Cần giải pháp phát triển bền vững cây cao su

Hồng Thoan| 07/10/2019 09:56

Cao su là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, nhưng hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, thách thức do giá mủ giảm, nông dân ít chăm sóc nên vườn cây dịch bệnh, phát triển không đồng đều...

ADQuảng cáo

Ông Lê Công Đầu, ở thôn Quảng Phước, xã Đạo Nghĩa (Đắk R’lấp) áp dụng phương pháp khai thác mủ cao su bằng phương pháp ép khí Ethylene. Ảnh: Phan Tuấn

Mất ổn định vì mất giá

Một thời được mệnh danh là “vàng trắng”, cây cao su đã giúp cho không ít nông dân đổi đời, vươn lên làm giàu. Nhưng rồi cũng chính cây cao su đã khiến nhiều nông dân phải ngậm ngùi rơi vào cảnh thua lỗ, phá bỏ vườn cây để chuyển đổi sang cây trồng khác. Thậm chí, có nhiều gia đình còn bỏ bê, không màng chăm sóc cây cao su nữa. Anh Hoàng Văn Núi, thôn 3, xã Hưng Bình (Đắk R’lấp) là người đã gắn bó với cây cao su hàng chục năm nay.

Vào các năm 2013-2014, khi giá mủ cao su còn ở mức cao, gia đình anh có 3 ha cao su, đem lại nguồn thu khá lớn. Thế nhưng, sau đó vài năm, giá mủ cao su liên tục hạ, làm cho đời sống gia đình gặp nhiều khó khăn, nhất là việc duy trì phát triển vườn cây. Anh Núi nhớ lại: Có thời kỳ mỗi ngày gia đình tôi thu về 2-3 triệu đồng. Nhưng sau đó, giá giảm xuống còn khoảng 1/3 so với trước. Giá bán mủ không bù lại được tiền thuê công nên tôi đành bỏ bê, ít chăm sóc. Thay vào đó, tôi tập trung vào các loại cây khác. Đối với diện tích cao su mới trồng, gia đình tôi cũng chặt bỏ ngọn, dùng thân cây làm trụ cho cây tiêu.

Anh Hoàng Văn Núi thôn 3, xã Hưng Bình (Đắk R'lấp) chặt ngọn khoảng 1 ha cao su mới trồng, lấy thân cao su làm trụ cho tiêu leo

Cũng ở thôn 3, xã Hưng Bình, gia đình bà Lê Thị Lan cũng vừa chặt bỏ gần 1 ha cao su để chuyển sang các loại cây trồng khác. Theo bà Lan, thực tế vườn cây của gia đình cũng đã già. Hơn nữa, do chăm sóc ít nên cao su bị bệnh nhiều. Giá mủ xuống thấp nên bà không có ý định trồng lại cao su mà chuyển sang một số loại cây khác theo hình thức xen canh.

Theo ông Võ Bá Nam, khuyến nông viên xã Hưng Bình, cây cao su trước đây đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ dân nhưng hiện nay không còn được coi trọng do giá mủ giảm mạnh. Chính vì thế, việc nông dân chặt bỏ, chuyển đổi từ cao su sang cây trồng khác, không chú trọng chăm sóc vườn là thực trạng chung trên địa bàn xã. Thống kê từ đầu năm 2019 đến nay, toàn xã đã có khoảng 25 ha cao su bị chặt bỏ, hiện chỉ còn khoảng 991 ha.

Nhiều nông dân xã Đắk Sin (Đắk R'lấp) vẫn bám trụ với cây cao su dù giá xuống thấp. Ảnh: Văn Biên

ADQuảng cáo

Đắk R’lấp là địa phương có diện tích trồng cao su lớn nhất trong tỉnh từ nhiều năm nay. Theo đó, giai đoạn từ 2010-2014, diện tích cao su của địa phương này tăng mạnh, đạt 8.329 ha. Sau đó, do giá mủ cao su hạ, nên diện tích cây trồng này lại giảm mạnh hàng năm, hiện còn 6.766 ha (giảm 1.563 ha), trong đó diện tích trong thời kỳ kinh doanh là 6.100 ha. Sản lượng mủ năm 2018 đạt 10.300 tấn, giảm khoảng 1.000 tấn so với năm 2017.

Không chỉ ở Đắk R’lấp, khoảng 3 năm nay, khi giá mủ cao su giảm, nhiều vùng, nông dân đã chặt bỏ cây cao su để chuyển sang các loại cây trồng khác. Cụ thể như tại Đắk Glong, nếu như năm 2016, huyện này có 1.850 ha cao su thì đến nay chỉ còn khoảng 726 ha. Tại huyện Tuy Đức, những năm qua, diện tích cao su cũng giảm hàng năm và hiện còn 5.539 ha...

Theo thống kê, sự phát triển của cây cao su trên địa bàn tỉnh những năm qua không ổn định. Cụ thể, giai đoạn từ 2010-2014 diện tích tăng mạnh từ 23.063 ha lên 31.311 ha. Nhưng từ 2015-2017 lại giảm mạnh, từ 31.311 ha xuống còn 26.348 ha. Năm 2018, diện tích cao su lại tăng lên và đạt 29.643 ha. Điều này cho thấy sự phát triển không đồng đều của loại cây trồng này mà nguyên nhân chính theo nông dân là do vấn đề thị trường tiêu thụ.

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT thăm vườn cao su của nông dân tại xã Hưng Bình (Đắk R'lấp)

Vẫn còn tiềm năng để duy trì, phát triển

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành đang tập trung thực hiện chủ trương thí điểm nghiên cứu các giống cao su phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu của tỉnh, từng khu vực làm cơ sở nhân rộng. Một thuận lợi là ngành cao su đã có các bộ giống phù hợp các tiểu vùng. Theo đó, ở Tây Nguyên là địa bàn ít ảnh hưởng của bão, không có mùa đông lạnh nên tiến hành trồng các giống cao su như PB 260, PB 255, RRIV 3, GT1, VM 515, RRIV 124, PB 312.

Ngày 2/8/2018, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 05/ NQ-HĐND về Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với biến đổi khí hậu. Theo đó, đến 2020, tổng diện tích cao su toàn tỉnh là 30.000 ha, trong đó diện tích cho thu hoạch là 24.000 ha, năng suất 1,5 tấn mủ/ha, sản lượng 36.000 tấn mủ/năm. Tầm nhìn đến năm 2030 vẫn ổn định 30.000 ha cao su, nâng diện tích cho thu hoạch lên 26.000 ha, nâng năng suất lên mức 2 tấn mủ/ha, sản lượng 52.000 tấn mủ/năm. Quy hoạch vùng trồng cao su tập trung ở 5 huyện gồm: Cư Jút, Đắk R’lấp, Tuy Đức, Đắk Glong và Krông Nô.

Cơ quan chuyên môn cũng đã đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân áp dụng quy trình trồng, chăm sóc cao su, không vì giá xuống thấp mà bỏ bê vườn cây, khi giá lên thì không thể phục hồi, khai thác hiệu quả. Cùng với đó, tỉnh đã có những động thái cụ thể để khuyến khích, hỗ trợ cơ sở, doanh nghiệp chế biến mủ cao su, gắn với đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Mặt khác, gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tỉnh có chủ trương phát triển cao su phải theo hướng tập trung, gắn vùng nguyên liệu với cơ sở công nghiệp chế biến.

Các doanh nghiệp cũng tập trung cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đạt hiệu quả kinh tế cao theo chuỗi giá trị và điều chỉnh cơ cấu sản phẩm chế biến phù hợp nhu cầu tiêu thụ thị trường thế giới. Ngành chức năng, doanh nghiệp đẩy mạnh thực hiện mô hình liên kết với người dân có đất, hoàn thiện cơ chế liên kết hài hòa lợi ích giữa các bên để phát triển mô hình cao su đại điền, nhằm tăng cường các biện pháp cơ giới hóa, giảm sức lao động, nâng cao hiệu quả đầu tư. Để ngành cao su phát triển ổn định, bền vững trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng như hiện nay, Nhà nước đang đẩy mạnh hoàn thiện cơ chế, chính sách, nhằm bảo đảm đầu ra cho các sản phẩm cao su nguyên liệu trong nước.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần giải pháp phát triển bền vững cây cao su
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO