Ứng dụng thành tựu công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp Việt Nam

Hoài An| 28/12/2018 14:00

Việc ứng dụng thành quả của khoa học công nghệ (KHCN) và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp thông minh là xu hướng tất yếu. Theo nhận định của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, với những thành tựu đạt được của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nông nghiệp Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc, nhưng cần có những bước đi và cách làm phù hợp.

ADQuảng cáo

Ứng dụng công nghệ thông tin trong việc trồng và chăm sóc rau tại Nông trại Vineco Tam Đảo (Vĩnh Phúc). Ảnh tư liệu

Nhiều thành tựu công nghệ số có thể ứng dụng

Cách mạng công nghiệp 4.0 trở thành một điểm mốc phát triển rực rỡ về KHCN trên toàn cầu. Nhờ vậy, ngành nông nghiệp thế giới nói chung và nông nghiệp của Việt Nam nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội tiếp thu và ứng dụng những tiến bộ, thành tựu công nghệ số như trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data), Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing) và công nghệ viễn thám (Remote sensing).

Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, là nước đi sau, Cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội quý giá cho Việt Nam nắm bắt các công nghệ mới diễn ra trên khắp thế giới để đẩy nhanh hơn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhằm thu hẹp khoảng cách phát triển với các nền kinh tế phát triển khác trên thế giới nói chung và đẩy mạnh sự phát triển của ngành nông nghiệp Việt Nam nói riêng.

Các ứng dụng của công nghệ số sẽ hỗ trợ lập kế hoạch, tính toán chi phí, doanh thu theo mùa vụ, thu thập, phân tích thông tin môi trường, điều khiển các thiết bị để giữ cho môi trường tuân theo đúng quy trình chuẩn. Đồng thời hỗ trợ hệ thống cảnh báo tự động, hỗ trợ phân tích, đánh giá chất lượng, năng suất và đề xuất các giải pháp tối ưu cho nhà nông; thiết lập hệ sinh thái cho nhà nông, chuyên gia, nhà phân phối và đơn vị thu mua trao đổi thông tin, tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm, lên kế hoạch sản xuất.

Các sản phẩm của trí tuệ nhân tạo AI và xu hướng ứng dụng phần mềm, chip cảm biến trong các hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ giai đoạn ươm mầm, xuống giống đến thu hoạch và bảo quản theo quy trình chuẩn, sẽ thúc đẩy tự động hóa quy trình trồng trọt, chăn nuôi và thủy hải sản. Dữ liệu lớn (Big Data) giúp cải thiện chất lượng dự báo ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để ra quyết định sản xuất nông nghiệp, ứng dụng trong chương trình bảo hiểm, khuyến cáo trong các quyết định đầu tư trồng trọt của người sản xuất. Sự kết hợp gữa internet vạn vật (IoT) và dữ liệu lớn sẽ làm thay đổi hoàn toàn chuỗi cung ứng trong thời gian tới.

ADQuảng cáo

Trong thời gian qua, một số doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân trong cả nước đã ứng dụng công nghệ thông minh trong các khâu, công đoạn khác nhau. Từ các giải pháp riêng lẻ cho từng khâu sản xuất tới những giải pháp tích hợp nhiều tính năng hơn như đo đạc các thông số của môi trường không khí, độ ẩm đất, lượng mưa của Mimosa TEK; hệ thống SmartAgri giúp quản lý sản xuất nông nghiệp từ giai đoạn ươm mầm, xuống giống đến thu hoạch và bảo quản theo quy trình chuẩn của Global Cyber Soft Vietnam; hệ thống trồng trọt thủy canh của Hachi…

Cần có giải pháp hiệu quả

Theo ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, Việt Nam còn một số tồn tại cần tháo gỡ để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp như: Chất lượng nguồn nhân lực khu vực nông thôn thấp; năng lực ứng dụng, hấp thụ các công nghệ của doanh nghiệp còn hạn chế; chính sách hỗ trợ cho nghiên cứu, ứng dụng KHCN còn nhiều bất cập; hệ thống quản lý nhà nước thiếu đồng bộ...

Để khắc phục những yếu tố này, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn cho rằng, Việt Nam cần chú trọng nâng cao trình độ cán bộ kỹ thuật, quản trị công nghệ và quản lý, quản trị doanh nghiệp; nâng cao chất lượng đào tạo đại học, cao đẳng, dạy nghề để cung ứng lực lượng lao động chất lượng cao cho các doanh nghiệp...

Còn theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp - PTNT Hà Công Tuấn, công nghiệp lần thứ tư là yếu tố quan trọng đẩy nhanh cơ cấu lại ngành nông nghiệp với ba trụ cột chính. Một là ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa. Hai là thúc đẩy tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết theo mô hình doanh nghiệp là hạt nhân liên kết, tổ chức sản xuất với hộ nông dân, trang trại, hợp tác xã để ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và quản trị chu trình sản xuất hàng hóa, truy xuất nguồn gốc, bảo đảm an toàn thực phẩm, gắn với hình thành thương hiệu, phát triển thị trường và bền vững với môi trường. Ba là cải cách thể chế thực chất, nghiêm túc, hiệu quả hơn, tạo môi trường minh bạch, giảm thủ tục hành chính để doanh nghiệp, nhà sản xuất khu vực trong và ngoài nhà nước đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, hội nhập kinh tế quốc tế tiếp cận và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp, tiến tới một nền nông nghiệp thông minh, bền vững.

Từ thực trạng nước ta hiện nay, Thứ trưởng Hà Công Tuấn đánh giá, nông nghiệp khó có thể ứng dụng 4.0 theo phương thức “dàn hàng ngang” cùng tiến, mà phải lựa chọn công nghệ phù hợp áp dụng đối với mỗi loại sản phẩm phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội mỗi vùng, miền.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng thành tựu công nghiệp 4.0 vào sản xuất nông nghiệp Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO