Chương trình tái canh cà phê gặp trở ngại: “Đầu chưa xuôi, đuôi sao lọt?”

Văn Tâm| 30/06/2015 09:24

Mặc dù trước đây, UBND tỉnh và ngành Nông nghiệp đã có quy hoạch tổng thể phát triển ngành nông nghiệp, khuyến cáo hạn chế phát triển diện tích và chỉ ổn định trong toàn tỉnh khoảng 66.000 ha cà phê, nhưng đến năm 2014, diện tích cà phê trên địa bàn đã lên đến 118.832 ha, trong đó diện tích kinh doanh là 105.520 ha, năng suất bình quân đạt trên 2,2 tấn/ha, sản lượng thu hoạch đạt 238.897 tấn.

ADQuảng cáo

Về cơ cấu, diện tích tập trung chủ yếu thuộc các hộ tư nhân, chiếm trên 85% tổng diện tích cà phê toàn tỉnh, quy mô bình quân mỗi hộ khoảng 0,8 ha, chủ yếu là các giống cũ, giống thực sinh và được trồng lâu năm.

Nông dân thôn Đắk Hoa, xã Tân Thành (Krông Nô) dùng máy múc tìm nguồn nước chống hạn cho 6 ha cà phê. (Ảnh chụp tháng 4/2015 - Văn Tâm).

Thực hiện Chương trình tái canh do Sở Nông nghiệp - PTNT phối hợp với Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam thực hiện, trong 4 năm qua, tổng lượng giống cà phê đã cấp phát là 3.000 kg hạt giống gieo ươm, tương đương 2.172.200 cây giống thực sinh và 50.000 bầu giống cà phê TRS1 ươm sẵn.

Ngoài ra, Công ty TNHH Nesle Việt Nam đã kết hợp với Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) tổ chức sản xuất và hỗ trợ 50% phí cây giống (giống thực sinh, giống ghép) cho nông dân, với 1.100.903 cây giống. Theo đó, qua 4 năm, toàn tỉnh đã thực hiện tái canh được hơn 3.910 ha cà phê già cỗi, năng suất thấp.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình trên địa bàn tỉnh còn gặp trở ngại do địa phương chưa điều chỉnh quy hoạch phát triển cà phê bền vững, gây khó khăn cho công tác cho vay phục vụ tái canh của Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT. Bên cạnh đó, nguồn kinh phí để thực hiện điều tra cụ thể diện tích cà phê cần tái canh đến từng hộ nông dân, lập danh sách các hộ nông dân có nhu cầu vay vốn để phục vụ tái canh, xây dựng các lớp tập huấn chuyển giao quy trình tái canh đến cho người nông dân… cũng chưa được bố trí.

Ngoài ra, mức lãi suất cho vay đầu tư tái canh cây cà phê mặc dù ưu đãi thấp hơn 2% so với vay thương mại nhưng vẫn còn cao so với tính chất của đối tượng đầu tư..., thủ tục kèm theo còn nhiều, nên nông hộ còn tâm lý e ngại, chưa mạnh dạn trong việc vay vốn thực hiện tái canh.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp – PTNT, để đảm bảo nguồn giống đáp ứng yêu cầu khoảng trên 22.821.000 cây cà phê giống trồng tái canh cho 20.747 ha và 7.260.000 chồi, ghép cải tạo cho 2.200 ha trong trong năm 2015 và những năm tới, đơn vị đã hướng dẫn các địa phương củng cố lại các vườn nhân chồi giống cà phê cao sản được đầu tư từ ngân sách Nhà nước và hướng dẫn các cơ sở sản xuất gieo ươm cây giống cà phê thực hiện công bố tiêu chuẩn chất lượng cây giống theo quy định.

Đơn vị cũng đề nghị các sở, ngành, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là hội nông dân các cấp tăng cường sự phối hợp với ngành Nông nghiệp, triển khai tốt công tác thông tin, tuyên truyền đến tận hộ nông dân, tổ chức thành lập các nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất cà phê; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê, tham gia liên kết phát triển chuỗi giá trị sản phẩm cà phê, sản xuất theo hướng nâng cao giá trị gia tăng ngành hàng cà phê của tỉnh…

Xem ra những giải pháp vừa nêu đều cần thiết cho một nền sản xuất nông nghiệp bền vững. Song, đối với Chương trình lớn là tái canh cà phê đã thực hiện từ nhiều năm mà đến nay ngành Nông nghiệp chưa có điều chỉnh, công bố vùng quy hoạch rõ ràng để làm cơ sở cho các hoạt động tiếp theo, đặc biệt là giải ngân nguồn vốn tín dụng được xem là trở ngại, gây ách tắc nhất cho chương trình. Muốn làm bền vững, nhưng chưa có quy hoạch thì bắt đầu từ đâu? Rõ ràng là “Đầu chưa xuôi thì đuôi làm sao lọt?”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình tái canh cà phê gặp trở ngại: “Đầu chưa xuôi, đuôi sao lọt?”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO