Tuy Đức dần hình thành các vùng sản xuất tập trung

Đức Hùng| 15/03/2022 09:05

Thời gian qua, huyện Tuy Đức đã triển khai đồng bộ các giải pháp để hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Điều này giúp huyện từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Gia đình anh Trần Thanh Tuấn, ở thôn 9, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) có 16 ha đất sản xuất rau quả. Trên diện tích canh tác của mình, anh đã quy hoạch thành các phân khu để thuận lợi cho việc đưa máy móc vào hoạt động sản xuất.

Hàng năm, anh luân canh sản xuất các loại rau, đưa nhiều giống mới vào canh tác để tăng hiệu quả kinh tế, giảm sâu bệnh. Anh cũng liên kết với nhiều hộ sản xuất rau quả khác trên địa bàn để tạo vùng nguyên liệu tập trung.

Nhờ tạo dựng được vùng nguyên liệu có quy mô lớn, nên việc tiêu thụ sản phẩm của anh Tuấn và các hộ liên kết tương đối thuận lợi. Mức giá bán sản phẩm của các hộ cũng ổn định.

Tuy Đức đã hình thành được vùng sản xuất mắc ca tập trung với quy mô 1.300 ha

Theo ông Nguyễn Văn Anh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đắk Búk So, thời gian qua, xã đã định hướng cho người dân bám sát quy hoạch, các chương trình chung để phát triển nông nghiệp.

Trong đó, xã đã hình thành được các vùng sản xuất tập trung như mắc ca, khoai lang, rau củ… "Xã đã hình thành được một số vùng nguyên liệu quy mô lớn để kết nối thị trường tiêu thụ. Sản xuất nông nghiệp của bà con cũng vì thế mà ổn định hơn", ông Anh chia sẻ.

Theo lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức, trên địa bàn hiện có gần 105.000 ha đất nông nghiệp. Hơn 80% dân số của huyện sống dựa vào sản xuất nông nghiệp. Do đó, huyện có nhiều lợi thế để phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng quy mô hàng hóa.

Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, huyện Tuy Đức dựa vào các tiểu vùng với nhiều tiềm năng, thế mạnh để định hướng phát triển sản xuất. Trên cơ sở định hướng, quy hoạch, các xã đã đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành các vùng chuyên canh để tập trung sản xuất.

Vùng sản xuất rau, củ tập trung ở xã Đắk Búk So tạo thuận lợi về đầu ra

Hiện nay, huyện đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn. Trong đó, có 3 vùng sản xuất điều tại xã Đắk Ngo, Quảng Tân, Quảng Trực, với tổng diện tích hơn 4.086 ha.

Huyện cũng có 2 vùng sản xuất bắp cải xanh tại xã Đắk Búk So và Quảng Tâm, với quy mô hơn 700 ha; 3 vùng sản xuất khoai lang tại xã Quảng Tâm, Quảng Trực, Đắk Búk So, tổng quy mô hơn 900 ha.

Tuy Đức có vùng sản xuất mắc ca gần 1.300 ha tập trung trên địa bàn xã Đắk Búk So, Quảng Tâm và Quảng Trực. Huyện có vùng trồng bơ, sầu riêng tập trung tại xã Quảng Tân, Quảng Tâm, Đắk Ngo, Đắk Búk So, với khoảng 1.279 ha…

Ngoài sản xuất tập trung, bà con còn tích cực sử dụng các giống mới có năng suất chất lượng cao vào sản xuất. Chẳng hạn, đối với cây cà phê, bà con sử dụng giống cao sản TR4, TR9, TRS, xanh lùn... để thay thế các giống cũ năng suất thấp.

Người dân trên địa bàn cũng áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường như: VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... Các công nghệ tưới nhỏ giọt, phun sương... cũng được nhiều người dân sử dụng để chăm sóc cây trồng.

Tốc độ tăng trưởng bình quân của ngành Nông nghiệp huyện Tuy Ðức giai đoạn 2015-2020 đạt 7,5%/năm. Trong đó, trồng trọt tăng 9,3%/năm, chăn nuôi 4,5%/năm và dịch vụ nông nghiệp 8,6%/năm. Năm 2021, ngành nông, lâm, thủy sản đạt trên 2.401 tỷ đồng, tăng 13,9 % so với năm 2020. Giá trị sản xuất bình quân đạt 80 triệu đồng/ha đất.

Theo ông Trần Vĩnh Phú, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, ngành Nông nghiệp huyện tiếp tục tập trung đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng chuyển giao khoa học công nghệ, khuyến nông. Huyện cũng huy động nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, quy mô lớn.

Trên cơ sở quy hoạch, định hướng, huyện sẽ tiếp tục đưa các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Từ đó, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm nông nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuy Đức dần hình thành các vùng sản xuất tập trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO