Tín dụng ưu đãi: Động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn

Phan Tuấn| 16/07/2018 10:03

Sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, nhiều hộ gia đình và doanh nghiệp ở huyện Tuy Đức đã có tạo điều kiện thuận lợi để phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhờ chính sách này, không ít hộ gia đình đã vươn lên làm giàu và đóng góp tích cực cho sự phát triển tại địa phương.

ADQuảng cáo

Nhờ nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, anh Trần Văn Cường đã đầu tư phát triển sản xuất có hiệu quả

Những năm qua, gia đình anh Trần Văn Cường, ở thôn 1, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) thường xuyên đến Phòng Giao dịch Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) huyện Tuy Đức để vay vốn theo Nghị định 55. Từ nguồn vốn vay 500 triệu đồng, anh Cường đầu tư mua phân bón cải tạo cho 3 ha cà phê và hồ tiêu. Đồng thời anh đầu tư trồng xen canh các loại cây ăn quả như bơ, sầu riêng tại vườn cà phê. Nhờ đó, thu nhập của gia đình anh luôn ổn định. Năm nay các loại cây trồng như: cà phê, hồ tiêu của gia đình đậu trái khá nhiều, dự kiến thu về 10 tấn cà phê nhân, 5 tấn hồ tiêu.

Với giá cả như hiện nay, trừ chi phí đầu tư, anh Cường sẽ thu về khoảng 500 triệu đồng. “Nguồn vốn của Nghị định 55 với lãi suất ưu đãi thực sự cần thiết đối với nông dân để phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình”, anh Cường cho biết.

Tương tự, gia đình bà Trần Thị Uyên, ở thôn 3, xã Đắk Búk So (Tuy Đức), cũng vay 1,2 tỷ đồng theo Nghị định 55 để kinh doanh phân bón, nông sản. Bà Uyên chia sẻ: “Vào thời kỳ cao điểm, gia đình tôi nhập gần 300 tấn phân bón, 200 tấn cà phê nhân, với số tiền vốn lên đến hàng tỷ đồng. Đa phần người dân đều đợi đến thời kỳ thu hoạch cà phê mới trả tiền mua phân bón cho người kinh doanh. Vì vậy, những năm qua, gia đình đều vay vốn theo Nghị định 55 nhằm chủ động giao dịch, buôn bán. Cũng nhờ nguồn vốn vay này, gia đình cảm thấy thuận lợi, tự tin hơn trong buôn bán”.

ADQuảng cáo

Từ nguồn vốn chương trình Nghị định 55, bà Trần Thị Uyên, thôn 3, xã Đắk Búk So (Tuy Đức) mạnh dạn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh

Cũng theo ông Tâm, hiện nay hạn mức cho vay đối với cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp đã nới rộng đáng kể. Cụ thể, hiện nay cá nhân, hộ gia đình, doanh nghiệp có thể được vay từ 50 triệu đồng đến 3 tỷ đồng mà không cần tài sản thế chấp. Nhờ sự cơ động này, các hộ nông dân, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư mua sắm máy móc, trang thiết bị phục vụ nông nghiệp hoặc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Thành Tâm, Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng NN và PTNT huyện Tuy Đức, Nghị định 55 đã đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, phát triển nông thôn. Tính đến tháng 7/2018, Phòng Giao dịch huyện Tuy Đức đã giải ngân 400 tỷ đồng theo Nghị định 55, tăng 31% so với cùng kỳ năm 2017.

Điều đáng phấn khởi là nợ xấu từ mức 2,5 tỷ đồng năm 2017 nay giảm xuống còn 1,5 tỷ đồng. Thời gian qua, Phòng Giao dịch huyện Tuy Đức đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương kịp thời “khơi thông” nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân trên địa bàn huyện.

Theo đánh giá của UBND huyện Tuy Đức, nguồn vốn vay theo Nghị định 55 đang là động lực to lớn cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn. Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân vay vốn và sử dụng nguồn vốn này đúng mục đích, đạt hiệu quả cao hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng ưu đãi: Động lực phát triển nông nghiệp, nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO