Đam mê dẫn dắt nghề

Bài, ảnh: Lương Nguyên| 29/11/2018 09:18

Sinh năm 1992, Nguyễn Thị Hà, ở xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp) hiện đã có một cơ sở phun xăm có tiếng trên địa bàn để phục vụ nhu cầu làm đẹp cho chị em. Không những là địa chỉ tin cậy cho phái nữ gần xa, có nguồn thu nhập ổn định, mà cơ sở này còn đào tạo học viên cho một số bạn trẻ cùng có niềm đam mê.

ADQuảng cáo

Nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh tìm đến cơ sở phun xăm của Hà để làm đẹp

Gác lại ước mơ “gõ đầu trẻ”

Gặp Nguyễn Thị Hà vào một ngày cuối tháng 11, ấn tượng đầu tiên chúng tôi nhận thấy là sự cởi mở, nhẹ nhàng và thái độ phục vụ khách tận tình của "cô chủ nhỏ". Bắt đầu câu chuyện của mình, Hà cười bảo: “Gian nan lắm chị ạ. Mà em cũng không nghĩ là mình lại có duyên với nghề này đến thế”. 

Hà kể: Em tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội vào năm 2013. Sau khi tốt nghiệp, ước mơ “gõ đầu trẻ” cứ thôi thúc và em đã nộp hồ sơ đến nhiều cơ sở trường học trên địa bàn. Ban đầu, do yêu nghề, mến trẻ nên em chấp nhận dạy hợp đồng không lương tại một trường học. Tuy nhiên, vì đi dạy không có lương, công việc nhiều áp lực... khiến em nghĩ nhiều và quyết định tạm nghỉ việc. Trong thời gian ở nhà đợi việc, tình cờ, thông qua một người họ hàng làm nghề phun xăm, em đã có thêm thông tin và từng bước tìm hiểu về lĩnh vực này. Ngoài cập nhật thông tin từ người quen, những lúc rảnh rỗi, em lại vào các trang web để tìm hiểu thêm những kỹ thuật, xu hướng mới mà các cơ sở thẩm mỹ viện đang ứng dụng.

“Ban đầu, em tìm hiểu “cho vui” nhưng rồi mê nghề này từ lúc nào cũng không biết. Cũng vì yêu thích nên em quyết tâm thuyết phục gia đình tạo điều kiện để được đi học”, Hà chia sẻ.

Tháng 6/2017, Hà “khăn gói” ra thành phố Vinh (Nghệ An) để nộp hồ sơ xin học tại một cơ sở phun, xăm có tiếng trong khu vực. Nếu như đối với nhiều học viên khác thì họ học từ 8 đến 10 tiếng/ngày, nhưng với Hà phải mất từ 14 đến 15 giờ/ngày. Bởi theo Hà, so với nhiều bạn khác, em là một học viên tay ngang có xuất phát điểm thấp nhất, kinh tế khó khăn, có con nhỏ nên phải nỗ lực nhiều hơn.

ADQuảng cáo

Với sự cần cù, siêng năng cộng với năng khiếu nên Hà dần dần trở thành một trong những học viên xuất sắc của cơ sở mà em theo học. Được học, được thực hành phun màu môi cho khách nên tay nghề của Hà ngày càng được “nâng tầm”. Thành công đã đến với người thực sự nỗ lực, khi tháng 9/2017, Hà được xướng tên là một trong 20 bạn trẻ đạt giải Nghệ thuật tại Đại hội Thẩm mỹ Quốc tế do Tổng Liên đoàn Hiệp hội thẩm mỹ quốc tế Hàn Quốc IFBC tổ chức tại Hà Nội (cuộc thi có đến 700 thí sinh tham dự).

Nguyễn Thị Hà (thứ hai từ trái sang) tại Đại hội Thẩm mỹ Quốc tế do Tổng Liên đoàn Hiệp hội thẩm mỹ quốc tế tổ chức

Làm đẹp theo hướng tự nhiên, an toàn

Rời cuộc thi không lâu, Hà về tại xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) mở cơ sở phun, xăm mang tên Phun xăm Thanh Hà để thực hiện đam mê của mình. Ban đầu, lượng khách đến với cơ sở chỉ là những người bạn thân, người quen trước đây của Hà. Thế rồi, làm đẹp cho khách, được khách ưng ý và  giới thiệu, đến nay lượng khách của Hà không chỉ dừng lại trên địa bàn huyện Đắk R’lấp mà còn được mở rộng hơn. Thậm chí, nhiều khách ở ngoài tỉnh còn “đặt lịch” để đến cơ sở phun xăm của Hà làm đẹp. Hiện tại, bình quân mỗi tháng, cơ sở của Hà làm đẹp cho 70 đến 80 người, với mức thu nhập trên trên 35 triệu đồng/tháng.

“Đối với em, được làm đẹp cho các chị em là niềm hạnh phúc. Phương châm của em là đẹp tự nhiên nhưng phải bảo đảm được an toàn, chứ không phải làm đẹp theo hướng đại trà để lấy tiền của khách”, Hà cho biết. Không những tạo được nguồn thu nhập ổn định hằng tháng, mà hiện nay Hà còn nhận đào tạo thêm cho một số bạn trẻ cùng có chung niềm đam mê.

Nói về dự định tương lai của mình, Hà chia sẻ: “Em sẽ mở rộng thêm cơ sở, cũng như cập nhật thêm thông tin để nâng cao tay nghề của mình. Thời gian tới, sau khi sắp xếp ổn thỏa công việc, em sẽ đăng ký tham gia vào các lớp học nâng cao về công nghệ mới như điêu khắc, hiệu ứng bút chì, phun môi châu Âu…, nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Đối với nghề này không khi nào thỏa mãn được với những gì mình đã học và làm. Bởi vì, một khi thỏa mãn với hiện tại là sẽ nhanh chóng bị tụt lùi. Tụt lùi về công nghệ, về kỹ thuật và nhất là tụt lùi về tay nghề của mình”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đam mê dẫn dắt nghề
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO