mướt; thịt lợn vừa có mỡ, có nạc; gia vị là nước mắm cốt truyền thống và hạt tiêu sọ…

Khi gói cũng phải gói chặt tay, đúng quy cách, trọng lượng. Lá sau khi mua về phải rửa sạch vì nếu không sạch sẽ ảnh hưởng đến chất lượng cũng như màu của bánh. Khi luộc phải đủ giờ, đủ nước, bánh mới rền và thơm, nguyên liệu ngấm vào nhau tạo thành vị ngọt, bùi, ngậy...  Bởi vậy, gia đình bà luôn đặt yếu tố an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu nên khách hàng rất ưa chuộng và đặt hàng với số lượng rất lớn. Vào dịp cuối năm, các nhà hàng, cơ quan, đơn vị đều đặt hàng để cúng tất niên.

Bà Tiến vui vẻ: “Làm nghề này tuy cực, nhưng gia đình tôi cảm thấy rất vui vì đã góp phần mang hương vị tết cho mọi nhà. Chỉ mong sao có sức khỏe để tiếp tục duy trì nghề”.

Nắm bắt nhu cầu và thị hiếu của thị trường nên cứ mỗi dịp gần tết là chị Lê Thị Phương Linh ở phường Nghĩa Đức làm mứt gừng để bán. Theo chị Linh, mứt gừng rất dễ làm, nhưng cũng lắm công phu.

ADQuảng cáo

Theo đó, gừng sau khi mua về phải cạo vỏ, rửa sạch, không để đất cát dính vào. Đến công đoạn bào gừng thành lát đòi hỏi làm sao bảo đảm lát gừng to, dài, đẹp mắt. Sau đó, gừng được rửa lại thêm một lần nữa và cho vào luộc bằng nước chanh cho thơm.

Rim gừng là khâu quan trọng nhất trong các công đoạn chế biến mứt gừng. Do đó, người làm phải túc trực thường xuyên bên chảo lửa để chế độ lửa cho phù hợp. Lửa quá nhỏ hay quá lớn cũng ảnh hưởng đến chất lượng của mứt gừng. Mỗi chảo rim được đặt lên bếp tầm khoảng 50 phút, khi nào gừng khô và bốc mùi thơm đặc trưng là được. Để cho lát gừng thẳng, không cong queo thì sau khi rim phải đổ ra nia rồi ép thẳng, để nguội và đóng gói.

Đặc biệt, để đa dạng sản phẩm, chị Linh còn làm thêm các loại mứt khác như mứt dừa, mứt khoai lang, mứt nghệ… Mỗi loại mứt đều có cách chế biến khác nhau nên đòi hỏi phải nắm bắt được kỹ thuật cũng như vị đặc trưng của từng loại mứt.

Chị Linh cho biết: “Mỗi loại mứt đều có đặc trưng riêng, nên người làm phải nắm bắt được kỹ thuật thì mứt mới ngon, đậm đà. Nghề này cũng chỉ lấy công làm lãi, nhưng tôi rất vui vì góp một phần đem đến hương vị mọi miền”.

Còn gia đình bà Nguyễn Thị Lành ở phường Nghĩa Thành lại làm dưa kiệu để bán. Theo bà thì dưa kiệu là món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ ngày tết. Món dưa kiệu đạt chuẩn phải trắng, trong, giòn, ngọt vừa phải. Hũ kiệu phải được sắp xếp gọn, đẹp, đều đặn, không có kiệu vụn và nhất là bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Muốn vậy, người làm phải chịu khó, tỉ mẩn, kỹ lưỡng từng công đoạn, không sử dụng chất bảo quản. Trung bình dịp tết, gia đình bà làm và bán khoảng 2 tạ dưa kiệu muối.

Bà Lành cho biết: “Với món ăn truyền thống này, ngày sum họp cuối năm của các gia đình thêm ấm cúng, ngon miệng. Gia đình tôi cũng có được một khoản thu nhập rất khá từ nghề này”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đậm đà, ấm áp hương vị tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO