Cô gái trẻ mạnh dạn khởi nghiệp với sản phẩm cà phê dây

Đức Hùng| 02/02/2021 08:31

Tự mày mò, sáng tạo, cô gái trẻ ở Thuận An đã khởi nghiệp và cho ra đời sản phẩm cà phê dây có chất lượng, giá trị cao trên thị trường.

ADQuảng cáo

Sau khi tốt nghiệp THPT, Nguyễn Thị Thu Uyên (SN 1996), thôn Thuận Nam, xã Thuận An (Đắk Mil), theo học nghề đầu bếp. Thế nhưng, sau khi ra trường, Uyên lại khởi nghiệp bằng con đường sản xuất cà phê.

Uyên kể, gia đình cô sản xuất cà phê dây đã nhiều năm. Đây cũng là cây trồng mang lại thu nhập chính cho gia đình, nhưng sản phẩm lại rất khó tiêu thụ. Điều này khiến cho Uyên bắt đầu tò mò, tìm hiểu sâu về các đặc tính của loại cây trồng này.

Uyên đã tự lên mạng tìm hiểu về cà phê dây, đọc các tài liệu liên quan và học cách kiểm tra chất lượng cà phê. Quá trình tìm hiểu giúp Uyên thay đổi dần quy trình chăm sóc cà phê dây theo hướng tự nhiên, sinh học. Đến kỳ thu hoạch, Uyên hái cà phê chín 85%. Sau đó, cô lựa chọn những trái cà phê chín hoàn toàn để xay ướt và phơi trên sàn lưới.

Cà phê được hái chín và tuyển lựa kỹ để có nguyên liệu chất lượng

Năm 2018, để khẳng định chất lượng cà phê dây của gia đình đang sản xuất, Uyên đã gửi mẫu tham gia cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam tại TP. Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Tại cuộc thi, Uyên đã trực tiếp làm nguyên liệu, pha chế sản phẩm cà phê dây dưới sự kiểm nếm của các chuyên gia cà phê trong nước và quốc tế. Kết quả chung cuộc, sản phẩm cà phê dây của Uyên được đánh giá 8.1 điểm, đạt tiêu chuẩn cà phê đặc sản.

Năm 2019, Uyên tiếp tục mang nguyên liệu cà phê dây của gia đình đi dự thi và kết quả đạt cà phê đặc sản với 8.2 điểm. Kết quả 2 cuộc thi đã kích thích sự tò mò, sáng tạo của Uyên đối với sản phẩm cà phê dây. Sau đó, Uyên đã dành thời gian, công sức tìm hiểu và đăng ký theo học các khóa pha chế, thử nếm, rang xay, kiểm soát sơ chế cà phê...

ADQuảng cáo

Uyên tâm sự, ưu điểm lớn nhất của cà phê dây là độ caphein cao hơn gấp 2,5 lần; độ axit, độ đường cao hơn, hương vị nhiều hơn so với các loại cà phê khác. Cà phê dây có vị chua đặc trưng, khiến nhiều người thưởng thức đều nhận ra ngay. "Giờ tôi đã hiểu về cà phê dây và đang áp dụng nhiều cách để khai thác những giá trị tốt nhất của nó", Uyên chia sẻ.

Cà phê được phơi trong điều kiện phù hợp để giữ được chất lượng

Quy trình sản xuất thuận tự nhiên, sinh học được Uyên áp dụng để sản xuất cho 2,5 ha cà phê của gia đình. Uyên còn đầu tư hơn 1.500m2 đất để làm nhà lưới, nhà kho, khu vực chế biến sản phẩm cà phê. Có nguyên liệu chất lượng, Uyên đầu tư mua sắm máy chế biến cà phê ướt, máy rang xay, pha chế...

Thời gian qua, sản phẩm cà phê nhân của gia đình Uyên bán được với giá từ 55.000 - 75.000 đồng/kg, cao hơn giá thị trường từ 20.000 - 40.000 đồng/kg. Đặc biệt, Uyên đã có thể tuyển lựa được những mẻ cà phê đạt tiêu chuẩn đặc sản để bán ra thị trường.

Sản phẩm cà phê bột của Uyên đã được đăng ký mẫu mã, kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm. Hiện nay, Uyên đang từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, kết nối bạn hàng, phát triển sản xuất và chế biến. Uyên đang áp dụng nhiều công thức rang xay, pha chế tối ưu để nâng cao hơn nữa giá trị sản phẩm cà phê dây.

Uyên tự mày mò học cách pha chế cà phê

Với việc nâng cao hiệu quả, chất lượng của hạt cà phê sau thu hoạch và tiến tới chế biến sâu, cô gái trẻ Nguyễn Thị Thu Uyên đang mở ra nhiều hướng để tiếp cận thị trường. Điều này sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê ở Thuận An.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cô gái trẻ mạnh dạn khởi nghiệp với sản phẩm cà phê dây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO