Các ngành, địa phương cần phối hợp đẩy nhanh giải ngân vốn theo chương trình mục tiêu quốc gia

Nguyễn Lương| 10/07/2015 09:48

Trong năm 2015, tổng kinh phí được bố trí để thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia toàn tỉnh là gần 178 tỷ đồng, trong đó, vốn đầu tư phát triển 133 tỷ đồng, vốn sự nghiệp 55 tỷ đồng.

ADQuảng cáo

Tính đến hết tháng 6/2015, toàn tỉnh mới chỉ giải ngân được hơn 56,3 tỷ đồng, đạt 32% so với kế hoạch vốn cả năm.

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, một trong những nguyên nhân cơ bản làm ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn là do khi Trung ương phân bổ kế hoạch vốn phải đợi hướng dẫn của các bộ, ban ngành quản lý từng chương trình, sau đó, đơn vị mới tham mưu cho UBND tỉnh phân bổ kế hoạch vốn cho các ngành, địa phương triển khai thực hiện.

Còn trong quá trình triển khai các chương trình, dự án, một số chủ đầu tư chưa chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao, thiếu kiên quyết, trách nhiệm, cũng như còn lúng túng trong việc thực hiện nguồn vốn. Chưa kể, nhiều địa phương do năng lực, chuyên môn của cán bộ cơ sở còn hạn chế, chưa phối hợp với cơ quan cấp trên, cũng như không chủ động trong thực hiện các bước đầu tư dự án.

Do vậy, mặc dù các đơn vị, địa phương đã tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm để các chương trình, dự án triển khai thực hiện tốt hơn nhưng rồi cũng đâu lại vào đấy. Ngoài ra, việc lựa chọn nhà thầu thi công còn gặp nhiều lúng túng; công tác lãnh đạo, chỉ đạo chưa thực sự quyết liệt, dẫn đến việc chủ đầu tư chưa chịu trách nhiệm rõ ràng trong công tác giải ngân, từ đó, làm chậm tiến độ giải ngân vốn.

Đơn cử như đối với các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, đến hết tháng 6, toàn tỉnh mới chỉ giải ngân được 28,7 tỷ đồng, trong tổng số gần 79,8 tỷ đồng; Chương trình giáo dục và đào tạo, trong năm 2015, tỉnh bố trí hơn 14 tỷ đồng nhưng đến hết tháng 6 mới chỉ giải ngân được hơn 4,2 tỷ đồng, đạt 30% kế hoạch; Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới mới chỉ giải ngân được 9,3 tỷ đồng, trong tổng số hơn 41 tỷ đồng được bố trí trong năm 2015; Chương trình nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn mới chỉ giải ngân được 3,5 tỷ đồng, đạt 26%...

ADQuảng cáo

Đường giao thông nông thôn ở xã Nhân Đạo (Đắk R'lấp). Ảnh: Ngọc Tâm

Cũng theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, trong những tháng cuối năm, đơn vị sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các đơn vị thụ hưởng từ chương trình để làm cơ sở đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Trong đó, Sở Kế hoạch - Đầu tư sẽ tăng cường vai trò giám sát, kiểm tra của UBND các huyện, thị xã, đơn vị trực tiếp hưởng lợi hầu hết từ các chương trình, dự án để nâng cao chất lượng sử dụng vốn.

Việc nâng cao năng lực của các tổ chức tư vấn, các chủ đầu tư, cũng như đẩy mạnh công tác cải cách hành chính, nhằm giúp các công trình, dự án thuộc nguồn vốn đầu tư phát triển sớm hoàn thành cũng sẽ được đơn vị chú trọng.

Từ thực tế có thể khẳng định rằng, sự phối hợp giữa các cấp, ngành, địa phương trong việc giải ngân nguồn vốn hiện nay đang được thực hiện theo kiểu mạnh ai nấy làm. Do vậy, tiến độ giải ngân, cũng như hiệu quả các nguồn vốn không cao.

Thiết nghĩ, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia, các đơn vị liên quan cần chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện chi tiết, sát với từng chương trình, dự án. Trong đó, các sở, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo quyết liệt công tác đầu tư xây dựng cơ bản từ các nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia, cũng như xác định trách nhiệm của cơ quan thường trực chương trình, các chủ đầu tư.

Việc củng cố, nâng cao năng lực của các ban quản lý dự án, tăng cường đi kiểm tra thực tế để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân vốn… cần được triển khai hiệu quả hơn. Bởi, nếu quyết tâm thực hiện những nhiệm vụ này, nguồn vốn thuộc các chương trình mới thực sự được triển khai vào thực tế, đúng tiến độ, từ đó, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các ngành, địa phương cần phối hợp đẩy nhanh giải ngân vốn theo chương trình mục tiêu quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO