Mô hình trồng cà rốt VietGAP đầu tiên đạt kết quả cao

Hưng Nguyên| 21/02/2022 08:39

Tháng 9/2021, Hội nông dân huyện Tuy Đức phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức trồng thí điểm mô hình cà rốt Nhật Bản VietGAP đầu tiên của huyện. Mô hình cho thấy rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Gia đình ông Trương Đức Xưởng, ở xã Đắk Búk So (Tuy Đức) là người chuyên sản xuất rau, củ, quả trên địa bàn. Hơn 3 tháng trước, ông Xưởng tham gia mô hình trồng 5 sào cà rốt Nhật Bản.

Ông Xưởng được tiếp cận kỹ thuật chăm sóc cà rốt theo tiêu chuẩn VietGAP, được bao tiêu sản phẩm khi đến kỳ thu hoạch theo giá thị trường. Theo ông Xưởng, cà rốt trồng tại rẫy cho củ lớn, tỷ lệ củ loại 1 đạt cao.

Niềm vui của ông Xưởng với vụ cà rốt được mùa

Sau 90 ngày, vườn cà rốt bắt đầu cho thu hoạch. "Qua thời gian chăm sóc tôi thấy giống cà rốt này phù hợp với đất đai, khí hậu địa phương, cây phát triển tốt, ít ảnh hưởng của sâu bệnh", ông Xưởng chia sẻ.

Vườn cà rốt của ông Xưởng đạt năng suất 4 tấn/sào, vượt xa so với ước tính ban đầu. Điều phấn khởi nhất là sau khi thu hoạch, đơn vị thu mua đến tận rẫy cân, thanh toán và chở hàng đi.

Với 5 sào cà rốt, ông Xưởng thu hoạch được 20 tấn củ. Ông Xưởng bán cà rốt với giá từ 6.000 đồng/kg. Tổng cộng, vụ cà rốt này, ông có thu nhập 120 triệu đồng. Nếu trừ chi phí, ông lời tầm 100 triệu đồng.

Cây cà rốt Nhật Bản rất phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở Tuy Đức

Tương tự, ông Nguyễn Huân, ở xã Đắk Búk So, tham gia trồng cà rốt Nhật Bản. Theo ông Huân, cà rốt là giống cây trồng mới, nhưng phát triển rất tốt, cho năng suất cao.

Nông dân chỉ việc chăm sóc cây trồng đúng quy trình để bảo đảm năng suất, chất lượng. Còn về đầu ra, toàn bộ diện tích trên địa bàn đều đã được bao tiêu với giá ổn định.

Qua thực tế cho thấy, với năng suất, giá cả như hiện nay, chỉ cần 1 ha cà rốt, người dân sau 90 ngày có thể có thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng. Đây là mức thu nhập rất cao đối với nghề nông hiện nay.

"Tôi mong muốn các ngành chức năng của huyện tiếp tục quan tâm, đưa về các giống cây trồng hiệu quả như cà rốt Nhật Bản, giúp nông dân sản xuất hiệu quả", ông Huân cho biết.

Cà rốt Nhật Bản đang mở ra hướng phát triển mới cho người dân Tuy Đức

Tháng 9/2021, Hội Nông dân huyện Tuy Đức phối hợp Trung tâm khuyến nông tỉnh, triển khai trồng thử nghiệm cà rốt trên 9 ha, với 18 hộ dân trên địa bàn tham gia.

Cà rốt được sản xuất theo chuỗi giá trị, nông dân được ký kết bao tiêu đầu ra với doanh nghiệp theo giá thị trường. Tham gia chuỗi liên kết, người dân được hỗ trợ giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất theo chuẩn VietGAP. 

Đặc biệt, sản phẩm cà rốt Nhật Bản của bà con sau thu hoạch, nếu đủ điều kiện sẽ được đưa vào siêu thị, các nhà hàng lớn để nâng cao giá trị.

Ông Đoàn Lê Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức, đây là bước khởi đầu để nông dân có thêm sự lựa chọn cây trồng luân canh ở các vùng trồng rau, củ, quả. Từ mô hình này, Tuy Đức sẽ hình thành các vùng sản xuất rau, củ quy mô lớn theo chuỗi giá trị.

Huyện từng bước nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất, đa dạng hóa các sản phẩm rau, củ, quả tại địa phương. "Quá trình triển khai cho thấy, cà rốt Nhật Bản có năng suất cao, mẫu mã đẹp, ít sâu bệnh… Đây là mô hình rau, củ đầu tiên trên địa bàn huyện Tuy Đức được cấp chứng nhận VietGAP", ông Anh cho biết.

Theo lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức, mô hình trồng cà rốt Nhật Bản là hướng đi mới đầy triển vọng, góp phần giúp người dân có thể khai thác, sử dụng đất nông nghiệp bền vững, hiệu quả.

Từ quy trình sản xuất cà rốt Nhật Bản, huyện sẽ dần thay đổi tập quán sản xuất của bà con nông dân, hướng đến liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình trồng cà rốt VietGAP đầu tiên đạt kết quả cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO