Đắk Ngo chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng bền vững

Hoàng Hoài| 30/11/2015 14:05

Nhiều năm trước đây, người dân trong xã Đắk Ngo (Tuy Đức) chủ yếu trồng điều và sắn, song hiệu quả mang lại không cao, đất đai ngày càng cằn cỗi. Vì vậy, xã đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho nhân dân về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển đa cây, đa con.

ADQuảng cáo

Qua tuyên truyền, phân tích, hướng dẫn của các cấp chính quyền, đoàn thể, người dân  đã hiểu hơn về sự cần thiết phải thay đổi giống để nâng cao chất lượng cây trồng. Vì vậy, đến nay, nhiều hộ dân đã mạnh dạn cải tạo đất để trồng cà phê, xen cà phê, hồ tiêu vào trong vườn điều, xen canh giữa cây ngắn ngày và dài ngày… Việc chuyển đổi cây trồng cũng không vội vàng mà thực hiện dần dần theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”.

Điển hình như gia đình chị Nguyễn Thị Bích Liên ở bon Điêng Đu, trước đây, chuyên trồng điều, nhưng hiệu quả không cao, lại hay bị bệnh rồi chết. Hơn 2 năm nay, chị Liên đã chuyển qua trồng tiêu, đến nay đã có 310 trụ tiêu, một số cây đã cho thu bói.

Chị Liên cho biết: “Với diện tích đất ít, nên gia đình tôi lựa chọn chuyển từ trồng điều sang trồng tiêu là phù hợp. Hơn nữa, qua thực tế sản xuất của các gia đình trong vùng cho thấy, cây tiêu phù hợp với thời tiết, chất đất của địa phương, nên năng suất, giá trị kinh tế cao hơn những loại cây khác”.

Còn gia đình ông Đàm Văn Dung ở bản Đoàn kết có 1,7ha đất trước đây chuyên trồng điều, sắn, nhưng 4 năm nay đã chuyển đổi qua trồng cà phê và tiêu. Qua so sánh cho thấy, tuy mới chỉ thu năm đầu, nhưng cây cà phê đã từng bước cho thấy hiệu quả hơn rất nhiều.

Gia đình ông Đàm Văn Dung ở bản Đoàn Kết (bên phải) yên tâm khi việc chuyển đổi cây trồng bước đầu mang lại hiệu quả

Việc vận động nhân dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cây trồng cũng được chú trọng. 3 năm qua, xã đã phối hợp tổ chức được 12 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho người dân.

ADQuảng cáo

Ban Quản lý Dự án 3EM còn tổ chức các lớp tập huấn về chuỗi giá trị kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê, điều, cao su; phương pháp tiếp cận thị trường. Các nhóm tín dụng tiết kiệm cũng được thành lập, giúp các hộ dân có điều kiện cùng nhau trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, giúp nhau sản xuất có hiệu quả.

Tùy vào từng vùng, thực tế của từng hộ mà xã có sự vận động thích hợp, tránh tình trạng chuyển đổi đồng loạt gây thiệt hại và không có nguồn thu để chăm sóc cây trồng trong thời kỳ chưa cho thu hoạch. Các tổ chức đoàn thể cũng triển khai nhiều hoạt động để giúp hội viên trong xóa đói giảm nghèo.

Cụ thể như Hội phụ nữ xã đã đứng ra vận động, hướng dẫn thành lập 8 câu lạc bộ phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế,  nêu cao ý thức tự lực, tự cường, chủ động trong lao động sản xuất, không trông chờ ỷ lại vào Nhà nước.

Hiện tại, qua thống kê, toàn xã hiện đang quản lý 21 tỷ đồng nguồn vốn ủy thác của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và 1,46 tỷ đồng của Dự án 3EM... Qua đó, người dân có nguồn vốn để đầu tư phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và giải quyết việc làm. Ngoài ra, các chương trình, chính sách giảm nghèo của Trung ương như 134, 135, 102... cũng được triển khai thực hiện giúp người dân có thêm điều kiện để làm ăn, vươn lên, giảm nghèo hiệu quả.

Theo bà Phạm Thị Vân, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đắk Ngo thì với việc thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 39,2% (giảm 19,4% so với đầu nhiệm kỳ). Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích là một trong 3 khâu tập trung quan trọng nhằm góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trong xã.

Để làm được điều này, xã khuyến khích phát triển các mô hình kinh tế trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, hình thành vùng nguyên liệu tập trung. Cùng với việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cải tạo vườn tạp, tái canh cà phê, việc phát triển nông nghiệp của xã sẽ từng bước theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Chú trọng phát triển các dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là cung ứng vật tư, giống, vốn, tiêu thụ, chế biến nông sản, gắn với phát triển đa dạng các ngành nghề nông thôn...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Ngo chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO