Nhiều dự án nông lâm nghiệp hoạt động không hiệu quả

Phan Tuấn| 26/09/2019 09:00

Hiện nay, trên địa bàn huyện Tuy Đức (Đắk Nông) có nhiều dự án đầu tư nông lâm nghiệp triển khai không hiệu quả, không đạt được các mục tiêu đã đề ra.

ADQuảng cáo

Đất rừng khoanh nuôi bảo vệ bị lấn chiếm

Tháng 2/2008, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 241/QĐ-UBND cho Công ty TNHH Thương mại đầu tư Long Sơn (Công ty Long Sơn) thuê quyền sử dụng đất và thuê rừng trên diện tích 1.079 ha tại tiểu khu 1535, thuộc địa giới hành chính xã Quảng Trực (Tuy Đức) để thực hiện dự án sản xuất nông lâm nghiệp. Trong đó, diện tích khoanh nuôi quản lý, bảo vệ  rừng là 507,7 ha; trồng cao su 441 ha; trồng điều 68,1 ha; trồng rừng là 62,2 ha. Thời gian thuê đất là 50 năm.

Nhiều diện tích đất của Công ty Long Sơn xảy ra tranh chấp với người dân

Đến nay, ngoài 441 ha cây cao su được trồng trong giai đoạn 2016 - 2017, hầu như Dự án không  được Công ty Long Sơn đầu tư gì thêm. Đến nay, Công ty Long Sơn có tiến hành trồng thêm một số diện tích bơ, hồ tiêu. Tuy nhiên, những loại cây trồng này đều không đúng với tiêu chí dự án mà Công ty Long Sơn đã đăng với UBND tỉnh.

Đặc biệt, đối với 507,7 ha rừng được giao để khoang nuôi, bảo vệ, Công ty đã để mất hầu như hoàn toàn. Theo đánh giá của UBND huyện Tuy Đức, đến thời điểm này, Công ty Long Sơn đã triển khai dự án không hiệu quả, không theo quy hoạch dự án. Tình trạng đất rừng bị lấn chiếm, tranh chấp kéo dài trong nhiều năm, diễn biến phức tạp, gây mất an ninh trật tự tại khu vực. Việc giải quyết tranh chấp đất đai của Công ty cũng để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng cho địa phương.

Tương tự, Dự án đầu tư nông lâm nghiệp của Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Kiến Trúc Mới (Công ty Kiến Trúc Mới), ở xã Quảng Trực, được UBND tỉnh thẩm định cho thuê 1.687 ha đất lâm nghiệp, trong đó có 55% là rừng tự nhiên. Ngoài việc đầu tư dự án, Công ty Kiến Trúc Mới được giao nhiệm vụ khoanh nuôi, quản lý, bảo vệ diện tích rừng trong dự án. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, đơn vị hầu như không triển khai dự án, hầu hết diện tích rừng được giao quản lý, bảo vệ đã bị phá; nhiều diện tích đất rừng bị lấn chiếm, dẫn đến tranh chấp kéo dài. Tại khu vực dự án thường xuyên xảy ra tình trạng tranh chấp, khiếu kiện, khiếu nại giữa các hộ dân, gây mất an ninh trật tự.

Tìm hướng xử lý

ADQuảng cáo

Trước thực trạng trên, UBND huyện Tuy Đức đã kiến nghị UBND tỉnh xử lý theo hướng: Đối với diện tích rừng được giao cho doanh nghiệp khoanh nuôi, quản lý, bảo vệ mà nay đã bị phá thì rà soát cụ thể để lập hồ sơ xử lý theo quy định. Sau đó, xem xét giá trị thiệt hại đối với diện tích rừng bị phá và yêu cầu chủ dự án bồi thường cho Nhà nước.

Cụ thể, đối với doanh nghiệp để mất rừng, nhưng đã trồng được rừng hoặc các loại cây dài ngày thì bồi thường giá trị thiệt hại về lâm sản, không bồi thường về giá trị môi trường. Đối với các chủ dự án để mất rừng, đất bị lấn chiếm nhưng không có biện pháp giải quyết thì phải bồi thường về giá trị lâm sản và giá trị môi trường.

Theo UBND huyện Tuy Đức, hiện trên địa bàn huyện có tổng số 20 dự án, trong đó 7 dự án đang triển khai, 9 dự án đã bị thu hồi hoặc chậm tiến độ. Phần lớn các dự án đầu tư trên địa bàn huyện Tuy Đức chủ yếu là sản xuất nông lâm nghiệp liên quan đến rừng và đất rừng. Nhiều dự án triển khai các hạng mục đầu tư không bảo đảm tiến độ theo dự án đã được thẩm định.

Một phần nguyên nhân do nhiều dự án quy hoạch trồng cao su nhưng khi giá mủ xuống thấp trong thời gian dài nên các doanh nghiệp không mặn mà triển khai. Một số đơn vị trồng các loại cây không đúng với quy hoạch của dự án, rừng được khoanh nuôi, bảo vệ bị phá với diện tích lớn. Một vấn đề nổi cộm là phần lớn ở các dự án đầu tư xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm đất trái phép, đã trồng cây công nghiệp dài ngày. Thế nên, ở nhiều dự án xảy ra tình trạng tranh chấp đất đai, khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. Việc tranh chấp ở các dự án để lại hậu quả lâu dài.

Sau khi các đơn vị thực hiện việc bồi thường thiệt hại đối với diện tích rừng bị chặt phá theo quy định thì cho phép các đơn vị điều chỉnh lại dự án. Đối với các doanh nghiệp đã trồng cây công nghiệp dài ngày, cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt và phù hợp với quy hoạch của địa phương thì đề nghị điều chỉnh dự án, bổ sung thêm hạng mục đầu tư, trình cơ quan chức năng thẩm định, làm cơ sở triển khai.

Đối với diện tích cây trồng sinh trưởng kém, không hiệu quả hoặc chưa triển khai thì đưa vào quy hoạch phát triển rừng với các loại cây có giá trị về kinh tế và khả năng phòng hộ. Diện tích rừng bị phá, lấn chiếm mà doanh nghiệp không có khả năng giải quyết thì UBND tỉnh cần thu hồi và giao về địa phương quản lý, bố trí sử dụng để phát triển rừng.

Ngoài ra, UBND huyện Tuy Đức cũng kiến nghị, đối với diện tích đất bị lấn chiếm, cơ quan chức năng tiến hành rà soát cụ thể diện tích, vị trí, hiện trạng sử dụng đất, lập hồ sơ xử lý theo quy định. Sau khi được xử lý, cần được giao về cho địa phương quán lý, bố trí sử dụng. Đối với những diện tích đất mà chủ dự án trồng sai quy hoạch thì tổ chức kiểm tra, xác định cụ thể vị trí, hiện trạng sử dụng đất, đánh giá tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng và lập hồ sơ xử lý chủ dự án do sử dụng đất sai mục đích.

Theo ông Trần Viết Cự, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức, trước thực tế những dự án quá thời hạn đầu tư, nhưng không thực hiện đầu tư, cơ quan chức năng cần kiên quyết thu hồi giấy phép đầu tư. Còn những dự án đã thu hồi giấy phép đầu tư thì cơ quan chức năng tiếp tục xem xét, xây dựng phương án chuyển đổi mục đích dự án để tiếp tục kêu gọi đầu tư.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều dự án nông lâm nghiệp hoạt động không hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO