Cơ giới hóa nông nghiệp: Cần đồng bộ chính sách

Hoài An (t.h)| 27/09/2016 10:09

Theo Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp – PTNT), gần đây do nhu cầu bức thiết của sản xuất, một phần được Nhà nước hỗ trợ, một phần nhờ sản xuất nông nghiệp bắt đầu phát triển theo hướng hàng hóa lớn nên cơ giới hóa (CGH) nông nghiệp có bước tiến đáng kể.

ADQuảng cáo

Số lượng máy động lực sử dụng trong nông nghiệp tăng 1,6 lần trong 10 năm qua. Một số loại tăng rất nhanh như máy gặt lúa tăng 25,6 lần;  máy phun thuốc bảo vệ thực vật tăng 6 lần, máy bơm nước tăng 1,2 lần. Mức độ CGH nhiều khâu đạt khá cao (làm đất bằng máy đạt 90%, gieo trồng, cấy đạt 30%, chăm sóc đạt 60%...).

Nông dân xã Chư K'nia (Chư Jút) thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hoàn. Ảnh: Hồ Mai

Theo đánh giá, tỷ lệ CGH còn chênh lệch giữa cây lúa và cây trồng khác khiến khả năng cạnh tranh của nông sản nguyên liệu bị hạn chế. Mức độ trang bị CGH không đồng đều giữa các vùng miền, địa bàn (ở các vùng cao, vùng đồng bào dân tộc, khu vực nhà vườn, sản xuất hộ nhỏ còn rất thấp) khiến cho năng suất lao động, năng suất nông nghiệp chung của cả nước còn thấp. Tình trạng CGH chậm đã khiến cho nhiều địa phương có nền tảng để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghiệp nhưng vẫn giẫm chân tại chỗ.

Tại hội thảo “Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp và công nghệ chế tạo máy nông nghiệp” do Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN&PTNT) phối hợp với Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng một trong những mấu chốt quan trọng dẫn tới phát triển CGH trong nông nghiệp khá èo uột và mất cân đối bắt nguồn từ chính sách.

ADQuảng cáo

Theo Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch, trong hơn 3 năm (2010-2013), cơ chế hỗ trợ của Nhà nước cho CGH nông nghiệp đã 3 lần thay đổi theo chủng loại máy. Về quy trình, thủ tục thực hiện chính sách, các cơ quan quản lý Nhà nước và ngân hàng đề ra quy trình, thủ tục rất chặt chẽ nên người dân tiếp cận chính sách cũng không dễ dàng. Thủ tục lập dự án vay vốn kéo dài, phức tạp đối với nông dân. Cơ quan chức năng còn nhiều lúng túng khi thẩm định dự án trong khi thời hạn ưu đãi lãi suất ngắn. Việc thế chấp tài sản khó thực hiện được do tài sản của nông dân chủ yếu là sổ đỏ, đất đai không thể thế chấp để vay nhiều khoản khác nữa...

Một trong những bất cập nổi cộm là nguồn lực ngân sách Nhà nước còn hạn chế, dẫn đến địa phương cũng phải hạn chế việc hỗ trợ. Trong 5 năm (2011-2015), ngân sách Nhà nước chi hỗ trợ lãi suất mua máy móc CGH trong nông nghiệp chỉ khoảng 500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngành cơ khí chế tạo máy nông nghiệp hiện nay vẫn còn quy mô nhỏ, máy móc thiết bị lạc hậu nên khả năng cạnh tranh yếu. Đặc biệt, hệ thống mạng lưới dịch vụ bảo hành sửa chữa vẫn còn đang thiếu và hạn chế, người mua khi sử dụng máy nếu xảy ra hư hỏng thì chủ yếu là tự sửa vì không có trạm sửa chữa tại địa phương. Trên thị trường máy móc nông nghiệp, các sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm con số áp đảo (gần 70%), trong khi đó sản phẩm sản xuất trong nước thị phần rất nhỏ (15-20%).

Để cải thiện tình trạng này, nhiều chuyên gia kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét việc sửa đổi chính sách hỗ trợ xuất phát từ nhu cầu thực tiễn sản xuất của người dân và doanh nghiệp. Nội dung chính sách mới cần giữ lại các công cụ hỗ trợ còn phù hợp, có tác dụng và hiệu quả tốt, đồng thời sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện, tạo đột phá về chính sách có trọng tâm, có các mức độ hỗ trợ phù hợp với các mục tiêu, đối tượng ưu tiên trong các giai đoạn khác nhau. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ nên thực hiện hỗ trợ giá chứ không phải hỗ trợ vay vốn như hiện nay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ giới hóa nông nghiệp: Cần đồng bộ chính sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO