Để khởi nghiệp thực sự là động lực phát triển kinh tế

Văn Tâm| 03/09/2018 07:58

Chưa bao giờ, phong trào khởi nghiệp lại lan tỏa rộng khắp như hiện nay. Trong đó, khởi sự doanh nghiệp đang là cụm từ được nhắc đến nhiều ở các diễn đàn chính trị, kinh tế và cả trong xây dựng, thực thi chủ trương của Đảng, chính sách của nhà nước. Đây được xem là động lực quan trọng góp phần thực hiện thành công mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế trong môi trường hội nhập.

ADQuảng cáo

Việc hỗ trợ máy móc từ chương trình khuyến công đang giúp cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng sản xuất theo hướng hiện đại. (Trong ảnh: Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Hồ Dũng, xã Đắk Sin (Đắk R'lấp) được hỗ trợ máy móc tiên tiến trong gia công tôn). Ảnh: Lê Phước

Hoàn thiện chủ trương, chính sách

Để doanh nghiệp thực sự có môi trường khởi nghiệp thuận lợi, những năm qua, Đảng, Nhà nước đã đặc biệt quan tâm đến hệ thống chủ trương, chính sách, tạo môi trường pháp lý bền vững và thuận lợi cho doanh nghiệp khởi sự.

Chỉ trong vài năm gần đây, hàng loạt văn bản pháp luật quan trọng của nhà nước đã được ban hành để cụ thể hóa chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Cụ thể nhất phải kể đến, từ khi luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành (6/2017) như là bước khởi đầu quan trọng “cởi trói” về nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi cho nhóm doanh nghiệp thuộc diện thụ hưởng, nhất là doanh nghiệp bắt đầu khởi sự.

Sau khi luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành, tháng 3 năm 2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, doanh nghiệp khởi nghiệp là đối tượng nhận được sự hỗ trợ đặc biệt từ phía nhà nước như: Hỗ trợ thông tin, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực, sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển sở hữu trí tuệ,  tư vấn về thủ tục xác lập… và các chính sách tín dụng ưu đãi lãi suất hoặc bảo lãnh từ phía nhà nước.

Chưa kể, thời gian qua, Chính phủ cũng đã ban hành hàng loạt quyết định liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp ở các nhóm như học sinh, sinh viên, phụ nữ… để có những chính sách đặc thù phù hợp trong hỗ trợ. Từ những chính sách trên, các cấp, ngành đã cụ thể hóa bằng những chương trình hành động phù hợp như hỗ trợ đào tạo, tư vấn khởi nghiệp được quan tâm ngay tại các cơ sở đào tạo cao đẳng, đại học; hoàn thiện chính sách tín dụng hỗ trợ khởi nghiệp; xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thuận lợi và đổi mới chính sách hỗ trợ khởi nghiệp về khoa học…

Từ những chính sách khá cụ thể, thiết thực đã thực sự thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các loại hình doanh nghiệp, đặc biệt là tăng cường khởi sự doanh nghiệp, tạo lập môi trường pháp lý bảo đảm quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng giữa các chủ thể kinh tế trong nền kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước.

Và thực tế ở Đắk Nông

ADQuảng cáo

Là một tỉnh trẻ, Đắk Nông cũng đang được ghi nhận có một môi trường khởi nghiệp tiềm năng cho các doanh nghiệp triển khai ý tưởng sáng tạo. Chính vì thế, trên cơ sở chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, thời gian gần đây, phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh đang từng bước lan tỏa.

Tính từ năm 2016 đến tháng 6/2018, toàn tỉnh có 1.236 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 3.943 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên toàn tỉnh lên 4.328 doanh nghiệp, trong đó có gần 3.000 doanh nghiệp đang hoạt động có phát sinh thuế. Mặc dù doanh nghiệp Đắk Nông vẫn đang chủ yếu ở quy mô nhỏ, siêu nhỏ song số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới đang ghi nhận có sự tăng dần theo các năm. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có 240 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 6,2% so với cùng kỳ.  

Có được kết quả đó, một phần, thời gian gần đây, Đắk Nông cũng đã, đang có những chủ trương, chính sách cụ thể, rõ ràng hơn trong việc hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Cùng với việc đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ tư vấn, hoàn thiện thủ tục hành chính về thành lập doanh nghiệp, công tác cải cách hành chính cũng đã được đẩy mạnh theo hướng đơn giản về trình tự, đầu mối, rút ngắn thời gian đăng ký thành lập...

Bên cạnh đó, Đắk Nông cũng đang triển khai có hiệu quả các nhóm chính sách hỗ trợ thuế, phí liên quan đến đất, tiền thuê đất trong những năm đầu cho doanh ngiệp mới thành lập; hỗ trợ lãi suất vốn vay cho doanh nghiệp hoạt động ở khu vực nông thôn, vùng khó khăn, hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh doanh nông sản...  Bên cạnh đó, với thông điệp đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đến kết quả cuối cùng, thời gian qua, Đắk Nông đang quan tâm giải quyết dứt điểm những khó khăn cho doanh nghiệp; đẩy mạnh truyền thông khởi nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực tư vấn, hỗ trợ doanh nghiệp từ giai đoạn khởi sự đến quá trình triển khai ý tưởng, phương án sản xuất, kinh doanh.

Theo Nghị định số 39/2018/NĐ-CP, ngoài các ưu đãi, hỗ trợ về thông tin, tư vấn, phát triển nguồn nhân lực... như các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp khởi nghiệp còn được nhận các hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ như: Hỗ trợ 100% giá trị hợp đồng tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; 100% giá trị hợp đồng tư vấn về xây dựng và thực hiện chính sách chiến lược hoạt động sở hữu trí tuệ...; hỗ trợ về ứng dụng, chuyển giao công nghệ; đào tạo, thông tin, xúc tiến thương mại, thương mại hóa... Ngoài ra, doanh nghiệp khởi nghiệp còn được hỗ trợ 100% chi phí sử dụng trang thiết bị tại các cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh ghiệp nhỏ và vừa; 50% phí tham gia các cơ sở ươm tạo, khu làm việc chung dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo...

Cần tránh tư duy dựa dẫm

Chủ trương hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh bước đầu đang được cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tích cực. Tuy nhiên, ngoài viêc tận dụng tốt các ưu đãi, hỗ trợ, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần tránh tư duy dựa dẫm vào nhà nước, thay vào đó biến sự hỗ trợ đó thành động lực trên bước đường phát triển.

Quan điểm của tỉnh trong xây dựng, triển khai các gói hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp cũng đã thể hiện việc làm sao để danh nghiệp khởi sự thấy mình được khích lệ, quan tâm thay vì “hà hơi tiếp sức” như trước đây. Thực tế cho thấy, đã có hàng loạt doanh nghiệp thành lập chỉ với mục đích thụ hưởng chính sách. Khi hết thời hạn ưu đãi thì doanh nghiệp giải thể hoặc chuyển sang một mô hình mới để tiếp tục được hưởng ưu đãi. Những doanh nghiệp kiểu này rất khó phát triển vì thiếu ý tưởng, không sẵn sàng tiếp nhận cơ hội… Bởi vậy, nếu doanh nghiệp có tư duy trông chờ, ỷ lại, không những thiếu tính quyết tâm, sáng tạo ngay bước đầu khởi sự mà còn đặt ý tưởng của mình trước nguy cơ thiếu bền vững.

Với cơ chế thông thoáng như hiện nay, để hình thành một doanh nghiệp là không khó nhưng để doanh nghiệp có thể tồn tại và phát triển thì không hề đơn giản. Các chuyên gia cho rằng, đối với doanh nghiệp mới thành lập, ý tưởng chỉ chiếm 10% thành công, còn kỹ năng và kiến thức chiếm 90% và quyết định sự thành bại của doanh nghiệp. Trong khi đó, nếu xem các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ phía nhà nước như là “vốn mồi” cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thì để thành công, doanh nghiệp đó phải thực sự phát huy được khả năng làm chủ của chính bản thân mình. Đó là sự tự tin, sáng tạo, linh hoạt trong liên kết và học hỏi lẫn nhau để có các bước đi phù hợp trong môi trường kinh doanh cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Có như vậy, đóng góp của hệ thống doanh nghiệp mới thực sự là động lực phát triển cho nền kinh tế quốc dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để khởi nghiệp thực sự là động lực phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO