Chương trình tái canh cà phê: Nguồn vốn đang được “khơi thông”

Nguyễn Lương| 24/12/2015 09:44

Khó khăn về nguồn vốn trong tái canh cà phê đã được đơn vị liên quan từng bước tháo gỡ. Hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu đã được tiếp cận nguồn vốn triển khai tái canh cà phê đối với những diện tích già cỗi sau một thời gian dài chờ đợi.

ADQuảng cáo

GIẢI QUYẾT “CƠN KHÁT VỐN” CHO… NGƯỜI DÂN

Sau một thời gian chờ đợi, cuối tháng 9 vừa qua, ông Lê Văn Tiến, ở thôn Thanh Lâm, xã Đức Minh (Đắk Mil) đã được tiếp cận nguồn vốn theo chương trình tái canh cà phê. Với nguồn vốn được vay là hơn 100 triệu đồng, ông Tiến đã đầu tư đào hố, mua giống, phân bón về triển khai tái canh.

Theo ông Tiến thì trước đây, do phần lớn diện tích cà phê đã bước vào giai đoạn già cỗi nên gia đình ông chặt bỏ một phần để tự tái canh. Tuy nhiên, vì nguồn vốn không có nhiều nên diện tích cà phê được trồng mới chưa nhiều.

Sau khi tiếp nhận thông tin Nhà nước triển khai chương trình tái canh cà phê cho vùng Tây Nguyên, ông và nhiều hộ dân khác đã liên hệ UBND xã để làm hồ sơ đề nghị được vay vốn. Vậy nhưng, vì nhiều nguyên nhân khác nhau mà đến tận tháng 9 vừa rồi, ông mới được giải ngân vốn.

Ông Tiến cho biết: “Nguồn vốn vừa được vay là điều kiện rất thuận lợi để tôi triển khai tái canh đối với những diện tích cà phê đã già cỗi. Hiện tại, để diện tích cà phê phát triển tốt, tôi thường xuyên tham gia các lớp tập huấn để học hỏi kiến thức về chăm sóc, cũng như phòng bệnh, từ đó, áp dụng vào thực tế”.

Tương tự, ông Nguyễn Thành Tâm, ở thôn Xuân Trang cũng đã tiếp cận được nguồn vốn từ chương trình này để thực hiện tái canh. Với hơn 120 triệu đồng được tiếp cận từ chương trình, gia đình ông đã giải quyết được “cơn khát vốn” trước mắt.

Ông Tâm cho biết: “Vừa qua, tôi được tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng đã phần nào tạo thêm động lực để gia đình tôi quyết tâm thực hiện chương trình tái canh. Ngoài việc lựa chọn nguồn giống ở những cơ sở uy tín, tôi sẽ tiếp thu thêm nhiều kiến thức về kỹ thuật chăm sóc để vườn cà phê sau khi được tái canh phát triển tốt, sớm cho hiệu quả cao”.

Sau khi được tiếp cận vốn từ ngân hàng, nhiều hộ nông dân ở xã Đức Minh (Đắk Mil) đã bắt tay vào việc tái canh cà phê

ADQuảng cáo

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT huyện Đắk Mil, chỉ sau một thời gian ngắn triển khai, đến nay, dư nợ tái canh cà phê tại đơn vị là gần 5 tỷ đồng, với hơn 50 khách hàng vay. Để từng bước đáp ứng nhu cầu vốn vay, đối với những hộ nông dân sau khi được UBND xã phê duyệt diện tích cà phê nằm trong vùng quy hoạch, đơn vị đã trực tiếp cử cán bộ tín dụng xuống thẩm định hồ sơ. Thời gian thẩm định được đội ngũ tiến hành nhanh chóng, nhằm giúp người dân sớm được tiếp cận vốn để triển khai tái canh.  

 “ĐỘNG THÁI” THÁO GỠ TỪ ĐƠN VỊ CHỦ LỰC

Theo Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT tỉnh, đối với chương trình tái canh cà phê, khi chưa có chủ trương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, về phía chi nhánh đã triển khai rồi. Thời điểm đó, để làm cơ sở cho vay, đơn vị đã thiết kế mẫu xác nhận đề nghị UBND cấp xã xác nhận cho các hộ có diện tích cà phê nằm trong diện tích quy hoạch.

Tuy nhiên, sau đó, theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thì cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách lại là UBND các huyện, thị xã nên quá trình xem xét cho vay cũng bị chững lại một thời gian, gây khó khăn cho người dân trong quá trình tiếp cận vốn.

Trước tình hình nhu cầu vay vốn tái canh nhiều, Chi nhánh đã tích cực làm việc với Sở Nông nghiệp-PTNT, Ban Chỉ đạo tái canh cà phê để tìm cách tháo gỡ. Về phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, sau đó đã sửa đổi quy định cấp phê duyệt từ cấp huyện, thị xã xuống UBND xã xác nhận để giải quyết khó khăn cho người dân.

Sau khi được phê duyệt, Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh cấp huyện tiến hành tổ chức hội nghị tái canh cà phê ở các xã. Thông qua các hội nghị, ngân hàng đã thiết kế phiếu rà soát để khảo sát nhu cầu vay vốn đối với các hộ có nhu cầu tái canh trên từng địa bàn.

Trên cơ sở khảo sát, Chi nhánh tổng hợp lại, từng bước xây dựng kế hoạch, cũng như nắm được con số thực tế về nhu cầu tái canh để giải ngân vốn theo đúng tiến độ. Đến nay, toàn tỉnh đã có gần 140 khách hàng được tiếp cận vốn từ chương trình tái canh cà phê, với dư  nợ hơn 16 tỷ đồng. 

Ông Lê Xuân Quyết, Trưởng Phòng Khách hàng cá nhân và Doanh nghiệp (Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT tỉnh) cho biết: “Thời điểm này, người dân đang vào mùa thu hoạch cà phê nên tiến độ tái canh vẫn chưa được đẩy mạnh. Để tiếp tục tạo điều kiện cho nông dân sau khi thu hoạch là bước vào triển khai tái canh, hiện tại, đơn vị tiếp tục rà soát, tổng hợp nhu cầu tái canh, trên cơ sở đó, lập kế hoạch, cũng như chủ động nguồn vốn để sẵn sàng đáp ứng cho người dân khi có nhu cầu”.

Có thể nói, nhu cầu tái canh cà phê của người dân trên địa bàn là rất lớn. Một trong những khó khăn lớn nhất là nguồn vốn hiện đã và đang từng bước được giải quyết. Hi vọng thời gian tới những hạn chế về vấn đề giống, khoa học kỹ thuật cũng tiếp tục được các cấp, ngành liên quan  quan tâm tháo gỡ để chương trình tái canh cà phê đạt kết quả cao.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình tái canh cà phê: Nguồn vốn đang được “khơi thông”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO