Bài học về thị trường

Bình Minh| 27/02/2020 09:08

Những ngày qua, hàng trăm hộ gia đình trồng xoài trên địa bàn xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil phải lao đao vì bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 khi xoài không xuất bán được sang Trung Quốc.

ADQuảng cáo

Giá xoài đã rớt giá liên tục đến nay chỉ còn 6.000 đồng/kg, trong khi thời điểm trước Tết Nguyên đán Canh Tý giá bán là hơn 30.000 đồng/kg. Cùng tình cảnh này, các doanh nghiệp chế biến hạt điều, tinh bột sắn có tới 90% lượng hàng hóa xuất bán sang thị trường Trung Quốc cũng phải hoạt động cầm chừng, hàng hóa tồn kho vì đối tác ngừng mua.

Sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc suốt trong nhiều năm qua đã để lại cho chúng ta rất nhiều bài học. Thực tế, thị trường Trung Quốc vẫn được coi là "dễ tính", phù hợp cách thức sản xuất của nông dân Việt Nam. Tuy nhiên, vì sự dễ dãi này đã khiến nông dân chậm cải tiến, nâng cao chất lượng nông sản để đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của các thị trường khác. Hàng hóa không thể xuất sang Trung Quốc thì cũng đồng nghĩa việc nông sản Việt Nam khó có thể xuất khẩu sang một nước khác, nhất là những thị trường có những yêu cầu cao như Nhật Bản, Úc, Mỹ, EU...

Để giải quyết được vấn đề thị trường trước hết phải thay đổi tư duy của chính nhà nông và doanh nghiệp. Đây là việc làm khó nhưng khó không phải là không làm được. Bài học từ quả vải Hải Dương, quả nhãn Hưng Yên, Bắc Giang đã để lại nhiều kinh nghiệm quý. Trước đây, quả vải, quả nhãn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thị trường Trung Quốc, nhưng gần đây nhờ sự thay đổi tư duy trong sản xuất nên đã mở rộng được thị trường tiêu thụ. Nông dân đã chuyển sang trồng vải, trồng nhãn theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, còn doanh nghiệp liên kết chặt chẽ với nông dân, tổ chức sơ chế theo dây truyền khép kín nên đã đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe nhất để xuất khẩu sang Mỹ, Thái Lan, Úc...

ADQuảng cáo

Tại Đắk Nông, sản phẩm măng cụt sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP trên địa bàn xã Đắk Nia, thành phố Gia Nghĩa nhiều năm nay đã được xuất khẩu sang Hà Lan, với giá trung bình 100.000 đồng/kg. Sản phẩm măng cụt theo tiêu chuẩn GlobalGAP không đủ để đáp ứng thị trường. Các sản phẩm khác như cà phê, hồ tiêu, chanh dây, sản phẩm từ quả gấc đã được xuất khẩu trực tiếp sang thị trường các nước châu Âu và Hàn Quốc đưa lại giá trị kinh tế lớn. Mặc dù số lượng chưa nhiều nhưng nếu chúng ta có cách làm bài bản từ sản xuất, chế biến đến thương mại thì nhiều loại nông sản khác hoàn toàn có thể xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài Trung Quốc.

Thị trường trong nước cũng còn khá nhiều tiềm năng. Trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát thì đây là dịp để doanh nghiệp, người nông dân nhìn nhận và đánh giá sát thực hơn về thị trường trong nước. Trước mắt, thay vì kêu gọi người dân giải cứu nông sản thì việc nên làm là tiếp cận người tiêu dùng tốt hơn. Các kênh bán hàng qua mạng, giao hàng tận nhà cũng nên thực hiện với các hình thức đa dạng hơn, hấp hẫn hơn để tăng sức mua nông sản của người dân nhân lúc dịch bệnh.

Cùng với sự cố gắng của nhà nông, doanh nghiệp, các cơ quan chức năng, nhất là ngành Công thương chủ động thực hiện các giải pháp tìm kiếm thị trường; cung cấp những thông tin cần thiết về thị trường mới để người dân, các doanh nghiệp trong tỉnh chủ động gửi sản phẩm chào hàng, giới thiệu đến các đối tác.

Qua thực tế, nếu sản phẩm bảo đảm về kỹ thuật, an toàn cho người tiêu dùng thì sản lượng dù nhiều cũng không phải lo lắng tới đầu ra. Trong đó, khi sản phẩm hàng hóa đáp ứng được các tiêu chuẩn của thị trường thế giới thì đó là cách để có thể tồn tại, phát triển lâu dài, ổn định. Vấn đề mấu chốt và mang tính lâu dài hiện nay là cần có sự nghiên cứu, lập và thực thi chiến lược đa dạng hóa thị trường và đối tác. Điều này nhằm hạn chế tối đa việc phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc hoặc một vài thị trường hay đối tác nào đó.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài học về thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO