Phát huy mọi nguồn lực để phát triển đồng bộ, bền vững

Hà An| 12/02/2015 10:59

Tuy xuất phát điểm thấp nhưng những năm qua, cán bộ và nhân dân huyện Tuy Đức đã phát huy sức mạnh nội lực, tranh thủ tốt nguồn lực đầu tư để phục vụ mục tiêu phát triển theo hướng đồng bộ, bền vững. Những kết quả đạt được trên các lĩnh vực bước đầu khẳng định thành quả từ sự đồng lòng, chung sức của toàn huyện trên lộ trình phát triển.

ADQuảng cáo

Dấu ấn từ những con số

Kết thúc năm 2014, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tuy Đức lại thêm một năm nữa ghi nhận nhiều thắng lợi với những tín hiệu vui từ các con số. Đó là, tăng trưởng kinh tế của huyện đạt khá và giữ tốc độ ổn định với mức tăng gần 14%; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, an ninh trật tự và an sinh xã hội được đảm bảo.

Cơ sở hạ tầng đang từng bước được đầu tư

Cụ thể, tổng giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trên địa bàn năm 2014 ước đạt trên 1.439 tỷ đồng, tăng trên 13% so với năm 2013. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn huyện ước đạt 40 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch giao; chi ngân sách đạt 243,5 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2013. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên trong mấy năm gần đây, tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ trên địa bàn huyện đạt mức tăng cao với 25%. Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn trong năm cũng đạt hơn 635 tỷ đồng, tăng gần 7% so với năm 2013…

 Bên cạnh lĩnh vực kinh tế, các lĩnh vực khác cũng đang được Đảng bộ, chính quyền huyện quan tâm đúng mức. Một số mục tiêu đặt ra trong năm như tỷ lệ bon, buôn có từ 1 - 2 km đường nhựa; tỷ lệ hộ dân dùng điện, nước hợp vệ sinh; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng… đều đạt và vượt kế hoạch. Mặc dù là huyện khó khăn, hạ tầng còn yếu kém nhưng một số lĩnh vực như giáo dục, y tế có có những bước phát triển khá. Trong năm, 100% trẻ em trên địa bàn được tiêm chủng mở rộng; 100% trẻ em  5 tuổi được đến trường. Đây thực sự là cả một nỗ lực lớn của địa phương trong việc từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Tập trung phát triển nông nghiệp, nông thôn

Xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những mục tiêu hàng đầu trong lộ trình phát triển, những năm qua, huyện Tuy Đức đã kết hợp, phát huy nhiều chương trình, dự án cộng với nhiều chủ trương và chính sách ưu tiên của huyện nên bộ mặt nông thôn trên địa bàn đang có những thay đổi tích cực.

Năm 2014 được xem là “năm làm cầu” của huyện Tuy Đức. Với đặc thù là địa bàn có nhiều con suối chia cắt nên Tuy Đức là một trong những địa phương trên địa bàn tỉnh “sở hữu" nhiều cây cầu tạm nhất. Vì vậy, năm 2014, huyện quyết tâm là phải “xóa” được khoảng 20 cây cầu tạm, thay vào đó là xây dựng các cây cầu kiên cố, đảm bảo an toàn đi lại cho nhân dân. Đến cuối năm, từ nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, người dân đã góp tiền, công sức xây dựng được tổng số 21 cây cầu kiên cố với tổng vốn đầu tư hơn 7 tỷ đồng.

Không riêng kết quả làm cầu, qua thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn đang từng bước được đầu tư đồng bộ. Từ một huyện với cơ sở hạ tầng nông thôn yếu kém, đến nay, địa phương đã có 5/6 xã có đường ô tô đến trung tâm xã, thuận tiện cho việc lưu thông, đi lại của người dân.

Nhiều đường nông thôn ở các xã đã được bê tông hóa, hệ thống thủy lợi cơ bản đáp ứng được tưới tiêu. Điển hình như xã Quảng Trực, Đắk R’tíh hiện có trên 85% hệ thống kênh mương được cứng hóa. Các đơn vị trường học trên địa bàn đã được xây dựng theo quy hoạch, đảm bảo diện tích khuôn viên, đầu tư đủ phòng học. Tỷ lệ hộ nghèo trong toàn huyện mỗi năm giảm bình quân 2 - 3%.

Từ đây, các tiêu chí về xây dựng nông thôn mới hầu như ở con số không trong năm 2011 đến nay tăng bình quân mỗi xã từ 4 đến 5 tiêu chí. Song song với Chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện cũng đã lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án để phát triển như Dự án 3EM, ADS SPS, Flitch… và Chương trình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghệp. Từ đây, nhiều mô hình công nghệ cao đã xuất hiện và bước đầu mang lại hiệu quả, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp của người dân. Trong năm 2014, giá trị sản xuất nông - lâm nghiệp và thủy sản của huyện đạt trên 1.225 tỷ đồng, tăng 12,5% so với năm 2013.

ADQuảng cáo

Với chủ trương tận dụng quỹ đất, tổ chức khai hoang nhiều cánh đồng cho người dân sản xuất, cộng với tăng cường ứng dụng giống mới, khoa học kỹ thuật vào sản xuất nhằm đảm bảo an ninh lương thực, mấy năm gần đây, sản lượng lương thực trên địa bàn huyện luôn tăng. Cụ thể, trong năm 2014, sản lượng lương thực có hạt toàn huyện đạt hơn 5.000 tấn, tăng 908 tấn so với năm 2013, trong đó, sản lượng lúa đạt hơn 2.100 tấn, tăng 66 tấn và ngô 2.939 tấn.

Ngoài ra, sản lượng cây có củ trong năm toàn huyện cũng đạt 126.545 tấn, tăng 45 tấn so với năm 2013. Bên cạnh đó, diện tích và sản lượng các cây công nghiệp chủ lực trên địa bàn trong năm 2014 cũng tăng như cà phê đạt 36.446 tấn, tăng 45%; cao su đạt 1.916 tấn, tăng 46%; hồ tiêu đạt 990 tấn, tăng 17% so với năm 2013…

Đoàn y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho người dân huyện Ô Rang, tỉnh Mondulkiri (Campuchia)

Mở rộng, nâng cao công tác đối ngoại

Là huyện biên giới, tiếp giáp với huyện Orang, tỉnh Mondukiri (vương quốc Campuchia), thời gian qua, huyện Tuy Đức cũng đã chú trọng công tác ngoại biên, đẩy mạnh quan hệ ngoại giao, hợp tác toàn diện với huyện bạn, góp phần vun đắp tình đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa hai nước Việt nam - Campuchia.

Cụ thể là thực hiện kế hoạch hợp tác kinh tế, xã hội giai đoạn 2010 - 2015 giữa hai huyện đã ký kết, trong năm, huyện Tuy Đức tiếp tục hỗ trợ huyện bạn về giống cây trồng, khoa học, kỹ thuật trong phát triển nông nghiệp; tổ chức đoàn khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho người dân huyện Orang và khám, chữa bệnh cho đoàn cán bộ huyện bạn tại Bệnh viện Đa khoa huyện Tuy Đức.

Bên cạnh đó, để chương trình hợp tác ngày càng đi vào chiều sâu, giữa năm 2014, được sự đồng ý của tỉnh, huyện Tuy Đức đã chủ trì mời đoàn cán bộ cấp xã và cấp huyện Orang sang huyện Tuy Đức để trao đổi tình hình kinh tế, xã hội, an ninh trật tự khu vực vùng biên.

Qua đây, hai bên đã cung cấp cho nhau những thông tin cần thiết cũng như đề xuất, đưa ra định hướng hợp tác toàn diện trong phát triển kinh tế, đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm khu vực biên giới. Bên cạnh đó, hàng năm, các chuyến thăm, chúc mừng các ngày lễ, tết cổ truyền của hai nước đều được hai bên duy trì, góp phần gắn kết tình hữu nghị, giao lưu, quảng bá văn hóa, tiềm năng thế mạnh của các bên.

Từ việc nhận thức của người dân ngày một nâng cao nên các hoạt động đối ngoại nhân dân, giao lưu văn hóa của người dân khu vực vùng biên của hai huyện cũng ngày một thắm thiết. Thời gian qua, trên cơ sở tôn trọng luật pháp của hai quốc gia, quy ước vùng biên mà hai quốc gia đã thỏa thuận, chính quyền hai huyện Tuy Đức - Orang đã tạo mọi điều kiện trong hoạt động tư pháp để người dân khu vực vùng biên hai bên giao lưu văn hóa, qua lại thăm thân hoặc tham gia các ngày lễ tết, cưới hỏi. Từ việc củng cố vững chắc lòng dân vùng biên, các hoạt động ngoại giao hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, chính trị giữa hai huyện đang từng bước được mở rộng, nâng cao.

Có thể thấy, tuy đang gặp không ít khó khăn như hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ, trình độ, năng lực sản xuất của một bộ phận nhân dân chưa cao nhưng những kết quả đạt được trên các lĩnh vực cho thấy sự quyết tâm của cán bộ và nhân dân huyện Tuy Đức trong thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển.

Bước vào năm 2015, trên nền tảng những kết quả đạt được, huyện Tuy Đức đã đề ra mục tiêu chung là tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy mạnh các đột phá chiến lược, chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình sản xuất, nâng cao năng suất, hiệu quả năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng kinh tế theo hướng nhanh và bền vững.

Bên cạnh đó, lĩnh vực văn hóa, xã hội, an ninh trật tự cũng như an sinh xã hội, công tác đối ngoại tiếp tục được huyện quan tâm bằng những giải pháp thiết thực, cách thức, hình thức triển khai linh hoạt và quyết liệt, mang tính hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy mọi nguồn lực để phát triển đồng bộ, bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO