“Chạy nước rút” cổ phần hóa, tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp

Bình Minh| 31/10/2014 10:06

Theo đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đến hết năm 2015, toàn tỉnh sẽ phải hoàn thành việc tái cơ cấu, cổ phần, sắp xếp và đổi mới đối với 22 doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn. Đến nay, cùng với sự chỉ đạo, hướng dẫn của tỉnh, triển khai của các doanh nghiệp, hoạt động này đang được đẩy mạnh.

ADQuảng cáo

Thực tế triển khai ở doanh nghiệp

Theo kế hoạch thì toàn tỉnh sẽ có 2 doanh nghiệp tái cơ cấu, 4 doanh nghiệp tiến hành cổ phần hóa và 16 đơn vị nông, lâm nghiệp sắp xếp, đổi mới hoạt động, trong đó có cả việc cổ phần hóa. Cụ thể, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết và Công ty Quản lý Khai thác các công trình thủy lợi sẽ được tái cơ cấu lại hoạt động sản xuất kinh doanh, mở rộng ngành nghề và địa bàn.

Công ty TNHH MTV Sách và Thiết bị trường học, Công ty TNHH MTV Quản lý và Sửa chữa cầu đường bộ Đắk Nông, Công ty cổ phần Cấp nước và Phát triển đô thị và Trung tâm Đăng kiểm xe cơ giới Đắk Nông sẽ được cổ phần hóa. Theo đánh giá thì hiện các đơn vị thuộc diện tái cơ cấu, cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới đang tiến hành các bước cần thiết để thực hiện theo lộ trình đã phê duyệt.

Công ty TNHH MTV Quản lý và Sửa chữa cầu đường bộ Đắk Nông được đánh giá là doanh nghiệp có tiến độ cổ phần hóa nhanh nhất.

Công nhân Đội thi công công trình (Công ty TNHH MTV Quản lý và Sửa chữa đường bộ Đắk Nông) sửa chữa trên tuyến quốc lộ 14C

Ông Hoàng Anh Vũ, Giám đốc Công ty cho biết: “Đến hết năm 2014, doanh nghiệp sẽ hoàn thành các bước cần thiết để tiến hành cổ phần hóa. Công tác sắp xếp bộ máy cũng không có nhiều thay đổi, vẫn duy trì như trước đây là gồm chủ tịch hội đồng quản trị, ban giám đốc, 3 phòng chức năng, 5 hạt quản lý đường bộ và 4 đội thi công công trình. Về vấn đề lao động thì sau khi cổ phần, doanh nghiệp sẽ tiến hành tuyển dụng thêm để đáp ứng nhu cầu hoạt động của đơn vị”.

Cũng theo ông Vũ thì phương án kinh doanh của đơn vị sau này sẽ tiến hành khoán sản phẩm cho người lao động nhằm nâng cao trách nhiệm, cũng như nỗ lực đóng góp của họ đối với doanh nghiệp. Việc cổ phần hóa cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, nhất là vấn đề tự chủ trong hoạt động kinh doanh. Còn về vốn thì doanh nghiệp cũng sẽ tự xoay. Được biết, theo yêu cầu thì trước mắt, Công ty TNHH MTV Quản lý và Sửa chữa cầu đường bộ Đắk Nông chỉ cổ phần hóa 25% số vốn đầu tư ban đầu của Nhà nước.

Như vậy, Nhà nước vẫn nắm giữ 75% số vốn đã đầu tư khi doanh nghiệp thành lập. Hiện tại, UBND tỉnh đã có quyết định về việc phê duyệt phương án sử dụng đất sau khi chuyển sang cổ phần hóa là phải thuê đất trả tiền hàng năm với diện tích 690 m2, tại tổ dân phố 3, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa).

Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã có quyết định về giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa đối với Công ty TNHH MTV Quản lý sửa chữa xây dựng cầu đường bộ Đắk Nông, với giá trị thực là hơn 21,6 tỷ đồng; đồng thời cho doanh nghiệp này thuê tư vấn lập phương án cổ phần hóa doanh nghiệp.

Còn tại Công ty TNHH MTV Sách và Thiết bị trường học, đơn vị được coi là có nhiều vấn đề khá phức tạp nhất khi tiến hành cổ phần hóa như yếu kém về quản lý, còn nợ tới 2,8 tỷ đồng, rồi sai phạm trong công tác quản lý dẫn đến hoạt động kinh doanh ở 5 đơn vị trực thuộc đã bị tư nhân hóa nên hơn 3 năm qua, đơn vị không có hoạt động sản xuất, kinh doanh nào. Nhưng hiện nay, cùng với việc thay đổi người đứng đầu doanh nghiệp, nâng cao công tác quản lý, sắp xếp lại hoạt động thì các bước tiến hành cổ phần hóa theo quy định khả năng sẽ hoàn thành.

Theo ông Ngô Xuân Hà, Giám đốc Công ty thì đơn vị hiện đang sắp xếp lại bộ máy nhân sự cho phù hợp, lựa chọn những người có năng lực để bố trí vào những vị trí phù hợp và sẽ hoàn thành trước ngày 31/12/2014. Công ty cũng đẩy mạnh phương án liên kết kinh doanh.

ADQuảng cáo

Đến nay, công ty đã ký kết về việc cung cấp sách, thiết bị dạy, học đối với các phòng giáo dục huyện và một số cơ quan khác với giá trị 1,5 tỷ đồng. Công ty hiện cũng sẽ chỉ đạo trực tiếp các đơn vị trực thuộc trong hoạt động kinh doanh.

Một vướng mắc là trước đây, chủ sở hữu của đơn vị đã tự ý cho các cá nhân thuê mặt bằng tại các cửa hàng sách trên địa bàn các huyện nên hiện tại đơn vị đang thỏa thuận với những cá nhân này để bồi hoàn lại chi phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đồng thời thu hồi lại đất nhằm khôi phục lại hoạt động kinh doanh.

Sắp tới, công ty cũng xin chủ trương của UBND tỉnh cho phép đơn vị được thực hiện các dự án liên quan đến giáo dục trên địa bàn, cũng như tạo điều kiện để được vay vốn từ Quỹ Đầu tư - Phát triển của tỉnh phục vụ cho hoạt động kinh doanh của đơn vị, vì hiện đang âm vốn với số lượng lớn. Trong hoạt động kinh doanh, công ty cũng sẽ ấn định giao khoán doanh thu hàng năm cho các cửa hàng sách thực hiện.

Tại các doanh nghiệp khác, công tác tái cơ cấu, sắp xếp lại hoạt động, đưa ra phương án sản xuất, kinh doanh trong thời gian tới cũng từng bước được triển khai. UBND tỉnh hiện cũng đã xác định giá trị của doanh nghiệp, đồng ý cho các doanh nghiệp thuê tư vấn lập phương án cổ phần hóa doanh nghiệp và giao đất cho thuê...

Đối với 16 công ty nông, lâm nghiệp trên địa bàn thuộc diện sắp xếp, đổi mới hoạt động, trong đó có cả việc cổ phần hóa thì hiện nay, Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh thành lập tổ giúp việc để hỗ trợ các đơn vị này.

Theo đó, tổ giúp việc sẽ cùng với các đơn vị này chủ động xây dựng phương án sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa trên cơ sở những nghị quyết, quy định, hướng dẫn của Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính thủ và UBND tỉnh.

Và tích cực đẩy mạnh hỗ trợ

Theo ông Nguyễn Đình Đạo, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, kiêm Phó Ban đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh thì cùng với việc đôn đốc, đơn vị cũng tích cực hỗ trợ về việc thực hiện chính sách đối với các doanh nghiệp.

Trong quá trình thực hiện, những khó khăn, vướng mắc đã được Ban Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp tỉnh đề xuất UBND tỉnh từng bước tháo gỡ. Các công việc quan trọng như sắp xếp, tinh giản lại bộ máy hoạt động, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh sau khi tái cơ cấu, cổ phần, sắp xếp, đổi mới, rồi cơ chế về vốn đang được triển khai, đảm bảo được yêu cầu so với kế hoạch đề ra của tỉnh.

Cũng theo ông Đạo thì một số doanh nghiệp có văn bản đề nghị xin được kéo thời gian cổ phần hóa đến tháng 1/2018 nhưng tỉnh đã không đồng ý và yêu cầu những đơn vị này triển khai đúng theo lộ trình đã được phê duyệt.

Có thể nói, việc chủ động triển khai công tác cổ phần, tái cơ cấu, sắp xếp, đổi mới sẽ từng bước đưa các doanh nghiệp đi vào hoạt động có hiệu quả hơn. Tuy nhiên, vấn đề ở đây là phương án sản xuất, kinh doanh phải thực sự khả thi và sát thực với thế mạnh riêng của từng đơn vị.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Chạy nước rút” cổ phần hóa, tái cơ cấu, sắp xếp doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO