Chỉ trồng mắc ca ở Tuy Đức để làm điểm

Hồng Thoan thực hiện| 08/08/2016 15:24

Đó là khẳng định của ông Đỗ Ngọc Duyên, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT trong cuộc trao đổi với phóng viên (PV) Báo Đắk Nông về việc phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo

PV: Thưa ông, theo công bố quy hoạch của Bộ Nông nghiệp - PTNT mới đây thì diện tích cây mắc ca được quy hoạch của cả nước đã được rút xuống chỉ còn 9.940 ha thay vì 220.000 ha như công bố trước đây và nhỏ hơn rất nhiều so diện tích tỉnh đã quy hoạch ?

Ông Đỗ Ngọc Duyên: Đúng như vậy, theo quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển cây mắc ca vùng Tây Bắc và Tây Nguyên đến năm 2020, tiềm năng phát triển đến năm 2030 thì đến năm 2020, toàn vùng Tây Nguyên phát triển trồng thuần tập trung 550 ha, trong đó Đắk Nông: 270 ha tại huyện Tuy Đức; trồng xen 1.680 ha.

Như vậy, so với quy hoạch của tỉnh đã công bố, tổng diện tích là hơn 12.400, lớn hơn rất nhiều với quy hoạch của Bộ Nông nghiệp-PTNT. Sự chênh lệch này thực tế cũng dễ hiểu bởi quy hoạch của tỉnh được công bố vào năm 2014 còn Bộ Nông nghiệp - PTNT công bố vào tháng 4/2016. Tuy nhiên để bảo đảm sự hợp lý của quy hoạch ngành nói chung, tỉnh sẽ điều chỉnh lại diện tích quy hoạch cho phù hợp.

Ngành nông nghiệp huyện Tuy Đức tập huấn kỹ thuật trồng cây mắc ca cho người dân. Ảnh: Hồng Thoan

PV: Vậy việc điều chỉnh quy hoạch của tỉnh liệu có ảnh hưởng tới việc phát triển loại cây mới này?

Ông Đỗ Ngọc Duyên: Điều này không gây ảnh hưởng gì tới định hướng phát triển cây mắc ca của tỉnh. Và thực tế thì quy hoạch của chúng ta đã công bố cũng chỉ rõ rằng, chúng ta chỉ trồng thuần với diện tích vừa phải mà chủ yếu là trồng xen trong vườn cây công nghiệp, trồng làm cây che bóng, chắn gió…

Hiện nay, toàn tỉnh cũng đã phát triển được khoảng 800 ha mắc ca được các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp-PTNT trồng chủ yếu thuộc các chương trình như khuyến nông quốc gia, nông thôn mới, dự án hỗ trợ phát triển vùng biên giới, Dự án 3EM. Những diện tích đều đang phát triển sinh trưởng tốt, một số nơi cây đã cho quả bói.

PV: Để phát triển cây mắc ca đúng định hướng thì ngành nông nghiệp đang chú trọng vào thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm gì, thưa ông?

ADQuảng cáo

Ông Đỗ Ngọc Duyên: Để phát triển mắc ca, tỉnh đã có sự nghiên cứu, tính toán trên các cơ sở khoa học, từ tiềm năng, lợi thế về chất đất, khí hậu có sự tham vấn, đánh giá, khuyến khích của các nhà khoa học uy tín hàng đầu. Do đó, việc phát triển cây mắc ca là đúng. Tuy nhiên, khẳng định chắc chắn rằng chủ trương của tỉnh là chỉ trồng ở Tuy Đức để làm điểm, sau 10 năm thì tổng kết, đánh giá, không khuyến khích người dân tự trồng tại các huyện, thị xã khác.

Để bảo đảm sự thành công thì hiện nay, khâu giống đang được ngành kiểm soát chặt chẽ. Theo đó, tại Tuy Đức đã có Công ty Cổ phần Mắc ca Nữ Hoàng đóng chân trên địa bàn xã Quảng Tâm thực hiện việc gieo ươm, phân phối giống bảo đảm chất lượng. Cùng với đó thì thông qua các lớp tập huấn để đẩy mạnh việc hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây mắc ca đến người dân.

Nông dân xã Quảng Tâm (Tuy Đức) nhận cây giống mắc ca được ngành Nông nghiệp tỉnh hỗ trợ. Ảnh: Hồng Thoan

PV: Đối với người dân muốn trồng loại cây này, ông có khuyến cáo gì không?

Ông Đỗ Ngọc Duyên: Đây là một loại cây lâm nghiệp với đặc tính thụ phấn chéo cho nên trên một diện tích nông dân phải trồng từ 2-3 loại cây. Về giống thì nhất định phải dùng giống ghép mới nhanh có trái, từ năm thứ 3-4 đã có hoa, trái. Bà con cũng lưu ý việc mua giống ở cơ sở uy tín, nơi đã được kiểm soát chặt chẽ về nguồn gốc, chất lượng.

Khi trồng, chăm sóc thì người dân chú ý đúng kỹ thuật từ đào hố, chăm sóc, phòng chống hiệu quả các bệnh thường gặp như bọ nẹt, rầy mềm, sâu kèn nhỏ, rệp sáp; thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, làm cỏ, cắt bỏ cành, lá, hoa bị hại tiêu hủy. Nhà nông cũng cần chú ý bảo vệ các loài thiên địch trên vườn trồng mắc ca như nhện, kiến vàng, ong bắp cày, chim, bọ ngựa, bọ rùa có khả năng ăn ấu trùng của một số loài sâu hại như: rệp sáp, bọ xít, nhện đỏ, bọ cánh cứng…

Ngoài ra, người trồng nên hạn chế sử dụng các loại thuốc hóa học có độ độc cao, ưu tiên sử dụng các loại thuốc gốc sinh học để phòng trừ.

Hiện nay, trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam chưa có loại thuốc nào đăng ký phòng trừ sâu, bệnh hại trên cây mắc ca nên khi sâu, bệnh hại mới phát sinh gây hại và có xu hướng phát triển như rệp sáp, rầy mềm, sâu đục thân mình hồng, bà con có thể tham khảo sử dụng các loại thuốc có hoạt chất Chlorpyrifos Ethyl, Diazinon, Cypermethrinđể phòng trừ. Bệnh xì mủ thân có thể tham khảo các loại thuốc có các hoạt chất Dimethomorph + Mancozeb hoặc Mancozeb + Metalaxyl – M để phòng trừ...

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ trồng mắc ca ở Tuy Đức để làm điểm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO