Đắk Song đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với thị trường

Lê Dung| 10/05/2021 09:24

Để ngành Nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững, huyện Đắk Song đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tạo ra liên kết giữa vùng sản xuất với thị trường tiêu thụ.

ADQuảng cáo

Đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi

Để vượt các "rào cản" trong quá trình xuất khẩu hàng hóa ra thị trường thế giới, huyện Đắk Song đã hình thành 3 cơ sở chế biến nông sản áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP.

Liên kết tạo thành vùng sản xuất hồ tiêu theo chuỗi đang phát triển mạnh tại Đắk Song

Ngoài ra, thông qua việc thực hiện các chính sách hỗ trợ và thu hút đầu tư, huyện có 5 chuỗi liên kết với sự tham gia của 4 doanh nghiệp, hợp tác xã và cơ sở sản xuất. Trong đó, sản phẩm các chuỗi liên kết đều áp dụng và được cấp chứng nhận các tiêu chuẩn như: Chuỗi sản phẩm heo thịt, gia cầm của Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam được chứng nhận VietGAP cho 31 trang trại heo và 1 trại gia cầm; chuỗi sản xuất và tiêu thụ hồ tiêu của Công ty Cổ phần Thương mại và dịch vụ xuất nhập khẩu Trân Châu, Công ty cổ phần SAM nông nghiệp công nghệ cao, Công ty Gia vị Hương Sơn Hà và Công ty Cổ phần Haprosimex…

Trong số 5 chuỗi liên kết của địa phương hiện nay, phần lớn nội dung liên kết về sản xuất và tiêu thụ nông sản. Trong đó, có 1 chuỗi liên kết hoàn chỉnh theo mô hình chuỗi giá trị, từ cung ứng vật tư, chuyển giao kỹ thuật, thu mua, cho đến tiêu thụ sản phẩm. Còn lại 4 chuỗi liên kết đều được chứng nhận về chất lượng sản phẩm trong nước và 1 chứng nhận về chất lượng sản phẩm quốc tế (sản phẩm hồ tiêu hữu cơ).

Qua hoạt động liên kết theo chuỗi cho thấy, ngoài ổn định “đầu ra” cho nông sản, chủ động nguồn nguyên liệu chế biến, các sản phẩm tham gia liên kết đều được cấp chứng nhận an toàn và canh tác theo đúng quy trình kỹ thuật.

Các đơn vị sản xuất, sơ chế, chế biến tham gia mô hình chuỗi liên kết sản xuất đã từng bước xây dựng được hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, thực hiện tốt việc kiểm soát an toàn thực phẩm cho địa phương.

Toàn huyện Đắk Song hiện có 309 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn hữu cơ và VietGAP; 1.204 ha hồ tiêu đạt tiêu chuẩn Rain forrest. Ngoài ra, địa phương còn xây dựng chứng nhận VietGAP cho 8 ha rau, 40 ha sầu riêng, 25 ha bơ… Các tổ chức, trang trại sản xuất trên địa bàn từng bước được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm.

Tăng khả năng kết nối thị trường

Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Song, trên địa bàn hiện có nhiều chuỗi liên kết mới được hình thành. Số lượng thành viên, quy mô diện tích, sản lượng, chủng loại nông sản tham gia chuỗi liên kết ngày càng tăng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tỷ lệ nông sản tiêu thụ qua chuỗi vẫn còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.

ADQuảng cáo

Trong đó, một số chuỗi liên kết thiếu tính bền vững, khả năng mở rộng thị trường cũng như tăng độ liên kết còn hạn chế. Quá trình vận hành một số chuỗi liên kết còn thiếu minh bạch, chưa tạo được uy tín, niềm tin đối với các thành viên tham gia.

Đáng chú ý nhất là quá trình phân loại, xác định giá cả sản phẩm và việc tuân thủ các nội dung theo yêu cầu hợp đồng chưa được các thành viên liên kết thực hiện nghiêm túc… Vì vậy, để nâng cao hiệu quả của việc liên kết theo chuỗi giá trị, địa phương đang tập trung triển khai các giải pháp nhằm kết nối giữa vùng sản xuất tập trung với thị trường tiêu thụ cho sản phẩm.

Đầu tư vào khoa học công nghệ đã giúp Công ty TNHH Trang trại xanh Thu Thủy (Đắk Song) kết nối dễ dàng hơn với thị trường tiêu thụ

Theo ông Trần Ngọc Thủy, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Song, trước tiên, đơn vị đang đề xuất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Huyện Đắk Song chú trọng ưu tiên những doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm lâu dài cho nông dân, đầu tư cho ứng dụng công nghệ cao và tham gia xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp.

Cùng với đó, các vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao sẽ sớm được được hình thành. Địa phương sẽ tập trung hướng dẫn người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ, lựa chọn mô hình, phương án sản xuất có hiệu quả. Huyện khuyến khích bà con đầu tư phát triển kinh tế trang trại, các tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp để sản xuất một cách bài bản, có quy mô hơn.

Việc phát triển thị trường tiêu thụ, xúc tiến thương mại sẽ được huyện chú trọng đẩy mạnh hơn trong thời gian tới. Cùng với hỗ trợ các sản phẩm tiềm năng tham gia vào chuỗi OCOP, huyện sẽ xây dựng bản đồ vùng nguyên liệu, cây trồng tập trung.

Huyện cũng xây dựng các chuỗi giá trị, hình thành mối liên kết giữa người cung ứng, người sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trên cơ sở đó, huyện từng bước mở rộng khả năng tiêu thụ hàng hóa nông sản, thu hút nguồn nguyên liệu tại chỗ và các vùng lân cận.

Cũng theo ông Thủy, huyện Đắk Song đang tiếp tục ưu tiên cho hoạt động xúc tiến thương mại dưới nhiều hình thức. Đó là giới thiệu, quảng bá các sản phẩm có chất lượng cao trên website của các ngành, địa phương, doanh nghiệp; thường xuyên cập nhật các thông tin và dự báo về thị trường, giá cả nông sản...

“Địa phương sẽ tạo điều kiện tốt nhất cho các sản phẩm nông nghiệp tham gia hội chợ để quảng bá, tìm kiếm cơ hội hợp tác, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, hợp tác tiêu thụ và tìm đối tác đầu tư phát triển sản xuất lâu dài”, ông Thủy cho biết thêm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Song đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO