Chư Jút nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình 135

Hoàng Hoài| 13/09/2016 09:27

Không cứng nhắc, rập khuôn, huyện Chư Jút đã linh động khi thực hiện Chương trình 135, giúp đồng bào nghèo có được “chiếc cần câu” để có thêm động lực vươn lên.

ADQuảng cáo

Là một trong những hộ gia đình được hưởng lợi từ Chương trình 135, anh Dương Văn Can ở thôn 19, xã Đắk D’rông luôn nhắc nhở bản thân phải cố gắng vươn lên trong cuộc sống.

Vào Đắk D’rông từ năm 1996, nhưng cả gia đình 9 miệng ăn chỉ trông chờ vào việc nuôi vài con heo và 5 sào ruộng lúa năm được năm mất. Năm 2015, gia đình anh Can được hỗ trợ 5 triệu đồng từ Chương trình 135 để thêm vào mua trâu về nuôi nên mừng lắm. Con trâu trở thành tài sản lớn, giúp gia đình anh có thêm động lực để vươn lên trong cuộc sống.

Con trâu trở thành tài sản có giá trị, giúp gia đình Dương Văn Can  vươn lên thoát nghèo

Theo ông Trần Văn Thành, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đắk D’rông thì xã có thôn 19, thôn 20 và bon U S’ron được thụ hưởng Chương trình 135. Trong đó, hợp phần hỗ trợ sản xuất đã góp phần đáng kể vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Để hợp phần này phát huy hiệu quả, xã đã xin chủ trương không cấp giống, cây trồng mà thay vào đó là tập trung hỗ trợ người nghèo mua trâu, bò về nuôi, bởi đặc thù hộ nghèo của xã là không có đất sản xuất. Qua nhiều năm thực hiện, xã nhận thấy việc này hữu hiệu hơn. Bà con hết sức phấn khởi, nhất là khi thấy trâu, bò có giá trị lớn nên luôn cố gắng chăm sóc.

Ông Trịnh Xuân Giao, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Chư Jút cho biết, để phát huy hiệu quả các chương trình, chính sách do Trung ương và địa phương triển khai thì phải linh động lồng ghép, đầu tư tập trung, trọng điểm, tránh dàn trải.

ADQuảng cáo

Cụ thể, từ nguồn vốn Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, huyện đã ưu tiên tập trung sửa chữa các đập thủy lợi nhỏ và kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp tại các vùng được hưởng lợi, nhất là vùng có diện tích lúa nước lớn. Nhờ đó, hàng trăm ha lúa nước từ 1 vụ chuyển sang 2 vụ.

Không những vậy, với việc tích hợp nguồn vốn Chương trình 135 và các nguồn vốn khác, các hộ dân tộc thiểu số còn được hỗ trợ để mua trên 200 con bò giống, hàng chục máy cày tay phục vụ sản xuất. Qua nhiều năm thực hiện thành công chương trình, huyện đã nhận thấy, một trong những yếu tố quan trọng đó là phải chú trọng đến việc nâng cao nhận thức cộng đồng và công khai đến người dân về định mức đầu tư, hỗ trợ, đối tượng thụ hưởng tại thôn, buôn, bon.

Hàng năm, Ban chỉ đạo Chương trình 135 huyện đều tổ chức kiểm tra, chủ yếu về hợp phần sản xuất. Qua kiểm tra, nhìn chung các chủ đầu tư đã thực hiện tốt các bước quy định, tạo điều kiện để người dân tham gia dự án, đúng đối tượng thụ hưởng. Các hộ nghèo được tham gia bình xét công khai, dân chủ, nên hiệu quả dự án được nâng cao rõ rệt. Huyện cũng lồng ghép nguồn vốn và Chương trình 135 với Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Qua 5 năm thực hiện Chương trình 135, huyện đã có 2 xã từ vùng II lên vùng I và có 2 xã đã thoát khỏi xã đặc biệt khó khăn là Chư K’nia và Đắk Wil. Tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số theo điều tra năm 2015 là 12,33% (giảm 3,66% so với đầu năm 2014).

Công tác tuyên truyền, vận động, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước được chú trọng, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức và hành động của cán bộ và nhân dân khi thực hiện  Chương trình 135. Các địa phương được hưởng lợi từ chương trình đã đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng đơn giản, dễ hiểu cho phù hợp với từng vùng, từng dân tộc khác nhau. Khi người dân hiểu và ủng hộ chính sách thì việc thực hiện  thuận lợi và đạt hiệu quả cao hơn.

Cùng với việc tăng cường công tác khuyến nông, khuyến ngư, xây dựng các mô hình trình diễn theo kiểu “cầm tay, chỉ việc”, các địa phương cũng nhân rộng các mô hình hiệu quả, điển hình trong xóa đói giảm nghèo để bà con học tập, áp dụng vào thực tế của gia đình.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chư Jút nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình 135
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO