Các tổ chức tín dụng cần tạo điều kiện để hợp tác xã tiếp cận vốn

Nguyễn Lương| 24/10/2016 11:05

Vừa qua, Ban Kinh tế - Ngân sách, HĐND tỉnh Đắk Nông đã có đợt khảo sát tại các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn để tìm hiểu về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.

ADQuảng cáo

Qua đợt khảo sát cho thấy, hầu hết các tổ chức tín dụng đã, đang ưu tiên “khơi thông” nguồn vốn cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, một thực tế hiện nay là các hợp tác xã, trang trại trên địa bàn vẫn rất khó tiếp cận nguồn vốn để phục vụ sản xuất.

Phần lớn các hợp tác xã, trang trại nông nghiệp trên địa bàn chưa tiếp cận được nguồn vốn vay từ các tổ chức tín dụng

Đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, mô hình hợp tác xã có vai trò hết sức quan trọng. Bởi vì, thành phần kinh tế này không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân, mà còn từng bước làm thay đổi căn bản diện mạo nông thôn trong thời kỳ hội nhập. Toàn tỉnh hiện có gần 80 hợp tác xã, nhưng số đơn vị được tiếp cận vốn qua ngân hàng thương mại để phục vụ sản xuất mới chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Là một trong những tổ chức tiên phong trong chính sách cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhưng số vốn mà Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT tỉnh dành cho các hợp tác xã cực kỳ khiêm tốn.

Cụ thể, trong tổng số 4.916 tỷ đồng ưu tiên cho lĩnh vực này thì nguồn vốn dành cho hợp tác xã mới giải ngân hơn 10 tỷ đồng. Lý giải về vấn đề này, ông Nguyễn Công Quế, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT tỉnh cho hay: “Thời gian qua, một số hợp tác xã trên địa bàn cũng có đặt vấn đề vay vốn tại Chi nhánh.

Tuy nhiên, khi cán bộ ngân hàng đi thẩm định, mức vốn vay trên giá trị tài sản thẩm định khá thấp nên không thấy các hợp tác xã làm thủ tục vay”. Cũng theo ông Quế, hiện tại, Chi nhánh mới làm hợp đồng cho vay đối với 1 hợp tác xã, với mức vốn vay 24 tỷ đồng, nhưng mới giải ngân được 10 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ đơn vị không hạn chế nguồn vốn vay, mà quan trọng là nằm ở tính khả thi của các dự án kinh doanh tại các hợp tác xã.

ADQuảng cáo

Tương tự, tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển tỉnh, đến nay, trong tổng số gần 3.000 tỷ đồng cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thì lĩnh vực cho vay hợp tác xã vẫn còn trống không.

Ông Phạm Văn Hưng, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển tỉnh cho hay: “Đơn vị rất ưu tiên vốn đối với các đối tượng khách hàng nằm trong diện nông nghiệp, nông thôn. Vừa qua, một số hợp tác xã cũng đến đặt vấn đề vay vốn, nhưng khi cán bộ ngân hàng lập hồ sơ xong, hẹn gặp để làm việc thì các đơn vị bảo bận rồi cũng không thấy liên hệ gì nữa”.

Theo số liệu từ Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, tính đến hết tháng 9, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên toàn địa bàn là hơn 11.000 tỷ đồng, trong đó, dư nợ đối với các hợp tác xã chỉ xấp xỉ 15 tỷ đồng.

Lý giải về nguyên nhân các hợp tác xã khó tiếp cận vốn ngân hàng, ông Nguyễn Hồ Hữu, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: “Hầu hết các hợp tác xã trên địa bàn tỉnh đa phần là hợp tác xã tư nhân, do người dân tự thành lập và kêu gọi thành viên. Hoạt động của các đơn vị thực sự chưa hiệu quả, chưa tạo được niềm tin với các ngân hàng là “rào cản” chính trong vấn đề tiếp cận vốn”.

Trước thực tế trên, Ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND tỉnh đề nghị các tổ chức tín dụng cần “thoáng” hơn trong vấn đề lập hồ sơ, thủ tục để xem xét cho các hợp tác xã được tiếp cận vốn. Nếu thủ tục vay vốn của hợp tác xã chưa đầy đủ thì ngân hàng có trách nhiệm giải thích để các đơn vị hoàn thiện thủ tục, với mục tiêu cuối cùng là giúp các hợp tác xã tiếp cận vốn vay.

Ban Kinh tế-Ngân sách, HĐND tỉnh cũng đề nghị giữa ngân hàng và hợp tác xã cần có sự kết nối lâu dài, đem cơ hội tiếp cận vốn đến với hợp tác xã để thành phần kinh tế này khắc phục khó khăn, vươn lên trong sản xuất, kinh doanh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các tổ chức tín dụng cần tạo điều kiện để hợp tác xã tiếp cận vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO