Cơ hội cho nông sản Đắk Nông mở rộng thị trường

Lê Phước| 19/07/2017 11:39

Vừa qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Đắk Nông và Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh ký kết thỏa thuận hợp tác quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2017 - 2020. Đây được xem là điều kiện để tăng cường vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực ATTP cũng như thêm nhiều cơ hội để sản phẩm nông nghiệp của tỉnh mở rộng thị trường tiêu thụ.

ADQuảng cáo

Nông dân xã Đắk D'rông (Chư Jút) sạc ngô. Ảnh: Y Krắk

Theo biên bản được ký kết, Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Nông và Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh sẽ phối hợp xây dựng giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, kiểm tra, kiểm soát sản xuất, chế biến, phân phối, lưu thông sản phẩm nông sản, thực phẩm giữa 2 địa phương. Hai bên phối hợp xây dựng và triển khai các giải pháp thúc đẩy sản xuất, nuôi trồng theo hướng tập trung, quy mô lớn, văn minh, hiện đại, đạt chuẩn an toàn, năng suất cao và sản xuất theo nhu cầu thị trường, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng, đủ khả năng cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu và hướng tới xuất khẩu.

Đáng lưu ý, các bên sẽ phối hợp chặt chẽ trong triển khai các giải pháp quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thực phẩm (thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm, rau củ quả và các mặt hàng nông sản khác). Theo đó, Sở NN&PTNT Đắk Nông sẽ hỗ trợ TP. Hồ Chí Minh rà soát, giới thiệu các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ nông dân có uy tín, có hoạt động sản xuất, nuôi trồng quy mô lớn, theo quy trình VietGap, GlobalGap, Haccp… để tham gia các Đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thực phẩm. Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh sẽ hỗ trợ Đắk Nông triển khai chương trình quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, thực phẩm tại địa phương.

Mô hình chăn nuôi heo áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) ngày càng được mở rộng ở tỉnh. (Trong ảnh: Mô hình chăn nuôi heo VietGAP tại xã Nhân Cơ, huyện Đắk R’lấp)

ADQuảng cáo

Theo ông Nguyễn Cầu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, việc ký kết hợp tác sẽ là điều kiện thuận lợi cho các ngành chức năng 2 địa phương trong kiểm tra chất lượng sản phẩm, giám sát việc vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm nông sản, thực phẩm. Qua đó, Đắk Nông có thêm điều kiện đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ, phát triển kênh phân phối, mở rộng thị trường đối với thực phẩm an toàn và truy xuất nguồn gốc tại thị trường TP. Hồ Chí Minh, nơi có sức tiêu thụ lớn với hơn 10 triệu dân.

Ngoài vấn đề bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng, việc hợp tác sẽ thúc đẩy tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát triển các loại hình sản xuất lớn, văn minh, hiện đại. Qua đó, Đắk Nông sẽ được TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh thành khác tham gia hợp tác xây dựng thương hiệu hàng hóa, thương hiệu doanh nghiệp, cơ sở nuôi trồng, sản xuất đạt chuẩn an toàn được chứng nhận kiểm soát có uy tín tại địa phương.

Cũng theo ông Nguyễn Cầu, thời gian gần đây, ý thức về sản xuất thực phẩm an toàn của tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Số lượng của các cơ sở đăng ký hỗ trợ thực hiện các mô hình áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) liên tục tăng. Trong đó, nhiều mô hình có quy mô sản xuất hàng hóa lớn, đầu tư chuyên sâu như: các mô hình gà thả vườn, rau sạch, gạo sạch... Vì vậy, thời gian tới, Sở NN&PTNT sẽ tiếp tục vận động thêm các cơ sở chăn nuôi heo tham gia chương trình truy xuất nguồn gốc sản phẩm, đồng thời mở rộng hợp tác các mô hình sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương như thịt gà, thịt bò, cà phê, tiêu, rau, củ, quả…

Hiện tại, Đắk Nông đã có 2 cơ sở chăn nuôi heo tham gia hợp tác với TP. Hồ Chí Minh trong việc truy xuất nguồn gốc thịt heo là trang trại ở xã Kiến Thành (Đắk R’lấp) và xã Chư K’nia (Chư Jút). Theo quy trình, trước khi heo được đưa đi tiêu thụ thì ngay tại 2 trang trại này, cán bộ thú y địa phương sẽ kiểm tra tất cả các tiêu chuẩn như: không dùng chất cấm trong chăn nuôi, dịch bệnh... và gắn vòng nhận diện đeo 2 chân sau đối với những con heo đủ điều kiện.

Sau khi vận chuyển đến TP. Hồ Chí Minh, những con heo này sẽ được lực lượng chức năng tại đây kiểm tra lại vấn đề vệ sinh ATTP trước khi đưa đi giết mổ. Khi thịt heo được bán tại các chợ, trung tâm thương mại tại TP. Hồ Chí Minh, người tiêu dùng có thể dễ dàng nắm bắt nguồn gốc của sản phẩm (nuôi ở trang trại, địa phương nào…) trên mạng điện tử của địa điểm kinh doanh đó hoặc đơn giản hơn bằng việc quét mã (QR-Code) trên dấu sản phẩm qua thiết bị di động thông minh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội cho nông sản Đắk Nông mở rộng thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO