Tuy Ðức phát triển mắc ca theo hướng hàng hóa

Hưng Nguyên| 26/10/2022 08:42

Mắc ca là một trong những loại cây trồng chủ lực ở Tuy Đức. Cây trồng này đã góp phần giảm nghèo hiệu quả, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số. Hiện nay, huyện đang phát triển mắc ca theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất.

HTX Nông nghiệp dịch vụ Long Việt, xã Quảng Trực (Tuy Đức), có vùng nguyên liệu mắc ca hơn 165 ha, sản lượng mỗi năm khoảng 160 tấn. Từ nhiều năm nay, HTX đã đầu tư máy sấy, máy tách vỏ, máy chẻ hạt… để chế biến các sản phẩm từ mắc ca.

Hiện nay, với 2 máy sấy hoạt động, cứ 3 ngày, HTX lại cho ra lò 1 tấn mắc ca sấy khô. Sau khi hoàn thành khâu chế biến, HTX đóng gói và bán sản phẩm ra thị trường trong, ngoài tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Giám đốc HTX cho biết, từ nhiều năm nay, HTX không bán sản phẩm mắc ca thô ra thị trường. Qua chế biến, HTX đã nâng giá trị sản phẩm lên khoảng 30% so với bán thô.

Ngoài ra, việc chế biến tới công đoạn cuối cùng cũng giúp HTX xây dựng được nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm mắc ca, tạo chỗ đứng ổn định trên thị trường.

Mắc ca đang trở thành cây trồng chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao ở Tuy Đức

Sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm mắc ca đã mang lại nguồn thu nhập cao cho các hộ dân. Đơn cử như hộ ông P’lao, bon Bu P'răng 1, xã Quảng Trực, trồng 200 cây mắc ca.

Hiện mỗi năm, ông thu được gần 2 tấn hạt mắc ca. Ông bán mắc ca cho HTX với mức giá dao động từ 70.000 - 90.000 đồng/kg. Bình quân mỗi năm, ông thu về tầm 140-180 triệu đồng từ vườn mắc ca.

"Việc tiêu thụ mắc ca ngày càng dễ dàng hơn nhờ có các HTX, cơ sở thu mua tại địa phương. Nguồn thu nhập từ mắc ca đã giúp gia đình tôi vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống ổn định", ông P’lao cho biết.

Sau nhiều năm phát triển, đến nay, huyện Tuy Đức đã có 1.930 ha mắc ca, trong đó 973 ha đang ở thời kỳ cho thu hoạch. Sản lượng mắc ca trong năm 2022 của huyện ước đạt khoảng trên 650 tấn.

Giá bán hạt mắc ca tươi hiện nay ở Tuy Đức dao động từ 80.000 - 100.000 đồng/kg. Mỗi ha mắc ca ở Tuy Đức cho thu hoạch bình quân khoảng 1 tấn quả/năm.

Với giá bán hiện nay, mắc ca mang lại cho nông dân nguồn thu nhập từ 80 – 100 triệu đồng/năm. Đây là mức thu nhập khá cao so với các loại cây trồng khác hiện nay.

Huyện Tuy Đức hiện có 8 cơ sở tham gia vào hoạt động thu mua, sơ chế, chế biến quả, hạt mắc ca. Trong đó, các cơ sở chủ yếu tạo ra các sản phẩm mắc ca sấy khô đóng hộp để xuất bán ra thị trường.

Giá bán mắc ca sấy khô dao động từ 220.000 – 250.000 đồng/kg. Một số cơ sở đã bước đầu đầu tư công nghệ, tham gia vào hoạt động chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm mắc ca có giá trị cao như: tinh dầu mắc ca, sữa mắc ca...

Phát triển mắc ca theo hướng hàng hóa, chất lượng cao là mục tiêu của huyện Tuy Đức

Bà Phạm Thị Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức cho biết, mắc ca đang trở thành cây trồng chủ lực, mang lại nguồn thu nhập cao cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Mắc ca qua chế biến giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tạo thương hiệu trên thị trường. Thời gian tới, huyện sẽ triển khai đăng ký nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm mắc ca Tuy Đức.

Huyện xây dựng, hình thành vùng nguyên liệu mắc ca có đăng ký mã vùng trồng, hướng tới thị trường xuất khẩu. Huyện sẽ phối hợp với Sở NN-PTNN xây dựng vườn giống mắc ca; mô hình nâng cao năng suất mắc ca bằng kỹ thuật ức chế ra hoa.

Tuy Đức hiện có 2 sản phẩm mắc ca đạt OCOP hạng 3. Huyện sẽ xúc tiến, hỗ trợ để 2 sản phẩm này đạt hạng 4 sao. Huyện tiến hành thu hút đầu tư xây dựng các cơ sở chế biến, từ đó nâng cao giá trị các sản phẩm mắc ca.

Cùng với việc bố trí quỹ đất phục vụ thu hút đầu tư các nhà máy chế biến, tiêu thụ mắc ca, huyện cũng kết nối, tạo điều kiện để hình thành mô hình sản xuất, liên kết tiêu thụ mắc ca trên địa bàn.

Giai đoạn 2022 - 2025, huyện Tuy Ðức có kế hoạch trồng khoảng 3.000 ha mắc ca, trong đó trồng thuần 800 ha, trồng xen canh 2.200 ha. Giai đoạn 2026 – 2030, huyện trồng khoảng 5.500 ha mắc ca, trong đó, trồng thuần 1.385 ha, trồng xen canh 4.115 ha. Huyện hình thành các vùng sản xuất mắc ca tập trung trên địa bàn xã Quảng Trực, Ðắk Búk So, Quảng Tâm, Ðắk R’tíh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Ðức phát triển mắc ca theo hướng hàng hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO