Các địa phương nỗ lực chống hạn

Văn Tâm| 17/03/2016 10:16

Những tháng qua, tình hình nắng nóng, khô hạn diễn ra gay gắt tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Một số hồ đập đã hết nước hoặc xuống đến mực nước chết, không bảo đảm để điều tiết phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Các địa phương đang tăng cường các biện pháp để giúp người dân chống hạn.

ADQuảng cáo

Công nhân Công ty Khai thác công trình thủy lợi, chi nhánh Krông Nô gia cố đường ống của trạm bơm khi mực nước sông hạ thấp

NGUY CƠ HIỆN HỮU

Theo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi tỉnh thì mực nước các hồ chứa tiếp tục hạ thấp và có xu hướng giảm trong thời gian tới. Hiện tại, có 151/161 hồ chứa có mực nước dưới mực nước dâng bình thường. Đến thời điểm hiện tại đã có 9 công trình hết nước tưới gồm: Hồ Buôn Buôr (Chư Jút), hồ Đắk M’bai, hồ Đắk Ken, hồ Đắk Loou, hồ Lâm trường Đắk Gằn (Đắk Mil), hồ thôn 2, xã Quảng Tín (Đắk R’lấp), làm cho hơn 1.300 ha cây trồng các loại lâm vào tình trạng khô hạn,  thiếu nước.

Krông Nô là địa phương trọng điểm về khô hạn hiện nay. Các hồ chứa có dung tích nhỏ như hồ chứa Buôn Dơng, Buôn Lang (xã Quảng Phú), công trình thủy lợi Bon R’cập (xã Nâm Nung) đã xuống mực nước chết.

Theo ông Nguyễn Tuấn Cường, Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi, Chi nhánh Krông Nô, hiện tại, nguồn nước tại hồ Đắk Mâm vẫn còn duy trì cung cấp cho hơn 200 ha lúa nước trên địa bàn xã Nam Đà. Tuy nhiên, nếu tình hình khô hạn vẫn diễn ra gay gắt và mưa đến chậm thì sẽ có khoảng 250 ha lúa trên địa bàn bị ảnh hưởng. Còn đối với cây công nghiệp, nếu nắng nóng kéo dài, không mưa thì trên địa bàn huyện có khoảng 5.000 ha cà phê, tiêu có nguy cơ thiếu nước tưới từ 1 đến 2 đợt.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tĩnh, Giám đốc Công ty khai thác công trình thủy lợi, Chi nhánh Chư Jút thì hiện nay, các công trình thủy lợi trên địa bàn có khả năng đủ nước cung cấp cho 760 ha lúa đang trong thời kỳ trổ bông phát triển bình thường. Diện tích cây cà phê, tiêu đang tưới đợt thứ 3-4, nhưng nếu mùa mưa đến muộn có khả năng thiếu nước tưới vào các tháng 4- 5.

Sở Nông nghiệp-PTNT dự báo đến cuối tháng 3, sẽ có khoảng 22.000 ha cây công nghiệp, 240 ha lúa có nguy cơ thiếu nước rất cao và khả năng gia tăng thiệt hại vượt dự đoán hiện tại.

ADQuảng cáo

Người dân xã Quảng Khê (Đắk Glong) tận dụng nguồn nước ao hồ để chống hạn

TRIỂN KHAI CÓ HIỆU QUẢ CÁC GIẢI PHÁP CHỐNG HẠN

Trước tình hình thời tiết khô hạn ngày một trở nên khốc liệt, chính quyền, người dân các địa phương đã chủ động, linh hoạt trong thực hiện và các biện pháp công trình giải pháp sản xuất.

Ông Ngô Xuân Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô nhận định tình hình khô hạn sẽ xảy ra nghiêm trọng trong mùa khô năm nay. Ngay từ đầu vụ đông xuân, huyện đã chủ động chỉ đạo các đơn vị chuyên môn triển khai hiệu quả các giải pháp giúp người dân phát triển sản xuất trong điều kiện thời tiết có diễn biến bất lợi.

Trong đó, đối với giải pháp công trình, huyện đã nâng cấp, sửa chữa, đầu tư mới một số công trình thủy lợi như: Trạm bơm số 4 trên cánh đồng xã Buôn Choáh; đập thủy lợi Buôn Lang, xã Quảng Phú; kênh nội đồng xã Nâm N’đir; đập dâng xã Nam Đà...Đến nay, các công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, giúp người dân thoát cảnh “chạy” nước và yên tâm sản xuất. Còn đối với giải pháp sản xuất, huyện đã đẩy mạnh công tác chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, với diện tích chuyển đổi là 244 ha.

Tại huyện Chư Jút, Công ty  khai thác công trình thủy lợi Chi nhánh Chư Jút đã triển khai đào kênh dẫn nước từ sông Sêrêpốk vào khu vực hạ lưu công trình thủy lợi Buôn Buôr (Tâm Thắng) để giúp người dân bơm tưới. Đồng thời, đơn vị cũng đang phối hợp với UBND xã Tâm Thắng thống kê các hộ dân có nhu cầu bơm chống hạn cho số diện tích cây trồng để xây dựng kế hoạch hỗ trợ tiền điện, nhiên liệu.

Tương tự, các huyện khác như Đắk R’lấp, Đắk Mil, Đắk Song đã triển khai một số biện pháp chống hạn hiệu quả như cơi nới sức chứa các hồ thủy lợi, đắp thêm đập bổi, đập dâng, bơm chuyển nước từ hồ lớn sang các hồ cạn kiệt…Vì vậy, tình trạng khô hạn, thiếu hụt nguồn nước tưới của người dân đã được giải quyết một phần nhất định.

Với sự hợp lực, chung sức của các cấp, ngành chuyên môn, chính quyền địa phương và người dân đã giúp “hạ nhiệt” được phần nào cái nắng nóng, giúp cây trồng bớt khô hạn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Các địa phương nỗ lực chống hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO