Áp dụng truy xuất nguồn gốc để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng

Song Việt| 14/04/2021 10:32

Áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc là hướng đi cần thiết, giúp minh bạch nguồn gốc sản phẩm, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Đây là quá trình cần nhiều nỗ lực của nhiều khâu.

ADQuảng cáo

Khó khăn trong tạo dựng niềm tin

Gia đình anh Phạm Vĩnh San, thôn Hòa Phong, xã Đắk Sắk (Đắk Mil), có hơn 10 ha bơ được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, ước thu về sản lượng khoảng 40 tấn quả/năm. Sản phẩm bơ của anh cũng như nhiều người dân khác đều có thị trường ổn định, chủ yếu tiêu thụ qua các kênh xuất khẩu. Thế nhưng, theo anh San, thời gian qua, vẫn còn nhiều người tiêu dùng có tâm lý e ngại, chưa hoàn toàn tin tưởng đây là sản phẩm sạch. Do đó, anh vẫn phải tiếp tục hành trình chứng minh sản phẩm của mình là an toàn, có chất lượng cao.

Để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đã dán tem chống hàng giả, sử dụng mã vạch QR Code để mã hóa thông tin về sản phẩm, vùng trồng, cơ sở sản xuất. Đây là cách truy xuất nguồn gốc cho nông sản, xác nhận hàng “chính hãng”, giúp người sử dụng yên tâm khi kiểm tra thông tin sản phẩm.

Vườn cây ăn trái được trồng xen hồ tiêu đạt tiêu chuẩn VietGAP của một hộ dân ở xã Nam N'Jang (Đắk Song)

Cũng theo thống kê của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có khoảng 150 doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện dán tem QR Code lên sản phẩm, trong đó có 36 sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Việc làm này giúp người tiêu dùng có thể truy xuất một số thông tin như: hình ảnh, địa chỉ, số điện thoại, nơi sản xuất.

Tuy nhiên, không thể đánh đồng tem QR Code với truy xuất nguồn gốc, vì những thông tin về sản phẩm mà tem này cung cấp đều do cơ sở sản xuất tự kê khai và chưa được cơ quan quản lý Nhà nước xác thực. Theo đó, một sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng phải trải qua rất nhiều khâu như trồng trọt, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, đóng gói, vận chuyển… Nói cách khác, tem QR Code chưa có sự tham gia của các cơ quan Nhà nước trong việc quản lý, khẳng định chất lượng sản phẩm. Đây là nguyên nhân chính khiến cho người tiêu dùng vẫn còn những tâm tư, chưa thực sự tin vào việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Chị Phạm Thu Hà, trú tại phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa), cho biết, điều quan tâm nhất khi mua sản phẩm là phải sạch. Hiện có rất nhiều sản phẩm rau, củ, quả được dán tem QR Code, mã vạch, nhưng vẫn khó tin đó là sản phẩm sạch. "Những thứ đó vẫn có thể làm giả và người tiêu dùng chưa kiểm chứng được. Chúng tôi cần Nhà nước hỗ trợ điều đó", chị Hà chia sẻ.

ADQuảng cáo

Sản phẩm gạo ST24 của người dân Krông Nô đạt tiêu chuẩn OCOP hạng 4 sao, có truy xuất nguồn gốc, được bày bán trên thị trường

Những hỗ trợ từ chính quyền và các ngành

Để góp phần khẳng định chất lượng và nâng cao khả năng cạnh tranh sản phẩm nông sản, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 434 triển khai thực hiện Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc”.

Theo lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, đơn vị đang gấp rút triển khai thực hiện các nhiệm vụ đề ra của Kế hoạch 434. Trước tiên, đơn vị phối hợp với Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia xây dựng "hệ sinh thái truy xuất nguồn gốc" theo tiêu chuẩn quốc gia, phù hợp tiêu chuẩn quốc tế cho tỉnh Đắk Nông.

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh hiện có 21.459 ha cây trồng được chứng nhận các tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp sạch, với tổng sản lượng đạt hơn 88.000 tấn/năm. Diện tích sản xuất nông nghiệp sạch này do 140 tổ chức, cá nhân thực hiện.

Cụ thể, có 1.301 ha được chứng nhận VietGAP; 10 ha được chứng nhận GlobalGAP; 391 ha được chứng nhận hữu cơ; 19.756 ha được chứng nhận theo các tiêu chuẩn 4C, UTZ, Rainforest Alliance… So với các sản phẩm được trồng đại trà truyền thống, sản phẩm sản xuất theo các tiêu chuẩn nói trên mang lại giá trị kinh tế cao hơn gấp nhiều lần. Tuy nhiên, nhiều hộ nông dân vẫn còn khó khăn trong việc đưa sản phẩm của mình tiếp cận thị trường.

Trung tâm Mã số mã vạch quốc gia là cơ quan chủ trì triển khai Đề án 100 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện đơn vị này đang xây dựng, vận hành và quản lý Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa quốc gia. Trung tâm cam kết sẽ đồng hành cùng Đắk Nông trong việc triển khai Kế hoạch 434. 

Việc áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc tương tự như việc khai lý lịch cho sản phẩm. Khi người tiêu dùng truy xuất nguồn gốc một sản phẩm sẽ biết được thông tin về hình ảnh, giá cả, nơi sản xuất. Cùng với đó là thông tin về các giai đoạn nuôi trồng, chế biến, thời điểm sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường…

Các thông tin này thực hiện đúng quy trình truy xuất nguồn gốc, chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, được chứng nhận phù hợp bởi tổ chức đánh giá bên thứ 3 và có giám sát thường xuyên. Vì vậy, đây là một hoạt động phức tạp, khắt khe, đòi hỏi sự minh bạch trong cả chuỗi cung ứng...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Áp dụng truy xuất nguồn gốc để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO