“Bắt mạch” nền kinh tế

Hà An| 01/07/2016 10:25

Mặc dù được đánh giá là đã bước qua giai đoạn khó khăn, bắt đầu một chu kỳ tăng trưởng mới với nhiều khởi sắc song các chỉ số phát triển 6 tháng đầu năm cho thấy, kinh tế Đắk Nông vẫn còn đó những nỗi lo.

ADQuảng cáo

Một số chỉ tiêu lớn có tác động sâu đến “sức khỏe” nền kinh tế vẫn phát triển ở mức trung bình những tháng đầu năm đang là vấn đề đặt ra cho các nhà điều hành trên lộ trình thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra cho cả năm.

Nông dân thôn 7, xã Đắk Hòa (Đắk Song) sử dụng hệ thống tưới béc trên vườn khoai lang. Ảnh: Bình Nhi

Nhiều chỉ tiêu đạt thấp

Trên cơ sở dự báo và tính toán của các cơ quan chuyên môn, tại kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa II, nhiệm kỳ 2011-2016 đã biểu quyết thông qua 18 nhóm chỉ tiêu kinh tế, xã hội cho năm  2016, trong đó có 10 nhóm chỉ tiêu kinh tế, hạ tầng; 8 nhóm chỉ tiêu văn hóa, xã hội, môi trường để phấn đấu thực hiện. Đến hết quý II, mặc dù đã nửa chặng đường trôi qua nhưng nhiều chỉ tiêu vẫn đạt mức thấp và có khả năng khó hoàn thành nếu không có sự lãnh đạo, điều hành và thực hiện một cách quyết liệt, linh hoạt.

Cụ thể, trong 18 nhóm chỉ tiêu kinh tế, xã hội thì chỉ có 3 nhóm chỉ tiêu đạt khá như: tốc độ tăng trưởng, hạ tầng điện, y tế; 5 chỉ tiêu đạt trung bình gồm: Tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu chi ngân sách, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn, hạ tầng cấp thoát nước đô thị, lao động việc làm và 5 chỉ tiêu đạt thấp gồm: Xuất nhập khẩu, hạ tầng giao thông, giáo dục, nông thôn mới, bảo vệ và phát triển rừng. 5 chỉ tiêu còn lại như: Thu nhập bình quân đầu người, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, dân số, giảm nghèo và văn hóa thì cuối năm mới đánh giá. Chưa nói các chỉ tiêu trung bình và thấp, 3 nhóm chỉ tiêu được xếp vào nhóm khá cũng chưa có sự phát triển tích cực.

Một số chỉ tiêu khác đưa ra để phấn đấu trong năm 2016 như: Tỷ lệ nhựa hóa chung đường giao thông 57%; thêm 8 trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia; tạo thêm việc làm cho 18 ngàn lượt lao động; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm trên 2% và giảm trên 4% trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số... hiện cũng đang đạt mức thấp. Từ đây cho thấy, nếu không có những giải pháp quyết liệt, hiệu quả thì kết thúc năm 2016, khả năng nhiều chỉ tiêu chung và các chỉ tiêu thành phần không về đúng đích là rất lớn.

ADQuảng cáo

Cần những “liều thuốc” hiệu quả

Nhiều ý kiến cho rằng, một số nguyên nhân như hạn hán kéo dài, những dự án trọng điểm chậm tiến độ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển cũng chỉ là nguyên nhân khách quan mà chúng ta đã dự báo từ trước. Nguyên nhân sâu xa vẫn là chính nguồn lực đầu tư cho phát triển chúng ta còn quá “khiêm tốn”; những vướng mắc về cơ chế, chính sách chậm được tháo gỡ nên chưa tạo được sự bứt phá cần thiết cũng như tiền đề cho sự phát triển dài hơi.

Từ nguồn vốn phát triển bền vững khu vực Tây Nguyên, năm 2016, gần 2 km đường nội thôn Sơn Hà, xã Nam Xuân (Krông Nô) được bê tông hóa. Ảnh: Hồ Mai

Tại cuộc họp thẩm tra các dự thảo báo cáo tình hình phát triển kinh tế, xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2016 do Ban Kinh tế Ngân sách, HĐND tỉnh tổ chức mới đây, nhiều đại biểu cho rằng để “đo sức khỏe” của nền kinh tế tỉnh, không cần nhìn đâu xa, chỉ cần xem mức độ phát triển của hoạt động doanh nghiệp cũng đủ biết.

Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng hoạt động các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thời gian qua vẫn còn gặp những khó khăn. Tỷ lệ doanh nghiệp tăng quy mô hoạt động còn “khiêm tốn”. Trong khi, những dự án lớn có tính tác động sâu tới nền kinh tế thì gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện nhưng chậm được tháo gỡ. Chưa kể đến, do nguồn thu nội tỉnh thấp nên nguồn vốn dành cho đầu tư phát triển đang ít. Chẳng hạn trong việc thu hút nguồn vốn ODA thời gian qua cho thấy, vì không đủ nguồn đối ứng theo quy định, tỉnh đành phải “xé nhỏ” dự án để tranh thủ nguồn vốn nên tác động từ đầu tư chưa cao. Rất nhiều dự án có sử dụng đất hiện nay đang trong tình trạng “treo” dẫn đến lãng phí một nguồn thu lớn...

Một vấn đề khác cũng được các đại biểu đề cập là do một tỉnh nghèo, hạ tầng chưa đồng bộ nên việc thu hút đầu tư gặp rất nhiều khó khăn. Bởi vì, bản thân những doanh nghiệp trước khi có ý định đầu tư cũng đều tính toán đến bài toán lời lỗ. Vì thế, khi vào Đắk Nông, bản thân họ phải tự đầu tư hạ tầng như điện, giao thông và một số chi phí khác sẽ làm đội tổng mức đầu tư nên tính cạnh tranh thấp. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chúng ta chưa thu hút được nhiều những danh nghiệp thực sự có năng lực, tâm huyết.

Xét cho cùng, những nguyên nhân trên là khá rõ ràng và chúng ta đã nhận diện cũng như từng bước khắc phục. Tuy nhiên, hiệu quả tác động từ những giải pháp thời gian qua còn rất “khiêm tốn”, chưa tạo được tính đột phá cần thiết cho sự phát triển của một tỉnh trẻ. Vì thế, vấn đề “bắt mạch, kê đơn thuốc đúng liều” đang là vấn đề đặt ra cho các cấp, ngành chức năng hiện nay để phát triển kinh tế tỉnh mang tính dài hơi. Phải chăng, chúng ta cần nhìn nhận chuẩn xác hơn về “sức khỏe” của nền kinh tế để tập trung nguồn lực cho những lĩnh vực mang tính đột phá như cơ chế, chính sách, dự án trọng điểm, hạ tầng giao thông... để làm động lực cho các lĩnh vực khác.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bắt mạch” nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO