Chương trình tái canh cây cà phê: Cần tiếp tục tháo gỡ những “nút thắt”

Nguyễn Lương| 17/06/2015 09:40

Việc tiếp cận vốn từ ngân hàng thương mại khó khăn, nguồn giống cà phê cấp để tái canh còn những bất cập, trong khi các bên liên quan chưa đi đến sự thống nhất… là những rào cản đã, đang làm chậm tiến độ, hiệu quả chương trình tái canh cà phê trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo

Nguồn vốn hạn hẹp

Theo tính toán của ngành Nông nghiệp tỉnh, hiện tại, muốn tái canh cà phê theo phương thức trồng mới thì 1 ha cần chi phí là 150 triệu đồng, còn đối với ghép cải tạo là 80 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, để thực hiện tái canh, không phải nông dân nào cũng có điều kiện về nguồn vốn đầu tư. Trong khi việc tiếp cận vốn từ ngân hàng thương mại theo Chương trình tái canh cà phê của Chính phủ cũng không phải dễ dàng.

Hầu hết diện tích cà phê được tái canh ở Đắk Song là do người dân tự thực hiện

Ông Nguyễn Duy Thanh, ở thôn 5, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp) phân trần: Gia đình tôi có hơn 3 ha cà phê bước vào năm thứ 25 nên muốn trẻ hóa một số diện tích để tăng năng suất. Tuy nhiên, nếu đầu tư ngay một khoản tiền lớn thì gia đình chưa đủ điều kiện. Vừa rồi, tôi có làm hồ sơ vay tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT huyện, được cán bộ tư vấn cho biết mức lãi suất là gần 12%/năm. Còn nếu vay với lãi suất ưu đãi theo chương trình tái canh cà phê thì diện tích cà phê của tôi phải được UBND xã xác nhận nằm trong vùng quy hoạch. Ngoài lãi suất cao, một số thủ tục chưa hoàn thành nên đến nay tôi vẫn chưa thể vay được vốn.

Qua tìm hiểu được biết, hiện tại, không chỉ có gia đình ông Thanh mà nhiều nông dân trên địa bàn huyện rất cần vốn để tái canh, nhằm nâng cao năng suất, sản lượng cà phê. Ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp cho biết, toàn huyện hiện có hơn 16.000 ha cà phê, trong đó, diện tích cà phê già cỗi tương đối lớn.

Do ngân sách hạn hẹp nên mỗi năm, địa phương chỉ dành được từ 200 đến 500 triệu đồng để thực hiện tái canh. Cũng chính vì thế mà trong 2 năm 2013, 2014, toàn huyện chỉ mới tái canh được hơn 200 ha cà phê, trong đó, tập trung vào những hộ nghèo, cận nghèo và đồng bào dân tộc thiểu số. Còn đối với những hộ dân khác thì việc tái canh cũng chỉ thực hiện theo kiểu “tự bơi” là chính.

So với Đắk R’lấp thì huyện Đắk Song có diện tích cà phê tái canh nhỉnh hơn, với 4.200 ha và hầu hết diện tích tái canh này là do các hộ dân tự thực hiện. Theo ông Lê Viết Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Song, do diện tích cà phê đang ở vào giai đoạn già cỗi nên năng suất cây trồng kém hiệu quả. Để cải thiện thực trạng, những năm qua, người dân đã tự “trẻ hóa” cà phê theo hình thức cuốn chiếu vì nguồn vốn không có. Trong năm 2015, địa phương đăng ký cấp hơn 105.000 cây giống cà phê để tái canh. Mặc dù đã vào mùa mưa nhưng do điều kiện về nguồn vốn tiến độ tái canh trên địa bàn vẫn rất chậm.

Trao đổi về vấn đề vốn, ông Đinh Văn Công, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT tỉnh cho biết, nguồn vốn để tái canh cây cà phê ngân hàng luôn có, nhưng hiện tại, toàn tỉnh mới chỉ giải ngân được hơn 5 tỷ đồng. Trong số vốn đã giải ngân này, phần lớn là các hộ gia đình vay theo lãi suất thương mại, còn các trường hợp vay theo chương trình tái canh thì rất ít. Sở dĩ vậy là do tỉnh chưa có diện tích quy hoạch cà phê cụ thể theo chủ trương nên ngân hàng vẫn chưa thể cho vay đại trà.

Nguồn giống chưa đảm bảo

ADQuảng cáo

Trong Chương trình tái canh cây cà phê, ngoài nguồn vốn, khâu giống hiện nay đã, đang còn nhiều vấn đề đáng bàn. Thực tế, trong gần 3 năm qua, nhiều địa phương đã được cấp giống tái canh, nhưng vì nguồn giống không đảm bảo nên hiệu quả rất thấp.

Hàng năm, việc cấp giống cà phê để tái canh thường muộn so với thời vụ trồng cà phê của người dân

Ông Đoàn Văn Tài, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Bình (Đắk Song) cho biết: “Trong giai đoạn 2013-2014, toàn xã được cấp hơn 50.000 cây giống cà phê để tái canh. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân như chất lượng giống, kỹ thuật chăm sóc không đảm bảo nên phần lớn cây cà phê của người dân phát triển không mấy hiệu quả. Việc cấp giống tái canh hàng năm được cơ quan chuyên môn phân bổ rất muộn đã ảnh hưởng rất lớn đến thời vụ xuống giống của nông dân. Thậm chí, vì chờ đợi nên nhiều hộ dân đã tự kiếm giống không rõ nguồn gốc trên thị trường để thế vào diện tích đã phá bỏ.

Ông Phan Tuấn Khải, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật  cho biết: “Trong quá trình tái canh, do không đủ vốn, cây giống nên các hộ chủ yếu là trồng dặm để thay thế những cây cà phê già cỗi hoặc trồng ở những cây bị chết do bị bệnh. Hơn nữa, vì không áp dụng đúng quy trình kỹ thuật tái canh cà phê nên nhiều cây sinh trưởng và phát triển kém. Ngoài ra, do vấn đề về ngân sách, ươm giống… nên việc cấp phát giống trên địa bàn thường lệch với thời vụ của bà con”.   

Sớm có những giải pháp hữu hiệu hơn

Thực tế, nhu cầu tái canh cà phê của người dân rất lớn, nhưng vì nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ nên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ, hiệu quả của chương trình.

Ông Đinh Văn Công, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT tỉnh chia sẻ: “Trước mắt, để giải ngân vốn cho nguời dân, các xã phải dựa trên quy hoạch sơ bộ của ngành Nông nghiệp, từ đó, so sánh, đối chiếu diện tích cụ thể ở địa phương. Sau khi rà soát, đối với những hộ nằm trong diện tích quy hoạch, xã phải xác nhận để ngân hàng có cơ sở pháp lý cho vay”.

Liên quan đến vấn đề này, ông Hồ Gấm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiêp - PTNT cho hay: Đến thời điểm này, ngành đã làm quy hoạch về việc phát triển cây cà phê nhưng đang cần sự đóng góp của các cấp, ngành. Dự kiến, đến cuối năm 2015, ngành sẽ công bố quy hoạch chi tiết. Tuy nhiên, có thể khẳng định, diện tích tái canh cà phê hầu hết đều nằm trong vùng diện tích quy hoạch cây cà phê của tỉnh. Vì thế, hiện tại, ngành đang chỉ đạo các xã dựa trên quy hoạch sơ bộ của tỉnh để xác nhận diện tích tái canh cho người dân.

Còn về phía ngành Nông nghiệp, đơn vị cũng đang tích cực phối hợp với ngân hàng thương mại tổ chức tọa đàm với các địa phương về chương trình tái canh cà phê. Thông qua chương trình này, đối với những vướng mắc từ cơ sở, ngành trực tiếp nắm bắt, từ đó, từng bước nghiên cứu giải pháp phù hợp.  

Thực tế, diện tích cà phê cần tái canh rất lớn, trong khi các bên liên quan thời gian qua chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đang thực hiện theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Do vậy, để đẩy nhanh tiến độ, cũng như hiệu quả chương trình tái canh cây cà phê, về phía ngành Nông nghiệp, ngân hàng thương mại cần sớm thống nhất để tìm ra những giải pháp hữu hiệu hơn. Các cơ quan chuyên môn cần tăng cường hỗ trợ nông dân tuân thủ các quy trình, kỹ thuật trong tái canh cà phê để hạn chế rủi ro và nâng cao năng suất cây trồng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình tái canh cây cà phê: Cần tiếp tục tháo gỡ những “nút thắt”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO