Tập trung đầu tư nghiên cứu, ứng dụng để mở đường cho KH & CN của tỉnh phát triển

Lê Dung thực hiện| 18/05/2017 10:07

Nhân Ngày Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Việt Nam (18/5), phóng viên (PV) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Phạm Ngọc Danh, Giám đốc Sở KH&CN về một số nội dung liên quan tới hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo

Ông Phạm Ngọc Danh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ

PV: Ông có thể đánh giá khái quát về những kết quả nổi bật của hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh trong năm qua?

Ông Phạm Ngọc Danh: Hoạt động KH&CN trên địa bàn tỉnh trong năm vừa qua diễn ra khá toàn diện và đạt nhiều kết quả rõ rệt trên tất cả các lĩnh vực như: Hoạt động nghiên cứu, ứng dụng KH&CN; công tác thông tin, thống kê KH&CN; hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng…

Theo đó, trên tinh thần các văn bản hướng dẫn quản lý của Trung ương, nhất là luật KH&CN sửa đổi năm 2013, ngành KH&CN đã kịp thời cụ thể hóa, tham mưu cho tỉnh ban hành 12 văn bản các loại; từ đó tạo được hành lang pháp lý, phục vụ công tác quản lý hoạt động KH&CN tại địa phương. Trong đó, các khâu trong công tác quản lý từ đề xuất, tuyển chọn, giao trực tiếp, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN ngày càng được đổi mới, hướng tới hiệu quả ứng dụng của kết quả nghiên cứu.

Đặc biệt, công tác “đặt hàng” thực hiện nhiệm vụ KH&CN ngày càng được chú trọng, hướng tới giải quyết những vấn đề bức xúc của các sở, ngành, địa phương, nâng cao hiệu quả chuyển giao, ứng dụng, tính thực tiễn của nhiệm vụ KH&CN. Về cơ chế tài chính cũng đã có nhiều đổi mới. Theo đó, các phương thức khoán chi từng phần và khoán chi đến sản phẩm cuối cùng được áp dụng.

Mặt khác, trong những năm qua, bám sát định hướng phát triển chung của tỉnh, hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã tập trung vào những vấn đề lớn, mang tính chiến lược, phục vụ cho quá trình phát triển của địa phương. Nhiều đề tài khoa học được ngành triển khai sát với thực tiễn. Trong đó, cùng với vấn đề chọn tạo giống cây trồng, quy trình chăm sóc, chế biến sản phẩm sau thu hoạch, nâng cao giá trị sản phẩm, tạo tính ổn định bền vững, ngành đã triển khai Đề tài “Hoàn thiện quy trình sản xuất Piperine và tích hợp công nghệ thu tinh dầu trong quá trình chế biến tiêu trắng”…; triển khai Đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống giám sát và cảnh báo hạn hán tỉnh Đắk Nông”...

Ngoài ra, thông qua triển khai nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng của ngành, các nhiệm vụ KH&CN cũng tập trung đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, để tạo ra các giống cây trồng có năng suất, chất lượng bằng phương pháp nuôi cấy mô như: Khoai lang Nhật Bản, nấm linh chi đỏ, hoa cúc… từng bước có thể nhân rộng, thương mại hóa sản phẩm…

ADQuảng cáo

PV: Để thực hiện chủ đề của Ngày KH&CN năm 2017 là “Khoa học- Chìa khóa của tương lai”, ngành đã và đang tập trung triển khai những phần việc cụ thể gì, thưa ông?

Ông Phạm Ngọc Danh: Cùng với giáo dục và đào tạo, chúng ta cũng đã xác định KH&CN là quốc sách hàng đầu, là động lực để phát triển kinh tế, xã hội. Điều này cũng đã thể hiện trong các văn bản chỉ đạo của Trung ương và địa phương. Đặc biệt, đối với tỉnh Đắk Nông, vấn đề này được thể hiện qua Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 2/8/2013 của Tỉnh ủy về Phát triển KH&CN đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Vì vậy, trong năm 2017, tỉnh cũng đã có nhiều định hướng nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến cán bộ, người dân về vai trò, vị trí của KH&CN trong đời sống. Trên cơ sở đó, ngành đã thúc đẩy, đưa nhanh việc ứng dụng và chuyển giao KH&CN vào thực tiễn cuộc sống. Tập trung lựa chọn công nghệ, thiết bị  phù hợp để đưa vào áp dụng, đồng thời xây dựng các mô hình trình diễn về nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sản phẩm theo chiều sâu và liên kết các chuỗi giá trị sản phẩm.

Cụ thể, trong năm 2017, ngành KH&CN sẽ lựa chọn một số doanh nghiệp để tập trung hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao công nghệ như lĩnh vực chế biến hồ tiêu thông qua Công ty Cổ phần Đầu tư và Xuất nhập khẩu An Phong (Đắk Song). Trong chế biến lâm sản, ngành tập trung hỗ trợ cho Nhà máy MDF ở Đắk Song tham gia chương trình nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm hàng hóa, áp dụng các tiêu chuẩn mới… Hy vọng, việc tập trung đầu tư nghiên cứu, ứng dụng này sẽ là “chìa khóa” mở đường cho việc phát triển KH&CN của tỉnh nhà trong tương lai.

Cán bộ Trạm Ứng dụng và Phát triển công nghệ sinh học ở xã Quảng Tín (Đắk R'lấp) kiểm tra mẫu cây lan giống tại phòng thí nghiệm

PV: Nguồn nhân lực về con người của ngành KH&CN như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Ngọc Danh: Trong thời gian qua, tỉnh cũng đã rất chú trọng tới việc đầu tư nguồn nhân lực cho phát triển KH&CN thông qua các chương trình, thực hiện các chính sách cụ thể. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 300 cán bộ có trình độ thạc sĩ trở lên; trong đó, có 2 tiến sĩ. Một số cán bộ trực tiếp tham gia lĩnh vực KH&CN, một số khác trực tiếp tham gia công tác quản lý. Nhìn chung, đội ngũ cán bộ KH&CN ngày càng được kiện toàn, củng cố và tăng cường, từng bước đáp ứng nhu cầu quản lý nghiên cứu khoa học và triển khai ứng dụng…

Tuy nhiên, hiện nay con người thực hiện nhiệm vụ KH&CN ở cơ sở của tỉnh vẫn còn thiếu. Cụ thể như các phòng kinh tế - hạ tầng của huyện, thị xã, chức năng, nhiệm vụ rộng, nhưng biên chế lại có hạn, từ 5-7 người. Vì vậy, cán bộ chuyên trách để làm nhiệm vụ KH&CN thiếu, dẫn đến hạn chế trong việc tham mưu, theo dõi hoạt động ở cơ sở. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ KH&CN đã được đào tạo, bồi dưỡng, có kinh nghiệm, nhưng lại thường xuyên thay đổi vị trí công tác, dẫn đến nhiều bất cập trong công tác sắp xếp cũng như mang lại hiệu quả cho công việc…  

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung đầu tư nghiên cứu, ứng dụng để mở đường cho KH & CN của tỉnh phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO