Đồng hành cùng thanh niên trên bước đường lập nghiệp

Hưng Nguyên| 29/05/2019 09:28

Phát huy vai trò của tổ chức đoàn, những năm qua, Tỉnh đoàn Đắk Nông đã triển khai nhiều chương trình, giải pháp nhằm đồng hành cùng đoàn viên thanh niên (ĐVTN) trên bước đường lập nghiệp.

ADQuảng cáo

Huyện đoàn Krông Nô tổ chức tham quan mô hình trồng đinh lăng, hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc đinh lăng cho các ĐVTN

Hiệu quả từ các mô hình

Đầu năm 2017, Nguyễn Văn Sang, sinh năm 1987, trú tại thôn Tân Lợi, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) được tổ chức đoàn đứng ra tín chấp cho vay hơn 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh. Trước khi vay vốn, Sang đã trình bày với tổ chức đoàn cơ sở về nguyện vọng và nhu cầu vốn để thực hiện việc tái canh hơn 1 ha cà phê. Cùng với đó, Sang tập trung đầu tư chăm sóc 2 ha cà phê và tiêu đang cho thu hoạch.

Sang cho biết, thời điểm đó, gia đình rất cần vốn đề tái canh và đầu tư phát triển cây trồng. Nguồn vốn không lớn nhưng đối với thanh niên nông thôn sản xuất nông nghiệp, đây là số tiền có thể giải quyết được rất nhiều việc. Nguồn vốn đầu tư đúng mục đích, hiệu quả nên sau 2 năm, cà phê của gia đình Sang đã bắt đầu cho thu hoạch. Không chỉ trồng cà phê, Sang còn thực hiện mô hình trồng xen canh tiêu, cây ăn trái trong vườn cà phê để tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất. Năm vừa qua, gia đình Sang thu nhập được khoảng 2 tấn tiêu, 5 tấn cà phê, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.

Mô hình nuôi heo rừng của anh Hồ Năng Khoa

Năm 2018, anh Hồ Năng Khoa, sinh năm 1985, trú tại thôn Tân Thịnh, xã Quảng Thành (Gia Nghĩa) cũng được Tỉnh đoàn hỗ trợ heo giống rừng lai và chuyển giao kỹ thuật nuôi heo lai sinh sản (từ nguồn vốn hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp) để mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đàn vật nuôi của gia đình. Trước đó, Khoa là thanh niên đã xây dựng được mô hình chăn nuôi heo rừng nhưng do bước đầu khởi nghiệp nên thiếu vốn, kỹ thuật chăm sóc heo.

Trước khi hỗ trợ, Tỉnh đoàn đã tìm hiểu mô hình, nhu cầu và tiềm năng để có những sự hỗ trợ kịp thời, thiết thực nhất nhằm tạo bàn đạp để phát huy hiệu quả mô hình khởi nghiệp. Tỉnh đoàn đã phối hợp với Viện Sinh học nhiệt đới - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam hỗ trợ 12 con giống heo rừng lai cho hộ gia đình anh Khoa. Trong đó có 2 con heo giống đực F1 và 10 con giống heo cái 50% máu lai với tổng trị giá mức hỗ trợ khoảng 150 triệu đồng. Ngoài giống, trang trại còn áp dụng đúng quy trình công nghệ nuôi heo lai rừng do Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam chuyển giao. Khoa tâm sự:

ADQuảng cáo

"Tôi tự mày mò chăn nuôi nên giờ được hỗ trợ về giống, kỹ thuật sẽ giúp tự tin mở rộng quy mô, tăng đàn vật nuôi, nâng cao giá trị đàn vật nuôi, phát huy hiệu quả kinh tế của mô hình. Qua nhiều năm chăm sóc, gây đàn, đến nay, Khoa đã có mô hình nuôi heo lai với đàn vật nuôi 30 con, trong đó có 10 con heo sinh sản và 20 con heo thịt. Với giá bán từ 150 ngàn đồng/kg - 200 ngàn đồng/kg heo thịt, mỗi năm, sau khi trừ chi phí, Khoa thu về hơn 100 triệu đồng từ mô hình này.

Nguồn vốn vay giúp nhiều thanh niên xây dựng thành công mô hình phát triển kinh tế. Trong ảnh: Mô hình cà phê xen tiêu của Đàm Tiến Thành, thôn Đắk Lang, xã Quảng Khê (Đắk Glong)

Tạo đà cho thanh niên khởi nghiệp

Xác định công tác đồng hành cùng thanh niên khởi nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thời gian qua, Tỉnh đoàn đã cụ thể hóa bằng những nội dụng như: Tổ chức các diễn đàn khởi nghiệp, các chương trình tư vấn, định hướng nghề nghiệp, tuyên truyền trong các buổi sinh hoạt đoàn về các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, quy định về cách thức kinh doanh... cho thanh niên. Bên cạnh đó, thông qua các hoạt động, Tỉnh đoàn cũng đã giới thiệu các gương điển hình phát triển kinh tế, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật về nông nghiệp, tổ chức các buổi tham quan, học hỏi các mô hình làm kinh tế điển hình cho hàng trăm lượt đoàn viên, thanh niên tham gia.

Qua các chương trình, các tổ chức đoàn nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu thực tiễn của thanh niên, từ đó phối hợp các sở, ngành, đơn vị liên quan tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ kịp thời. Nhờ vậy, đã thu hút thanh niên ngày càng gắn kết với các cơ sở đoàn, qua đó đưa công tác đoàn và phong trào thanh niên ngày càng đi vào thực chất.

Trong hỗ trợ vốn, Tỉnh đoàn đã thực hiện có hiệu quả công tác ủy thác cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh, tạo điều kiện cho ĐVTN vay vốn giải quyết việc làm, phát triển kinh tế. Tính đến hết quý I năm 2019, tổng dư nợ Tỉnh đoàn nhận ủy thác khoảng hơn 555 tỷ đồng với 15.324 lượt hộ gia đình thanh niên vay vốn, chiếm 21% tổng dư nợ Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh với 16 chương trình cho vay. Từ nguồn vốn vay ưu đãi này, nhiều đoàn viên trên địa bàn đã có điều kiện đầu tư phát triển sản xuất, sử dụng đồng vốn đúng mục đích xây dựng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao.

Anh Châu Ngọc Lương, Phó Bí thư Tỉnh đoàn cho biết: Thông qua hệ thống đoàn các cấp, Tỉnh đoàn đã thực hiện nhiều chương trình, giải pháp để thanh niên có nhiều cơ hội tiếp cận các chính sách hỗ trợ kỹ thuật, vốn phát triển sản xuất. Sự hỗ trợ kịp thời về vốn đã giúp các thanh niên có điều kiện về đất đai, sớm đưa ý tưởng khởi nghiệp vào triển khai thực tiễn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng hành cùng thanh niên trên bước đường lập nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO