Đắk Glong: Nhiều hộ đồng bào thoát nghèo từ trồng chè

Mỹ Hằng| 25/02/2016 09:31

Năm 2010, thông qua nguồn vốn hỗ trợ nông dân, Hội Nông dân tỉnh triển khai dự án trồng giống chè BT14 cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Đắk Glong. Sau một thời gian trồng và chăm sóc, cây chè đã mang lại hiệu quả kinh tế ổn định cho người dân nên được nhân rộng.

ADQuảng cáo

Gia đình anh K’Buôn ở thôn 6, xã Quảng Khê khi tham gia dự án đã trồng 0,1 ha chè BT14, được hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng như các kỹ thuật sản xuất cần thiết. Với sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, sau 1 năm chăm sóc, vườn chè đã cho thu hoạch. Nhận thấy  có hiệu quả nên gia đình anh đã mạnh dạn mở rộng thêm diện tích. Hiện tại, với 1 ha chè, mỗi năm trừ tất cả chi phí, gia đình anh có thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Theo anh K’Buôn, năm đầu tiên, năng suất chè đạt khoảng 100kg/ha/lứa (mỗi tháng thu 2 lứa), nhưng đến năm thứ 2 trở đi, năng suất tăng từ 150-200kg/ha/lứa. Sản phẩm sau khi thu hoạch được Doanh nghiệp Trần Gia Đắk Nông ở thôn 8 thu mua với giá 10.000 đồng/kg tươi nên  không lo về đầu ra cho sản phẩm.

Anh K’Buôn cho biết: “So với các loại cây trồng dài ngày khác thì cây chè dễ trồng và chăm sóc hơn nhiều, đầu ra tương đối ổn định, giá cả không bấp bênh. Với điều kiện như hiện nay, sắp tới, tôi dự định mở rộng thêm diện tích trồng chè để tăng thu nhập cho gia đình”.

Tương tự, gia đình anh K’Song ở thôn 2 cũng vươn lên thoát nghèo từ cây chè BT14. Theo lời anh K’Song kể thì sau một thời gian trồng, nhận thấy mang lại hiệu quả kinh tế ổn định nên gia đình anh đã mở rộng diện tích chè lên 0,3 ha.

Nhờ chăm sóc đúng quy trình nên vườn chè giống BT14 của gia đình anh K’Song ở thôn 6 (thứ 2 từ trái sang) luôn xanh tốt và đạt năng suất cao

ADQuảng cáo

Hai năm đầu hái ngọn chủ yếu để tạo dáng cho cây, qua các năm sau khi vườn chè đi vào kinh doanh, năng suất đã tăng lên đáng kể. Do cây chè thu hoạch quanh năm, trừ tất cả chi phí, mỗi tháng gia đình anh thu về hơn 6 triệu đồng. Đây là mức thu tương đối cao đối với các hộ gia đình khó khăn. Đặc biệt, trong những năm tiếp theo, khi vườn cây đã bước vào giai đoạn kinh doanh thì năng suất ổn định hơn nhiều.

Anh K’Song cho biết: “Tôi thấy cây chè BT14 rất thích hợp với điều kiện đất đai ở nơi đây và là một trong những cây trồng mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao”.

Theo Hội Nông dân huyện Đắk Glong thì mấy năm trở lại đây, nhờ thu nhập từ cây chè nên đời sống của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã được cải thiện đáng kể. Qua sự hỗ trợ ban đầu, đến nay nhiều hộ gia đình đã chủ động đầu tư thêm vốn, mở rộng diện tích, tận dụng những đồi đất còn bỏ trống để trồng bổ sung.

Từ khởi điểm ban đầu là 5 ha, đến nay, toàn huyện có 30 ha chè của hơn 100 hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số, tập trung chủ yếu ở các xã Quảng Khê, Đắk Som, Đắk P’lao và hầu hết hiện đang trong thời kỳ kinh doanh. Giống chè bà con đang trồng phần lớn là giống BT14 có năng suất cao, chất lượng tốt, kháng chịu được sâu bệnh hại. Do cây chè có thể thu hoạch đều các tháng trong năm và mỗi tháng thu 2 lứa, nên rất phù hợp với điều kiện kinh tế của người dân nơi đây, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thiếu vốn.

Qua tìm hiểu được biết, để giúp người dân đạt hiệu quả cao từ trồng chè, hàng năm, Hội Nông dân huyện đều phối hợp với các ngành chức năng tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc, thu hoạch cũng như tìm thị trường tiêu thụ ổn định. Thông qua đó, các hộ gia đình yên tâm mở rộng thêm diện tích, nâng cao năng suất, sản lượng. Từ việc trồng chè, nhiều hộ gia đình giờ đây có thu nhập ổn định, góp phần nâng cao đời sống mọi mặt, đóng góp vào sự phát triển của địa phương.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Glong: Nhiều hộ đồng bào thoát nghèo từ trồng chè
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO