"Cuộc cách mạng nửa vời" tại các công ty lâm nghiệp (kỳ 3): Chật vật tìm hướng đi

Công Tính - Ngàn Sâu| 18/03/2020 08:58

Để vừa giữ rừng và nâng cao được đời sống người lao động, có những đơn vị đã mạnh dạn phát triển các lĩnh vực sản xuất có thế mạnh. Thế nhưng, với nguồn vốn hạn hẹp, nên việc mở rộng sản xuất của các công ty lâm nghiệp ở Đắk Nông sau sắp xếp, đổi mới cũng chỉ mới dừng lại ở dạng… thí điểm.

ADQuảng cáo

Trong số các công ty lâm nghiệp còn lại sau sắp xếp, đổi mới, trường hợp ở Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Nam Tây Nguyên và Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Đại Thành lại là một trong số ít các đơn vị có duy trì thêm hoạt động sản xuất.

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên đang thí điểm mô hình phát triển kinh tế rừng theo hướng nông-lâm nghiệp kết hợp. Ảnh: Lê Phước

Vừa làm vừa thử nghiệm

Là đơn vị từng có đội xây dựng, trại chăn nuôi bò, xưởng chế biến gỗ, thế nhưng hoạt động chính hiện nay của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên giờ đây vẫn là quản lý bảo vệ rừng. Nguồn thu chính của đơn vị vẫn là từ nguồn dịch vụ môi trường rừng và nguồn hỗ trợ của Nhà nước.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bình, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, ngoài nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng, thời gian qua đơn vị đã thí điểm việc phát triển kinh tế rừng theo hướng nông-lâm kết hợp. Đó là Công ty liên kết hỗ trợ cây giống như: Cây mắc ca và một số cây ăn quả để người dân địa phương trồng trên những diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. Với số vốn hỗ trợ từ 15-20 triệu đồng/ha. Trong 2 năm (2018, 2019) Công ty đã hỗ trợ 51 hộ dân, trồng hơn 120 ha cây trồng. Đến khi diện tích cây trồng này cho thu hoạch, Công ty chỉ thu lại khoảng 10% phục vụ cho công tác quản lý bảo vệ rừng.

Cũng theo ông Bình, nếu mô hình sản xuất nông-lâm kết hợp thành công, Công ty sẽ chủ động liên kết tìm đầu ra cho người dân; đồng thời, hướng dẫn người dân ở địa phương thành lập hợp tác xã nông-lâm nghiệp để phát triển sản xuất. Nói rõ hơn mục đích phát triển kinh tế thông qua mô hình nông-lâm kết hợp này, ông Bình cho rằng, lợi ích mang lại cho người dân vẫn là chủ yếu. Với Công ty thì nhiệm vụ quan trọng nhất vẫn là giữ được diện tích rừng ổn định chứ chưa dám nghĩ tới việc làm kinh tế.

Nói về mục tiêu mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh để mang lại nguồn thu chính cho đơn vị, ông Nguyễn Ngọc Bình cho biết: "Đối với trường hợp như Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên thì vẫn đang cẩn trọng, từng bước tìm hướng đi cho phù hợp. Thực tế, những năm qua, đơn vị đã trồng hơn 300 ha cây cao su, nhưng với giá mủ xuống thấp, nên cũng không biết đến khi nào vườn cây mới mang lại doanh thu như kỳ vọng".

Trụ sở Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Nam Tây Nguyên. Ảnh: Quang Vũ

ADQuảng cáo

Sản xuất vẫn là nhân tố phụ

Nhận thấy câu chuyện khai thác, chế biến gỗ có nhiều thay đổi, nhiều năm trước, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Đại Thành đã hướng đến việc xây dựng phương án quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC. Công ty cũng là một trong những đơn vị lâm nghiệp đầu tiên trên cả nước đạt chứng nhận này.

Thế nhưng, khi nói về việc phát triển kinh tế rừng, ông Phan Bá Nhã, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Đại Thành cho biết, nếu như mục tiêu ban đầu, đơn vị xây dựng thành công phương án quản lý rừng bền vững thì sẽ có nguồn nguyên liệu khai thác từ rừng để phục vụ hoạt động chế biến lâm sản. Thế nhưng, từ khi có chủ trương “đóng cửa rừng”, cũng đồng nghĩa với việc khai thác gỗ của Công ty cũng không còn. Để tìm kiếm nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất với giá cả hợp lý như các đơn vị tư nhân thì Công ty không có đủ nguồn lực thực hiện.

“Việc không được khai thác gỗ theo hướng bền vững đã ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động của đơn vị. Bởi vì, chi phí để thực hiện đạt được phương án quản lý rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc tế FSC rất tốn kém. Đó là chưa kể, những năm qua, Công ty đã phải chi nhiều tỷ đồng để duy trì phương án quản lý rừng này”, ông Nhã phân tích.

Giấy chứng nhận rừng đạt tiêu chuẩn quốc tế FSC, nhưng nó vẫn chưa mang lại giá trị kinh tế cho Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Đại Thành

Cũng theo ông Nhã, nhiệm vụ chính của đơn vị vẫn là giữ rừng. Còn việc sản xuất thì Công ty tập trung vào làm hàng mộc và khai thác cây le với mục tiêu đạt 1,5 tỷ đồng trong năm 2020. Nguồn thu này cũng chỉ bù đắp được một phần nhỏ chi phí hoạt động của cả đơn vị.

Theo ông Nguyễn Xuân Diệu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đắk N’tao, thời gian qua, đơn vị cũng đang loay hoay tìm hướng đi phù hợp để phát triển kinh tế. Thế nhưng, thực tế hiện nay, còn có quá nhiều "lực cản", khiến cho các công ty lâm nghiệp không thể đầu tư sản xuất, kinh doanh để phát triển kinh tế. "Có trong tay rất nhiều đất đai, tài nguyên rừng và lẽ ra những thứ đó phải trở thành tư liệu sản xuất có hiệu quả. Thế nhưng, hiện nay các công ty lâm nghiệp vẫn không thể khai thác được các tài nguyên đó. Ngược lại còn phải trông chờ, phụ thuộc vào các nguồn hỗ trợ từ ngân sách. Đó là một nghịch lý rất buồn tại các công ty lâm nghiệp!", ông Diệu phân tích.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay hầu hết các công ty lâm nghiệp trên địa bàn không có ngành nghề sản xuất, kinh doanh hoặc hoạt động kinh tế. Hoạt động của các công ty lâm nghiệp vẫn là quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao.

>>Kỳ 4: Còn nhiều bất cập trong sắp xếp, đổi mới

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cuộc cách mạng nửa vời" tại các công ty lâm nghiệp (kỳ 3): Chật vật tìm hướng đi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO