10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam: Từng bước đưa kinh tế biển phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế

Bình Minh| 09/10/2018 09:53

Sau 10 năm thực hiện nghị quyết về Chiến lược biển, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật về kinh tế biển. Dù còn những hạn chế nhưng những kết quả đạt được sẽ giúp cho chúng ta triển khai hiệu quả các giải pháp hướng tới đưa kinh tế biển phát triển bền vững, mang lại thịnh vượng cho đất nước.

ADQuảng cáo

Giá trị sản lượng của ngành vận tải biển và dịch vụ cảng biển có tốc độ tăng trưởng cao trong giai đoạn 2011-2017. Ảnh tư liệu

Nhiều chuyển biến tích cực

Ngày 9/2/2007, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) đã thông qua Nghị quyết số 09 về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, với quan điểm phải đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển…

Mục tiêu tổng quát của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 là phấn đấu đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu mạnh.

Mục tiêu cụ thể là xây dựng và phát triển toàn diện các lĩnh vực kinh tế, xã hội, khoa học - công nghệ, tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh; phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước.

Triển khai thực hiện nghị quyết này, 10 năm qua, các bộ, ngành từ Trung ương đến các địa phương có biển đã nỗ lực cụ thể hóa Chiến lược biển vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế biển một cách cụ thể và đạt hiệu quả tích cực.

Theo thống kê của Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng từ 2,14 triệu lượt người năm 2000 lên hơn 10 triệu lượt năm 2016 và 12,9 triệu lượt năm 2017, tăng 6 lần trong vòng 17 năm. Khách du lịch nội địa cũng tăng mạnh liên tục trong suốt giai đoạn vừa qua, từ 11,2 triệu lượt năm 2000 đến 62 triệu lượt năm 2016 và 73,2 triệu lượt năm 2017. Trong đó, khách du lịch đến 28 tỉnh, thành phố ven biển trong năm 2017 ước đạt khoảng 60 triệu lượt (bao gồm cả khách du lịch trong nước và quốc tế).

Cũng theo Tổng cục Du lịch, sự đóng góp của du lịch vào nền kinh tế nước ta giai đoạn vừa qua rất đáng khích lệ. Tổng thu trực tiếp từ khách du lịch năm 2017 đạt 510,9 ngàn tỷ đồng (tương đương khoảng 22,6 tỷ USD). Trong đó, doanh thu du lịch của 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm khoảng 70% tổng doanh thu toàn ngành. Du lịch đã đóng góp trực tiếp và lan tỏa sang các ngành kinh tế liên quan khác, góp phần thúc đẩy toàn bộ nền kinh tế. Với tính chất là một ngành kinh tế tổng hợp mang tính liên ngành, liên vùng, hoạt động du lịch phát triển đã kéo theo sự phát triển của các ngành, lĩnh vực liên quan như vận chuyển, thương mại, dịch vụ, truyền thông, bưu chính viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm, y tế... Du lịch góp phần vào xóa đói giảm nghèo và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn.

ADQuảng cáo

Đối với lĩnh vực kinh tế hàng hải, giá trị sản lượng của ngành vận tải biển, dịch vụ cảng biển và đóng tàu liên tục gia tăng, với tốc độ tăng trong giai đoạn 2007-2010 là 22%/năm, giai đoạn 2011-2015 là 13%/năm. Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển tăng theo các năm (năm 2015 đạt 427,3 triệu tấn; năm 2017 đạt khoảng 511,6 triệu tấn).

Nhờ thực hiện Chiến lược biển, tính đến hết năm 2017, cả nước đã có 17 khu kinh tế ven biển được thành lập, với tổng diện tích gần 845.000 ha, thu hút khoảng 78,6 tỷ USD vốn đầu tư. Cả nước có 58 khu công nghiệp tập trung ven biển, với tổng diện tích đất công nghiệp gần 13.600 ha. Các khu kinh tế ven biển đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu, tăng thu ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm...

Chỉ tính riêng xuất khẩu thủy sản, tỷ lệ tăng trung bình hàng năm 15-20% và dự kiến đạt kim ngạch kỷ lục 10 tỷ USD năm 2018. Chủ trương thực hiện đánh bắt xa bờ bằng tàu vỏ thép đã được triển khai với quy mô lớn với sự vào cuộc của hệ thống chính trị, sự tham gia của nhà khoa học, nhà quản lý, nhà chế tạo, ngân hàng và ngư dân.

Doanh thu từ du lịch biển luôn đóng góp lớn cho ngân sách và thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển trong 10 năm qua. Ảnh tư liệu

Tạo tiền đề vững chắc cho giai đoạn chiến lược mới

Qua đánh giá, nhìn chung, đến thời điểm này, kết quả phát triển kinh tế biển chưa đạt mọi mục tiêu như kỳ vọng của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 đặt ra. Tuy nhiên, những kết quả bước đầu đạt được là rất quan trọng, tạo tiền đề vững chắc và chỗ dựa quan trọng để kinh tế biển bước sang giai đoạn chiến lược mới với tầm nhìn mới. Vấn đề đặt ra là cần thẳng thắn đánh giá một cách khách quan, khoa học về kết quả và chỉ ra những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của nó để cùng tìm giải pháp thiết thực nhằm hiện thực hóa mục tiêu Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và chuẩn bị cơ sở cho một chiến lược mới hiệu quả hơn giai đoạn tiếp theo.

Theo các chuyên gia, để thực hiện thành công các định hướng của Chiến lược biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam cần phát triển nền kinh tế biển hiệu quả và bền vững trên cơ sở giải quyết đồng bộ các mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên biển; giữa phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội biển, đảo; giữa phát triển kinh tế với sử dụng hợp lý tài nguyên biển, đảo; giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường biển; giữa phát triển vùng biển, ven biển và đảo với phát triển vùng nội địa.

Ngoài ra, khoa học và công nghệ (KH&CN) biển phải trở thành động lực phát triển các lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển. Trong đó, việc xây dựng tiềm lực KH&CN biển đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, phục vụ hiệu quả quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhà nước khuyến khích đẩy mạnh và mở rộng hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực ứng dụng KHCN và chuyển giao công nghệ sạch hơn, thân thiện với môi trường biển, năng lượng biển tái tạo, các mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch không gian biển để quản lý liên ngành, liên vùng đối với các vùng biển, đảo và vùng ven biển để bảo đảm tính liên kết trong phát triển kinh tế biển ngay từ giai đoạn sớm của quá trình phát triển có vai trò rất quan trọng. Việc cơ cấu lại ngành nghề kinh tế biển trên từng địa bàn cho hợp lý trên cơ sở tiếp cận dựa vào hệ sinh thái là rất cần thiết. Trên cơ sở quy hoạch không gian biển, chúng ta tăng cường kiểm soát phát triển kinh tế biển, mức độ tuân thủ quy hoạch, tác động đến môi trường, lãng phí tài nguyên, tác động xã hội và an ninh, quốc phòng. Hoạt động hợp tác đa phương và song phương với các bên liên quan để hợp tác phát triển kinh tế và ngăn chặn nguy cơ xung đột, giữ vững môi trường hòa bình và phát triển tiếp tục cần được tăng cường. Các giải pháp về quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển để phát triển nghề cá và du lịch sinh thái biển bền vững; tiếp tục nghiên cứu để phát hiện các vùng biển giàu, đẹp, có các giá trị quốc gia, quốc tế để trình cấp có thẩm quyền cũng như các tổ chức quốc tế công nhận cũng sẽ được chú trọng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam: Từng bước đưa kinh tế biển phát triển xứng với tiềm năng, lợi thế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO