Công nghiệp chế biến lâm sản đang thiếu tính bền vững, chưa đi vào chiều sâu

Hà An| 14/10/2015 09:53

Toàn tỉnh hiện có 19 doanh nghiệp chế biến gỗ, 1 doanh nghiệp chế biến lâm sản ngoài gỗ với tổng khối lượng gỗ nguyên liệu nhập xưởng bình quân hàng năm khoảng trên 70.000m3.

ADQuảng cáo

Các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn chủ yếu vẫn đang sử dụng công nghệ lạc hậu, chế biến gỗ thành phẩm thô chứ chưa thực sự đi vào chiều sâu.

Sản xuất mộc dân dụng và mỹ nghệ tại Cơ sở mộc Quang Ánh (Gia Nghĩa). Ảnh: Bảo Anh

Năm 2014, 20 cơ sở đã nhập vào tổng khối lượng gỗ là 78.078 m3, trong đó,  gỗ rừng tự nhiên là 23.286m3; gỗ rừng trồng là 54.792 m3. Tổng khối lượng gỗ xuất xưởng trong năm là hơn 43,3 ngàn m3 nhưng tập trung ở một vài công ty lớn, số còn lại chủ yếu sản xuất sản phẩm gỗ thô phục vụ các công trình dân dụng.

Nguyên nhân một phần là do phần lớn các cơ sở chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh chưa thực sự quan tâm đến khai thác chiều sâu như đầu tư máy móc, sản xuất những sản phẩm mộc tinh chế, tìm thị trường tiêu thụ và nguồn nguyên liệu đầu vào.

Toàn tỉnh chỉ có 7 cơ sở đã đầu tư máy móc thiết bị hoàn chỉnh để sản xuất đồ mộc xuất khẩu, gỗ tinh chế như Công ty cổ phần chế biến gỗ xuất khẩu Hưng Thịnh, Công ty TNHH Hải Sơn, DNTN Khánh Công (Chư Jút); Công ty TNHH MTV Đại Thành (Đắk Mil); Công ty Cổ phần Kỹ nghệ gỗ Long Việt (Đắk Song), Công ty TNHH Thái Thịnh (Đắk Glong).

Thế nhưng trong đó cũng chỉ có Công ty Cổ phần Kỹ nghệ gỗ Long Việt được đầu tư thiết bị công nghệ hiện đại để sản xuất ván nhân tạo, ván sợi MDF và được xem là cơ sở duy nhất đầu tư đúng hướng. Các cơ sở chế biến còn lại tuy có đầu tư trang thiết bị nhưng lạc hậu, ít được đổi mới, không đồng bộ.

ADQuảng cáo

Chưa kể đến, phần lớn các cơ sở nêu trên có quy mô nhỏ lẻ, đặc biệt là thiếu vốn đầu tư nên năng lực cạnh tranh yếu. Sản phẩm của các cơ sở đa số là gỗ xẻ xây dựng cơ bản, mộc dân dụng cung cấp cho thị trường trong nước.

Hiện chỉ có ít doanh nghiệp xuất khẩu đồ mộc và chủ yếu xuất khẩu đi Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... nên chưa mang tính đa dạng, hiệu quả sản xuất thấp. Lao động tại các đơn vị chế biến lâm sản hiện khoảng 2.000 người nhưng chủ yếu là lao động thời vụ, tay nghề thấp, chưa mang tính chuyên nghiệp.

Với một tỉnh được xem là có thế mạnh về lâm sản, trong đó có nguyên liệu gỗ, nhưng, sản phẩm từ lĩnh vực này lại đang đóng vai trò thứ yếu, rất mờ nhạt trong tỷ trọng kinh tế của tỉnh. Trong khi, theo nghiên cứu, điều kiện kinh tế càng phát triển, đời sống đa phần người dân được nâng lên thì nhu cầu tiêu dùng gỗ theo đầu người ngày càng tăng.

Cụ thể, các sản phẩm từ gỗ như hàng mộc cao cấp, đồ gỗ nội thất, gỗ mỹ nghệ, ván nhân tạo là những mặt hàng có nhu cầu rất lớn kể cả thị trường trong nước và nước ngoài trong giai đoạn hiện nay và nhiều năm tiếp theo. Trong khi nguyên liệu từ rừng tự nhiên càng thu hẹp thì ngoài việc đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, để đảm bảo tính bền vững, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này cũng cần quan tâm đến nguồn nguyên liệu tái tạo, nguyên liệu tận dụng và nguyên liệu trồng.

Theo thống kê, tổng diện tích trồng rừng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2008 đến nay khoảng gần 15.000 ha nhưng chủ yếu là rừng trồng từ các chương trình, dự án của Nhà nước và các tổ chức phi chính phủ. Diện tích rừng nguyên liệu do các doanh nghiệp tham gia trồng còn rất khiêm tốn, chỉ khoảng hơn 5,7 ngàn ha.

Từ đây cho thấy, vấn đề quy hoạch, tái cơ cấu lĩnh vực sản xuất, chế biến đồ gỗ đang là yêu cầu rất cần được quan tâm hiện nay. Để làm được điều này, tỉnh cần có chính sách thu hút, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư máy móc, trang thiết bị hiện đại kết hợp với mở rộng vùng nguyên liệu, đa dạng hóa sản phẩm, mở rộng thị trường… để sản xuất, chế biến gỗ thực sự đi vào chiều sâu, mang tính bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghiệp chế biến lâm sản đang thiếu tính bền vững, chưa đi vào chiều sâu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO