Đắk Mil, người dân chủ động chống hạn cho cây trồng

Hồng Thoan| 02/03/2016 16:22

Tình hình khô hạn hiện nay đang xảy ra ở nhiều vùng trên địa bàn huyện Đắk Mil. Trước thực tế này, cùng với sự vào cuộc của ngành chức năng, chính quyền địa phương thì nông dân cũng đã có những cách thức riêng để chủ động chống hạn bảo vệ cây trồng.

ADQuảng cáo

ƯU TIÊN NƯỚC CHO VÙNG CUỐI NGUỒN

Cũng giống như mọi năm, Đắk Lao là vùng trọng điểm của huyện Đắk Mil đang chịu ảnh hưởng của khô hạn. Toàn xã hiện đã có tới 4/8 công trình hồ đập cạn nước. Điển hình, công trình thủy lợi Đắk Ken vào những ngày cuối tháng 2 luôn có khoảng 20 máy bơm sẵn sàng hoạt động, nhưng chỉ có khoảng một nửa số máy đang chạy. Nguồn nước không nhiều nhưng người dân không có tâm lý tranh giành, ngược lại nhiều người còn san sẻ nguồn nước cho hộ khác.

Anh Đàm Xuân Thanh ở thôn 9b, xã Đắk Lao đã trực máy bơm từ nhiều ngày trước để tưới cho 6 ha cà phê ở khu vực Đắk M’Bai, cách hồ khoảng 3 km.

Anh Xuân cho biết: “Do rẫy cà phê của gia đình ở cuối nguồn nên tôi đã được nhiều người khác ưu tiên tưới trước. Tuy nhiên, không vì thế mà tôi tưới một cách tràn lan mà tưới với lượng vừa đủ khoảng 450 lít/gốc để tiết kiệm nước cho những hộ tưới sau”.

Được ưu tiên tưới trước, vườn cà phê của anh Đàm Xuân Thanh ở xã Đắk Lao đã bắt đầu xanh trở lại

Tương tự, anh Lê Dũng cũng có 5 sào cà phê ở khu vực Đắk M’Bai tâm sự: “Diện tích cà phê ít nên tôi không đủ tiền để đầu tư máy bơm, đường ống dẫn nước từ hồ vào. Thay vào đó, tôi lại được các hộ xung quanh san sẻ nguồn nước nên đến nay cũng đã tưới được hai đợt”.

ADQuảng cáo

Đắk M’Bai là một trong những vùng trọng điểm khô hạn của xã Đắk Lao ngoài khu vực Bò Vàng, Đồn 759. Theo đó, tổng diện tích cà phê đã chịu ảnh hưởng của khô hạn lên đến khoảng 1.500 ha, chiếm 50% trong tổng diện tích cà phê toàn xã. Chính vì thế, việc vận động nhân dân sử dụng nước đúng cách là một hoạt động trọng tâm đang được chính quyền xã triển khai.

Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Nguyên Long, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Lao cho biết: “Ưu tiên tưới trước cho vùng cuối nguồn, tưới theo hình thức luân phiên chính là cách mà người dân địa phương áp dụng rộng rãi trong đợt cao điểm hạn hán này. Việc tưới luân phiên cũng giúp cho nguồn nước được bơm tập trung, nhanh hơn khi không bị chia nhỏ gây thất thoát, đồng thời còn tiết kiệm chi phí chạy máy. Các tổ tự quản, đội ngũ cán bộ thôn cũng đã phát huy vai trò của mình trong việc vận động nhân dân tưới nước theo đợt.”

Nguồn nước ở hồ Đắk Ken còn rất ít nhưng người dân trong vùng vẫn san sẻ nguồn nước để cùng chống hạn

TẠO SINH THÁI CÂN BẰNG CHO VƯỜN CÂY

Cùng với việc sử dụng nước hợp lý, để chống hạn cho cây trồng từ nhiều năm nay, nhiều hộ dân đã biết tạo sự cân bằng sinh thái cho vườn cây. Gia đình bà Nguyễn Thị Hải ở  thị trấn Đắk Mil đã chú trọng việc tủ gốc cho ca cao. Theo bà Hải thì việc tủ gốc giúp cho cây giữ được độ ẩm, đồng thời lá cây khi phân hủy cũng tạo nên một lượng mùn đáng kể bổ sung dinh dưỡng cho cây.

Còn bà Nguyễn Vy Lục ở thôn Vinh Đức, xã Đức Minh lại chú trọng việc trồng các loại cây tạo vành đai che gió, che bóng cho hơn 1 ha cà phê. Bà Lục cho biết: “Gia đình sử dụng cây muồng trồng bờ ranh để tạo “lớp áo” chắn gió cho cà phê, nhất là vào mùa khô. Cùng với đó, tôi còn trồng thêm các loại cây che  bóng, đồng thời tạo thêm thu nhập như bơ, sầu riêng. Chính nhờ cách làm này mà vườn cà phê của tôi vẫn giữ được sự cân bằng về nhiệt độ trong điều kiện nắng hạn”.

Ông Lê Văn Điệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Mil cho biết: “Chính sự vào cuộc của người dân đã giúp địa phương hạn chế được những ảnh hưởng của khô hạn đối với cây trồng. Đây cũng là điều thể hiện sự chủ động của người nông dân trên địa bàn trong việc sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả bảo đảm sự phát triển nông nghiệp bền vững trong điều kiện ảnh hưởng của biến đổi khí hậu”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Mil, người dân chủ động chống hạn cho cây trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO