Hoạt động khoa học công nghệ góp phần đắc lực vào những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh

Thanh Nga| 16/05/2019 09:27

Kỷ niệm Ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5), hướng tới kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập ngành Khoa học và Công nghệ (KHCN) Việt Nam (1959-2019) là dịp tôn vinh các nhà khoa học và thành tựu KHCN. Riêng với tỉnh Đắk Nông, hoạt động của các lĩnh vực KHCN đã có những đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, góp phần đắc lực vào những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh.

ADQuảng cáo

Đổi mới hoạt động quản lý KHCN

Ngành KHCN của tỉnh chủ trì và tham gia xây dựng, đề xuất các chính sách, quy hoạch, chương trình, đề án làm cơ sở để tỉnh ban hành các chủ trương, chính sách, nghị quyết về lĩnh vực KHCN. Trong đó, đáng chú ý là Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về Đề án “Chiến lược KHCN tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 và tầm nhìn 2030"; Nghị quyết số 12-NQ/TU, ngày 2/8/2013 về “Phát triển KHCN đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”; Chương trình hành động số 07-CT/TU, ngày 16/3/2006, thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương về “Đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Ông Lê Trọng Nghĩa (bên trái) ở xã Trường Xuân (Đắk Song) đầu tư máy bay không người lái để chăm sóc 30 ha dó bầu trồng trên vùng đất trống, đồi trọc

Để đáp ứng yêu cầu, việc quản lý, xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ KHCN được đổi mới theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Vấn đề tuyển chọn, giao trực tiếp, nghiệm thu nhiệm vụ KHCN ngày càng chặt chẽ, tăng hiệu quả ứng dụng của kết quả nghiên cứu. Cơ chế quản lý các tổ chức KHCN theo hướng xã hội hóa và gắn kết với sản xuất, kinh doanh. Cơ chế quản lý tài chính đối với hoạt động KHCN thực hiện theo tinh thần của luật KHCN năm 2013 và các văn bản hướng dẫn, từ đó đơn giản hóa thủ tục tài chính, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức, cá nhân chủ động hơn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ và giảm bớt các khâu trung gian không cần thiết.

Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn quản lý KHCN cấp tỉnh, huyện từng bước được củng cố theo hướng tinh gọn hiệu lực, hiệu quả. Công tác đào tạo, quy hoạch, phát triển nguồn nhân lực KHCN luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp lãnh đạo. Thông qua các chiến lược, quy hoạch nguồn nhân lực, chủ trương, chính sách thu hút, đãi ngộ nhân tài, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đội ngũ cán bộ KHCN trong tỉnh ngày càng tăng về số lượng và chất lượng. Đến nay, trong tổng số trên 17.360 cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh có 4 tiến sỹ, 443 thạc sỹ, 8.724 đại học và 2.098 cao đẳng.

Công tác hợp tác, liên kết với các viện nghiên cứu, trường đại học đã được chú trọng. Thông qua quá trình hợp tác nghiên cứu đã tiếp thu, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, phù hợp, góp phần phục vụ phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Nông dân thị xã Gia Nghĩa ứng dụng khoa học công nghệ vào trồng ổi, đem lại năng suất, chất lượng cao

ADQuảng cáo

Phát huy hiệu quả của KHCN trong đời sống

Hoạt động KHCN của tỉnh triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực cả về cơ chế quản lý, nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đem lại hiệu quả kinh tế quan trọng.

Giai đoạn 2004-2018, tỉnh Đắk Nông triển khai thực hiện 219 nhiệm vụ KHCN với tổng kinh phí sự nghiệp khoa học trên 70 tỷ đồng. Hoạt động ứng dụng KHCN được triển khai toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực trong đời sống.

Trong sản xuất nông-lâm nghiệp, các giống mới năng suất cao, chất lượng tốt được đưa vào, thay thế các giống kém chất lượng; trong đó có các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh như cà phê, hồ tiêu, cao su, bò thịt... Các ngành, địa phương và người dân ngày càng chú trọng ứng dụng công nghệ cao như nuôi cấy mô, nhà màng, nhà lưới, tưới nhỏ giọt… để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển bền vững. Thông qua việc ứng dụng các thành tựu KHCN vào sản xuất làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, góp phần tăng trưởng ngành nông nghiệp của tỉnh. Riêng năm 2018, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 5,96%; tổng giá trị gia tăng (giá 2010) đạt 8.288 tỷ đồng. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất trồng trọt tăng từ 34.91 triệu đồng (năm 2010) lên trên 80 triệu đồng/ha (năm 2017).

Lĩnh vực giáo dục và đào tạo cũng quan tâm đầu tư ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về công nghệ thông tin trong giảng dạy, giúp đội ngũ giáo viên truyền đạt kiến thức và học sinh tiếp cận kiến thức hiệu quả cao. Các hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường phổ thông được chú trọng đẩy mạnh, từ đó tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị thực tiễn mang tính ứng dụng cao.

Trong lĩnh vực công nghiệp, năng lượng, xây dựng, cơ khí… tỉnh Đắk Nông có bước phát triển quan trọng. Nhiều công nghệ mới được ứng dụng và triển khai như công nghệ biogas, công nghệ tự động hóa khâu bổ sung nhiên liệu lò nung liên tục kiểu đứng sản xuất gạch ngói, công nghệ chế biến bảo quản nông sản quy mô vừa và nhỏ, công nghệ dệt hoa văn trên thổ cẩm…

Lĩnh vực y tế và chăm sóc sức khỏe cộng đồng nhận chuyển giao các kỹ thuật hiện đại và triển khai ứng dụng công nghệ hiện đại trong phát hiện chẩn đoán và điều trị bệnh, như kỹ thuật chạy thận nhân tạo, phẫu thuật nội soi, vi phẫu, tạo dây chằng khớp gối, nối mạch máu thần kinh, khâu vết thương tim hở…

Ngành Y tế thường xuyên cập nhật, nghiên cứu thử nghiệm, sử dụng các loại dược liệu quý nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân.

Có thể thấy, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tỉnh luôn quan tâm đến phát triển KHCN. Hoạt động của các lĩnh vực KHCN góp phần đắc lực vào những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh như chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp, bảo vệ môi trường, y tế, giáo dục, văn hoá... theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoạt động khoa học công nghệ góp phần đắc lực vào những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO