"Cơn sóng"... hồ tiêu

Phan Tuấn| 20/06/2019 10:21

Từ năm 2010 - 2016, giá hồ tiêu cao ngất ngưỡng (từ 170 - 220 ngàn đồng/kg), trên toàn tỉnh Đắk Nông xuất hiện nhiều tỷ phú hồ tiêu. Do biên độ ổn định giá kéo dài, nhiều người nông dân đều ham muốn, dốc sức mở rộng diện tích hồ tiêu, ôm mộng làm giàu. Thế nhưng, 2 năm trở lại đây, sản phẩm hồ tiêu rớt giá không phanh, "trận đại dịch" bùng phát trên diện rộng như cơn "sóng thần" càn quét nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần, thậm chí tan cửa nát nhà.

ADQuảng cáo

Kỳ 1: Ðua theo cơn sốt... "vàng đen"

Một giai đoạn dài người nông dân trồng hồ tiêu ví loại cây này như "vàng đen", đầu tư nhanh đem lại lợi nhuận, gần như “một vốn bốn lời”. Cũng do biên độ sốt giá kéo dài, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh Đắk Nông không ngần ngại đầu tư tiền tỷ cho hồ tiêu với mong muốn sớm được “đổi đời”.

"Bơm" tiền tỷ trồng hồ tiêu

Giai đoạn từ năm 2010 - 2016, mỗi gia đình chỉ cần có 1 ha hồ tiêu bước vào thời kỳ kinh doanh là nhẹ nhàng “đút túi” từ 600 triệu đến 1 tỷ đồng/năm. Thế nên, cũng là điều dễ hiểu khi giai đoạn này, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, đâu đâu cũng thấy người dân đua nhau trồng cây hồ tiêu mà “nóng” nhất phải kể đến huyện Đắk Song.

Giai đoạn 2010 - 2016, diện tích hồ tiêu nhiều nơi trên địa bàn tỉnh tăng mạnh

Giai đoạn 2010-2013, với 2 ha hồ tiêu thời kỳ kinh doanh, gia đình anh Nguyễn Văn Việt, trú tại xã Nâm N’Jang (Đắk Song) đã tạo dựng được một cơ ngơi vững vàng, nắm trong tay số tiền hàng tỷ đồng. Từ năm 2013 trở về sau, thấy lợi nhuận hồ tiêu mang lại vẫn rất lớn, vợ chồng anh Việt dồn hết vốn liếng mở rộng diện tích sản xuất lên 12 ha hồ tiêu với khoảng 16.000 trụ. Ngoài sử dụng số tiền 5 tỷ đồng mà gia đình tích lũy được, anh Việt không ngần ngại vay vốn ngân hàng thêm 3 tỷ đồng để đầu tư vào cơn sốt “vàng đen” đang leo thang. Anh Việt cho biết: “Cứ năm nào sản xuất có lãi là vợ chồng tôi lại dồn tiền mua thêm đất để trồng hồ tiêu với hy vọng để lại của hồi môn khấm khá cho 5 đứa con về sau”.

Tương tự, thấy giá hồ tiêu luôn ở mức cao, trong vùng liên tiếp xuất hiện nhiều tỷ phủ hồ tiêu nên anh Nguyễn Văn Hanh, ở xã Đắk N’Drung (Đắk Song) đã vay vốn ngân hàng, người thân, bạn bè… để “lướt” theo cơn sốt “vàng đen”. Anh Hanh cho biết: “Thấy nhiều người ăn nên làm ra với hồ tiêu, vợ chồng tôi chẳng ngại ngần huy động anh em, họ hàng rồi vay thêm ngân hàng được tổng cộng 6 tỷ đồng để trồng hồ tiêu. Số tiền là rất lớn nhưng cũng chỉ phát triển được 7 ha hồ tiêu mà thôi”. Theo anh Hanh, thời điểm năm 2015, giá đất bị thổi phồng, trung bình mỗi ha đất trắng ở Đắk Song phải mua từ 400 đến 1 tỷ đồng tùy từng vùng. Ngoài việc giá đất leo thang thì chi phí mua trụ, giống hồ tiêu, phân bón, nhân công… để trồng 1 ha hồ tiêu cũng ngốn đến từ 500-700 triệu đồng. Biết đầu tư cao nhưng với giá hồ tiêu như thời điểm đó, không có gì làm giàu nhanh bằng hồ tiêu.

Không riêng gì Đắk Song, từ năm 2013-2016, tất cả 8 huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nơi nào cũng ồ ạt phát triển cây hồ tiêu. Ngoài những vùng phù hợp, người nông dân còn bất chấp khuyến cáo của cơ quan chức năng cải tạo những vùng đất không phù hợp, trồng hồ tiêu bằng mọi giá. Phong trào "nhà nhà trồng hồ tiêu, người người trồng hồ tiêu" đã tạo thành một hiệu ứng đám đông vượt ra ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

ADQuảng cáo

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đối với cây hồ tiêu, tỉnh Đắk Nông định hướng đến năm 2020 ổn định diện tích khoảng gần 10.000 ha, sản lượng gần 19.000 tấn/năm. Thế nhưng, đến hết năm 2017, diện tích trồng tiêu trên địa bàn tỉnh đã đạt gần 33.000 ha, sản lượng 38.000 tấn. Hiện nay, diện tích cây hồ tiêu đã vượt gần 3 lần so với Quy hoạch cây hồ tiêu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt và vượt gần gấp 2 lần diện tích quy hoạch hồ tiêu đến năm 2020 của tỉnh phê duyệt. Điều đáng nói, nhiều ha hồ tiêu còn được người dân “đánh bạc” trồng ở những vùng ẩm thấp, sình lầy… không phù hợp với điều kiện sinh trưởng của cây tiêu.

Diện tích vượt xa quy hoạch

Qua thực tế cho thấy, từ năm 2010 - 2016 là giai đoạn cây hồ tiêu phát triển nhanh và ồ ạt chưa từng thấy đối với bất kỳ cây trồng nào trong ngành Nông nghiệp. Bên cạnh sự hấp dẫn về lợi nhuận, còn có nhiều yếu tố đã góp “gió” cho người nông dân tạo thành cơn "bão" hồ tiêu có cường độ mạnh.

Đến thăm những vựa hồ tiêu nổi tiếng một thời, nhiều người dân trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở các xã Nâm N’Jang, Đắk N’Drung, Thuận Hạnh… (Đắk Song) cho rằng, thời điểm cơn sốt cây hồ tiêu leo thang, họ còn được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía các ngân hàng. Thời điểm này, luôn có hàng chục nhân viên của nhiều ngân hàng khác nhau sẵn sàng tìm đến tận vườn rẫy để tư vấn, hỗ trợ người dân vay vốn phát triển diện tích hồ tiêu. Chỉ cần có trong tay một vài ha hồ tiêu trong thời gian kinh doanh, người dân có thể thế chấp vay vốn ngân hàng với số tiền lên đến tiền tỷ, số tiền mà trước đây họ không bao giờ dám nghĩ tới.

Sau năm 2013, khi đã trúng đậm hồ tiêu, người dân xã Nâm N'Jang (Đắk Song) đua nhau mở rộng diện tích

Ngoài thuận lợi về tiếp cận vốn, người trồng hồ tiêu còn được các đại lý kinh doanh nông sản, cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... ủng hộ nhiệt tình với cơ chế mua bán, nợ nần hết sức thông thoáng. Bất cứ người dân nào có nhu cầu sử dụng phân bón để chăm sóc hồ tiêu chỉ cần ký sổ là có thể ghi nợ hàng trăm triệu đồng khi đến mùa thu hoạch tiêu thì trả nợ.

Đặc biệt, nhận thấy nhu cầu mua bán, sang nhượng rẫy hồ tiêu trong Nhân dân rất lớn, một bộ phận đã đầu tư “lướt sóng”. Thế nên, bộ phận đầu cơ này đã tăng cường sử dụng nhiều loại phân bón hóa học, chất kích thích để cây tiêu phát triển nhanh, đẹp mơn mởn nhằm rao bán với giá cao chứ không quan tâm đến yếu tố bền vững. Thấy vậy, nhiều hộ nông dân cũng nghĩ cây hồ tiêu hợp với phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật nên thúc ép cây trồng bứt tốc phát triển. Từ những yếu tố trên, cây hồ tiêu được thổi bùng lên như trái bóng, có thể vỡ tung bất cứ lúc nào không hay.

>> Kỳ 2: Khuynh gia, bại sản vì... hồ tiêu

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Cơn sóng"... hồ tiêu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO