Cần có cơ chế, giải pháp thu hút các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp

Lê Phước| 15/05/2017 10:42

Nhiều năm nay, UBND tỉnh Đắk Nông đã tích cực triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư, ban hành một số chính sách khuyến khích đầu tư thông thoáng, ưu đãi để kêu gọi các nhà đầu tư vào xây dựng hạ tầng trong các cụm công nghiệp (CCN). Thế nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau nên những kết quả đạt được đến nay còn khá “khiêm tốn”.

ADQuảng cáo

“Đất vàng” bỏ trống

Nằm sát quốc lộ 28, đoạn đi qua địa bàn xã Đắk Ha (Đắk Glong), CCN BMC được quy hoạch trên một khu đất khá bằng phẳng với tổng diện tích 37,41 ha. Việc đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng CCN được UBND tỉnh giao cho Công ty TNHH MTV Vật liệu xây dựng và Xây lắp thương mại BMC (ở TP. Hồ Chí Minh, viết tắt là Công ty BMC) làm chủ đầu tư từ năm 2006.

Với chủ trương di dời, sắp xếp các cơ sở sản xuất gần khu dân cư, CCN BMC đi vào hoạt động sẽ hạn chế được những ảnh hưởng về môi trường của các cơ sở hoạt động tại địa bàn thị xã Gia Nghĩa và huyện Đắk Glong.

Mặc dù đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng nhưng nhiều năm nay, CCN BMC, ở xã Đắk Ha (Đắk Glong) vẫn chưa thể hoạt động vì không có ai thuê đất

Về chính sách ưu đãi, UBND tỉnh đã cho nhà đầu tư thuê đất với giá 496 đồng/m2/năm giai đoạn 2008-2011 và 2.644 đồng/m2/năm giai đoạn 2012 - 2017. Từ năm 2011 đến nay, các hạng mục san lấp mặt bằng, kè mái xung quanh, đường giao thông nội bộ, nhà điều hành… tại CCN BMC đã hoàn thành với tổng số vốn đầu tư hơn 61 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Sở Công thương thì hiện tại nhà đầu tư đã hoàn thành khoảng 90% hạng mục công trình; chỉ còn 2 hạng mục khá quan trọng chưa được đầu tư xây dựng là công trình xử lý nước thải và đường dây trung áp, biến áp. Địa thế đẹp, diện tích rộng và thuận tiện giao thông nhưng đến thời điểm hiện tại CCN BMC vẫn chưa thể hoạt động vì không có doanh nghiệp nào thuê đất.

Theo ông Ngô Thế Tùng, Phó Giám đốc Sở Công thương thì trong những năm gần đây, đã có một số nhà đầu tư có nhu cầu liên hệ thuê đất tại CCN BMC. Các doanh nghiệp đến làm việc với chủ đầu tư đều cho rằng, phương án giá cho thuê đất của CCN BMC là 0,4 USD/m2/năm là cao hơn nhiều so với KCN Tâm Thắng. Hơn nữa, tiền thuê đất phải thanh toán trong vòng 15 năm, tiền đặt cọc từ 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng là khá cao và chưa hợp lý vì hạ tầng CCN này chưa hoàn thiện. Trong khi đó, việc tiếp cận giao dịch khó khăn do Công ty BMC không bố trí người trực tiếp tại CCN để làm việc cũng như hướng dẫn các thủ tục hồ sơ liên quan đến việc thuê đất.

Ngoài CCN BMC, toàn tỉnh còn có 4 CCN khác gồm: CCN Thuận An (xã Thuận An, huyện Đắk Mil), CCN Đắk Song (xã Thuận Hạnh, Đắk Song), CCN Krông Nô (xã Nam Đà và xã Đắk D’rô, Krông Nô) và CCN Quảng Tâm (xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức). Tổng diện tích được quy hoạch cho 5 CCN này là gần 200 ha và địa thế đều rất thuật lợi.

ADQuảng cáo

Thời gian qua, UBND tỉnh đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư hạ tầng để kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển các CCN. Nhưng theo đánh giá của Sở Công thương, ngoài CCN Thuận An, tỷ lệ lấp đầy tại các CCN đã xây dựng hạ tầng còn khá “khiêm tốn”. Cá biệt là trường hợp CCN BMC, không có cơ sở nào hoạt động.

Cần có chính sách ưu đãi hơn

Theo đánh giá của Sở Công thương thì giá thuê đất cao không phải là vấn đề chính trong việc khó thu hút các doanh nghiệp vào hoạt động trong các CCN. Đối với trường hợp CCN BMC, Sở Công thương đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo chủ đầu tư tham khảo tính toán lại phương án giá cho thuê đất, tiền đặt cọc phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh và tương đương các khu công nghiệp, CCN khác trên địa bàn.

Việc thanh toán tiền thuê đất nên tính theo từng năm, tiền đặt cọc nên đưa ra xem xét ở mức hợp lý để khuyến khích thu hút đầu tư vào CCN. Hơn nữa, khi chủ đầu tư giảm giá đất, các doanh nghiệp, cá nhân đến thuê đất hoàn toàn có thể “thương lượng” để có mức giá hợp lý.

Ngoài việc yêu cầu các chủ đầu tư hoàn thiện các hạng mục còn lại, Sở Công thương cũng yêu cầu Công ty BMC bố trí người nắm được các nội dung có liên quan và có chức năng để làm việc khi có người đến thuê đất.

Cũng theo ông Ngô Thế Tùng thì trong thời gian qua, Công ty BMC gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vì vậy, chủ đầu tư chưa “mặn mà” với việc kêu gọi các đơn vị, cá nhân vào trong CCN. Đồng thời, công ty cũng mong muốn UBND tỉnh xem xét nếu có nhu cầu sử dụng đất thì chuyển giao lại cho địa phương để sử dụng hoặc nếu có doanh nghiệp nào có nhu cầu chuyển nhượng dự án thì đề nghị cho chuyển nhượng để tiếp tục kinh doanh. Hiện Sở Công thương đã đề nghị UBND tỉnh xem xét, nếu trường hợp có nhà đầu tư có năng lực, cần chuyển nhượng thì tạo điều kiện cho dự án được chuyển nhượng để tiếp tục kinh doanh hạ tầng.

Theo ông Tùng, có nhiều nguyên nhân khiến hoạt động của các CCN thời gian qua hết sức ì ạch như: Giá thuê đất cao, hạ tầng giao thông kém thuận tiện, xa vùng nguyên liệu… Trong đó, nguyên nhân chính là do các dự án đầu tư trong CCN so với các dự án đầu tư bên ngoài thì hiện tỉnh vẫn chưa có chính sách ưu đãi hơn. Do vậy, các doanh nghiệp có sự tính toán, cân nhắc và thường lựa chọn cách mua đất ở bên ngoài để thực hiện dự án. Mặt khác, khi mua đất bên ngoài đầu tư dự án thì chi phí sẽ thấp hơn đầu tư vào CCN và có thể thế chấp đất để vay vốn của ngân hàng.

Ông Tùng cho biết thêm: “Để kịp thời thu hút được các dự án đầu tư vào CCN, Sở đã đề nghị UBND tỉnh quan tâm và có cơ chế, chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn đối với các dự án đầu tư trong CCN so với các dự án đầu tư bên ngoài. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư khi tham mưu về chủ trương đầu tư nên quan tâm, bố trí đầu tư dự án vào CCN nhằm sắp xếp, thu hút các dự án vào hoạt động sản xuất tập trung để bảo đảm xử lý về môi trường, thuận tiện cho công tác quản lý”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần có cơ chế, giải pháp thu hút các dự án đầu tư vào cụm công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO