Cấp thiết hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản

Hồng Thoan| 19/05/2016 09:18

Những năm gần đây, do hoạt động khai thác, bảo vệ còn bị buông lỏng nên nguồn lợi thủy sản tự nhiên tại các sông, hồ, đập trên địa bàn tỉnh ngày càng suy giảm.

ADQuảng cáo

Cảnh báo sự suy giảm

Hồ Tà Đùng thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng (Đắk Glong) vốn là nơi có nguồn lợi thủy sản khá nhiều và đa dạng; trong đó có một số loại đặc sản như cá lăng, cá lóc bông. Theo ông Hoàng Văn Hòa, ở thôn 9, Quảng Khê làm nghề khai thác, nuôi trồng thủy sản trong lòng hồ này thì 3 năm nay, nguồn lợi thủy sản tại đây đã suy giảm một cách nhanh chóng.

Trước đây, mỗi mẻ lưới, ông thu về trên dưới 10 kg cá các loại nhưng nay chỉ gặp may mới được 3 kg. Với kinh nghiệm của mình thì ông chỉ dùng các loại lưới thông thường để đánh bắt. Nhưng nhiều hộ khác, vì lợi ích kinh tế trước mắt đã dùng các loại lưới bát quái, vó bè bằng đèn nên khai thác nguồn lợi thủy sản một cách cạn kiệt khi bắt cả cá lớn, bé.

Đánh bắt cả cá lớn, bé bằng lưới bát quát tại lòng hồ Tà Đùng (Đắk Glong) khiến nguồn lợi thủy sản tại đây ngày càng cạn kiệt

Về vấn đề này, ông Khương Thanh Long, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng cho biết thêm: “Quả đúng là tiềm năng thủy sản trong lòng hồ Tà Đùng, hồ thủy điện Đồng Nai 3 đang có xu hướng suy giảm mạnh”.

Không chỉ ở các lòng hồ lớn, nguồn lợi thủy sản tại các sông, suối trên địa bàn cũng đang giảm nhanh chóng.

ADQuảng cáo

Theo ông Lê Văn Hùng, một người dân ở xã Trường Xuân (Đắk Song) chuyên sống bằng nghề đánh bắt thủy sản trên suối Đắk Nông thì trước đây, các loại cá lóc, cá chép, rô phi, lươn trên suối khá nhiều. Mỗi đêm, ông có thể thả lưới bắt được khoảng 5-7 kg nhưng nay chỉ được 3 kg là cùng, nhiều khi chỉ được vài con. Theo ông nguyên nhân một phần là do việc khai thác không đúng cách, mùa khô suối cạn nhiều người dùng kích điện, thậm chí dùng chất nổ, chất độc để khai thác cá.

Sớm có kế hoạch dài hạn

Theo ông Ngô Quốc Hưng, Chi cục trưởng Chi cục Thú y (Sở  Nông nghiệp- PTNT) thì cá tại sông, hồ trên địa bàn tỉnh giảm về chủng loại, số lượng đã gióng thêm hồi chuông cảnh báo về sự suy giảm nguồn lợi thủy sản. Vài năm lại đây, ngành Nông nghiệp cũng đã tổ chức việc thả cá giống tại các hồ, sông, suối và khuyến khích các tổ chức khác thực hiện. Tuy nhiên, thực tế cũng không cải thiện được nhiều, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương cơ sở để nâng cao ý thức của người dân. Trong khi đó, Đắk Nông mới có quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2020, thiếu một tầm nhìn tổng thể, một kế hoạch dài hạn để bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản tại các lưu vực sông cũng như hồ, đập gắn với bảo vệ các nguồn gen quý.

Ông Hưng chia sẻ: “Thực tế đã chứng minh rằng, hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản là rất thiết thực. Qua đó, con người đã bảo vệ đa dạng sinh học, nguồn gen quý trong các lòng  hồ, các chủng loại thủy sinh. Việc liên kết với dân cư sống bằng nghề khai thác, nuôi trồng tại các lòng hồ, sông, suối, vùng đệm ven bờ sẽ tạo thêm tính bền vững trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các địa phương”.

Cũng theo ông Hưng thì trước hết, việc bảo tồn cần chú trọng vào các loài thủy sản quý hiếm có giá trị lớn về nghiên cứu khoa học, cũng như kinh tế; tiếp đến là phát triển nguồn lợi gắn với quản lý hiệu quả hơn các hoạt động khai thác thủy sản, hướng đến phát triển bền vững. Khi đã có được điều này thì công tác bảo tồn tính đa dạng sinh học của tài nguyên sinh vật sông nước không còn là cái đích quá xa.

Được biết, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh hiện đạt mức trên 1.600 ha, hằng năm, tổng sản lượng nuôi trồng đạt khoảng 3.400 tấn, sản lượng khai thác khoảng 750 tấn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp thiết hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO