APEC 2017: Thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội

Thùy Dương (t.h)| 14/11/2017 09:19

Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 đã chính thức khép lại với tuyên bố “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” và “Kế hoạch hành động APEC” về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội. Đây là kết quả quan trọng nhất của Hội nghị Cấp cao APEC cũng như của Năm APEC 2017.

ADQuảng cáo

Cơ sở hạ tầng ở Việt Nam ngày càng cải thiện, được lãnh đạo các phòng thương mại và tập đoàn quốc tế đánh giá cao. Ảnh tư liệu

Các nhà lãnh đạo kinh tế thành viên APEC đã định hướng việc tạo động lực mới cho tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm của các nền kinh tế APEC. Các động lực đó gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trang bị cho người lao động những kỹ năng làm việc trong môi trường số; đẩy mạnh cải cách cơ cấu; khai phá tiềm năng sáng tạo, khởi nghiệp và năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa.

Để góp phần đưa chất lượng tăng trưởng của APEC lên một tầm cao mới, APEC cũng đã hướng tới xây dựng một cộng đồng APEC tự cường và bao trùm, phát triển đô thị - nông thôn bền vững, bảo đảm an ninh lương thực, nước và năng lượng, giảm thiểu rủi ro thiên tai, tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ và tạo thuận lợi hơn cho các nhóm người dễ bị tổn thương; tiếp tục khẳng định vai trò đầu tàu liên kết kinh tế trong cục diện quốc tế đa tầng nấc, APEC đẩy mạnh tự do hóa thương mại, đầu tư và tăng cường kết nối khu vực, đẩy nhanh hoàn tất các Mục tiêu Bogor vào năm 2020, tăng cường liên kết, kết nối khu vực sâu rộng, thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương mở, minh bạch, không phân biệt đối xử và mang tính bao trùm.

Trước sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các thành viên APEC đã thảo luận các bước đi để xây dựng Tầm nhìn chiến lược cho Diễn đàn sau năm 2020; đi đầu cải cách, đổi mới, sáng tạo và nâng cao hiệu quả hợp tác để mang lại lợi ích thiết thực hơn cho người dân và các doanh nghiệp trong khu vực, góp phần tích cực triển khai các cam kết toàn cầu.

ADQuảng cáo

Những kết quả này không chỉ thể hiện cam kết chính trị của APEC tiếp tục theo đuổi con đường tự do hóa thương mại và đầu tư, thuận lợi hóa kinh doanh và ủng hộ hệ thống thương mại đa phương mở, công bằng, không phân biệt đối xử. Đó còn là thông điệp mạnh mẽ của các thành viên APEC về quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực sâu rộng; nâng cao năng lực cạnh tranh, sáng tạo của doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số, tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, những yếu tố vô cùng quan trọng để chuẩn bị cho Diễn đàn bước sang một giai đoạn phát triển mới.

Hơn 200 hoạt động của APEC đã diễn ra ở 10 tỉnh, thành trên cả nước kể từ đầu năm, với sự tham gia của khoảng 10.000 đại biểu là chính trị gia, doanh nhân có tầm ảnh hưởng hàng đầu khu vực và thế giới; đặc biệt, Tuần lễ Cấp cao APEC ở Đà Nẵng đã ghi đậm dấu ấn với các hoạt động dày đặc của các cuộc gặp đa phương, song phương, liên quan đến nhiều thách thức mà cả thế giới đang phải đối mặt.

Qua các hội nghị tổ chức trong khuôn khổ Năm APEC 2017, lãnh đạo các tổ chức quốc tế và các tập đoàn quốc tế hàng đầu đều đánh giá Việt Nam là một trong những nền kinh tế cải cách và hội nhập thành công trong 3 thập kỷ qua. Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương Victoria Kwakwa cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia điển hình sử dụng tương đối hiệu quả các nguồn vốn phục vụ thực hiện các mục tiêu phát triển, nhất là phát triển cơ sở hạ tầng, giảm nghèo, bảo vệ môi trường. Giám đốc WEF Philipp Roesler đánh giá Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đã tăng 5 bậc so với năm 2016, từ vị trí 60/138 lên vị trí 55/137 nền kinh tế, trong đó có nhiều chỉ số trụ cột cải thiện như mức độ sẵn sàng công nghệ, thể chế, quy mô thị trường...

Nhiều lãnh đạo các phòng thương mại và tập đoàn quốc tế đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ Việt Nam về cải cách kinh tế và cải thiện môi trường kinh doanh; cho rằng Việt Nam là một trong những điểm đến đầu tư an toàn, hấp dẫn, có nhiều tiềm năng và cơ hội đầu tư do có nhiều lợi thế về thị trường, nguồn nhân lực dồi dào, thể chế và cơ sở hạ tầng ngày càng cải thiện, hội nhập ngày càng sâu rộng vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu... Qua các hội nghị, diễn đàn, nhiều cơ hội hợp tác đã được mở ra cho Việt Nam và các đối tác trong khu vực.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
APEC 2017: Thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO