Chương trình tái canh cà phê: Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn

Bình Minh - Thanh Nga| 14/10/2015 09:51

Chương trình tái canh cà phê từ năm 2012 đến nay đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, địa phương và người dân.

ADQuảng cáo

Vườn cà phê tái canh năm thứ 2 của ông Đoàn Hùng Thịnh ở thôn 8, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) đạt năng suất 3 tấn/ha. Ảnh: Thanh Nga

NHIỀU TỒN TẠI

Mặc dù đã được các đơn vị đôn đốc, hướng dẫn nhưng việc gieo ươm giống cà phê tái canh ở các cơ sở gieo ươm chỉ đạt hơn 71%. Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hạt gieo ươm đạt chưa cao là do cách ủ sai quy trình, sử dụng giá thể ươm chưa đúng kỹ thuật.

Việc giao trực tiếp hạt giống cho người dân tự gieo ươm cũng gặp tình trạng tỷ lệ nảy mầm thấp, cây giống đạt chuẩn không nhiều. Ngoài ra, lượng giống nằm rải rác ở các địa bàn cũng gây khá nhiều khó khăn trong theo dõi, nắm bắt tình hình sinh trưởng và phát triển của cà phê tái canh. Nhu cầu về cây giống cà phê tái canh của người dân trên địa bàn rất lớn.

Tuy nhiên, năng lực gieo ươm của các đơn vị lại có hạn nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Chính sách hỗ trợ giống tái canh cà phê của các huyện khác nhau nên người dân có tâm lý chưa tin tưởng vào giống được cấp phát.

Thực tế, một số huyện thì hỗ trợ 50%, có địa phương lại hỗ trợ 100%. Tại nhiều hộ gia đình, việc ghép chồi “trẻ hóa” nhiều diện tích cà phê già cỗi đang mang lại hiệu quả kinh tế cao. Thế nhưng, chính sách hỗ trợ chồi ghép phục vụ cải tạo cà phê lại chưa được các huyện, thị xã triển khai, dẫn đến việc thực hiện công tác này trên địa bàn tỉnh còn chậm, chủ yếu là người dân tự làm.

Ngoài vấn đề giống, người dân còn gặp khó với nguồn vốn để tái canh cà phê. Để vay được vốn tái canh cà phê, các ngân hàng thương mại đòi hỏi người dân phải trả hết nợ đã vay đầu tư sản xuất trước đây. Hồ sơ vay cũng đòi hỏi phải có xác nhận phê duyệt của UBND huyện, thị xã.

ADQuảng cáo

Tại Đắk Mil, theo UBND huyện thì ngoài đòi hỏi trên, các ngân hàng thương mại còn yêu cầu khách hàng phải cung cấp hóa đơn về mua cây giống, vật tư, phân bón phục vụ quá trình tái canh cà phê mới giải quyết cho vay. Được biết, để tái canh cà phê theo phương thức trồng mới thì 1 ha cần chi phí tới 150 triệu đồng, còn đối với ghép cải tạo là 80 triệu đồng/ha. Đây là số tiền đầu tư lớn nên không ít người ngần ngại khi tái canh cà phê.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp - PTNT thì diện tích được cho là tái canh trong thời gian qua là chưa đúng về bản chất. Cụ thể, từ số giống được cấp thông qua các chương trình hỗ trợ do Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam tài trợ, cũng như của Công ty TNHH Nestle Việt Nam, người dân chủ yếu trồng dặm hoặc trồng mới thêm trên những diện tích còn trống.

Công tác hướng dẫn, chỉ đạo chưa được làm thường xuyên, không sát với thực tế nên số liệu báo cáo theo dõi chưa đúng dẫn đến khó khăn trong công tác chỉ đạo. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do người dân và cán bộ của một số địa phương trên địa bàn chưa hiểu đúng về bản chất của công tác tái canh cà phê.

Có nơi, người dân hiểu nhầm đây là nguồn vốn nhà nước hỗ trợ cho không hoặc lãi suất thấp, thủ tục vay dễ dàng nên dẫn đến tâm lý ỷ lại, đòi hỏi, chờ đợi. Thực trạng chung hiện nay trên địa bàn tỉnh là chưa có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương. Công tác thông tin tuyên truyền, hướng dẫn về kỹ thuật, thủ tục vay vốn ngân hàng chưa kịp thời, thiếu đầy đủ, làm cho người dân hiểu chưa đúng và lúng túng trong quá trình thực hiện.

SẼ ĐẨY MẠNH THỰC HIỆN CÁC GIẢI PHÁP

Theo ông Hồ Gấm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT, thời gian tới, ngành Nông nghiệp và các cấp chính quyền sẽ đẩy mạnh hoạt động thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn kỹ thuật và đẩy mạnh chính sách hỗ trợ để người dân hiểu rõ về chương trình tái canh cà phê. Công tác tổ chức tập huấn, hội thảo đầu bờ, hướng dẫn quy trình tái canh, ghép cải tạo cà phê được tăng cường.

Các cơ quan chuyên môn trực thuộc Sở Nông nghiệp-PTNT sẽ có tổng kết về mặt kỹ thuật, nhất là từ các mô hình thực tiễn để xây dựng quy trình tái canh, ghép cải tạo phù hợp với thực tế ở từng địa phương. Việc tổ chức các đợt tham quan, học tập kinh nghiệp cho nông dân tại các mô hình tái canh trong và ngoài tỉnh cũng triển khai nhiều hơn. Chính quyền địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các ngân hàng để tạo thuận lợi cho nông dân trong tiếp cận nguồn vốn.

Sở Nông nghiệp - PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh huy động các nguồn hỗ trợ từ các bộ, ngành và doanh nghiệp trong việc hỗ trợ giống cây trồng và kỹ thuật. Các địa phương cần chủ động xây dựng các vườn ươm giống, vườn cung cấp chồi ghép đảm bảo chất lượng để cung cấp cho nhân dân. Các địa phương nên áp dụng chính sách theo hình thức nhà nước hỗ trợ 50%, nhân dân đóng góp 50% nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong việc thực hiện chương trình tái canh cà phê.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chương trình tái canh cà phê: Cần sự vào cuộc quyết liệt hơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO