Lạc quan với mô hình liên kết phát triển cây nha đam

Phan Tuấn| 24/02/2021 08:33

Thời gian qua, Hội Nông dân huyện Tuy Đức đã có nhiều nỗ lực trong xây xựng các mối liên kết, tiêu thụ nông sản cho người dân theo hướng bền vững, trong đó nổi bật là cây nha đam.

ADQuảng cáo

Mới đây, Hội Nông dân huyện Tuy Đức đã liên kết với Công ty Kaizen Foods tại thành phố Hồ Chí Minh phát triển 20 ha cây nha đam trên địa bàn các xã Quảng Trực, Quảng Tân, Đắk Búk So (Tuy Đức).

Hộ gia đình anh Nguyễn Văn Nam, ở xã Quảng Trực, đã tham gia mô hình liên kết trồng cây nha đam, với diện tích gần 6 sào. Anh Nam cho biết, gia đình anh bắt đầu xuống giống trồng nha đam từ đầu tháng 10/2020. Đến nay, vườn nha đam đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Cũng theo anh Nam, trước đây gia đình anh trồng cây cà phê, nhưng đều đã già cỗi, năng suất thấp. Sau khi chuyển qua trồng nha đam, dự kiến sau 6 tháng chăm sóc, gia đình sẽ thu hoạch lứa đầu tiên.

Sau đó, cứ khoảng 1 tháng, nha đam sẽ cho thu hoạch lứa tiếp theo. "Chúng tôi rất phấn khởi khi cây nha đam không những phát triển tốt, hứa hẹn cho năng suất cao mà còn được đối tác cam kết thu mua với giá ổn định 1.400 đồng/kg. Với mức giá này, gia đình tôi sẽ có thu nhập vài chục triệu đồng mỗi tháng”, anh Nam cho biết.

Cây nha đam trồng ở huyện Tuy Đức phát triển tốt, cho năng suất khá cao

Theo nhiều người dân, cây nha đam rất dễ chăm sóc. Với giá cả như hiện nay, người trồng nha đam có thể phát triển để thay thế cho những diện tích cây trồng khác kém hiệu quả. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là trồng nha đam lại cần nguồn vốn đầu tư ban đầu khá lớn, với mức trên 200 triệu đồng/ha.

Còn hộ gia đình anh Nguyễn Hữu Tao, ở xã Quảng Tâm là một trong những người đầu tiên liên kết trồng cây nha đam. Năm 2020, anh Tao đã dành 1,5 sào đất để trồng nha đam. Đến nay, vườn nha đam của anh phát triển tốt, cho năng suất từ 4-5 tấn/sào/lứa. Sản phẩm nha đam của gia đình anh đang bán cho đơn vị liên kết với giá 1.400 đồng/kg.

Theo anh Tao, cây nha đam nếu được chăm sóc tốt có thể thu hoạch từ 3-5 năm liên tục. Hiện nay, anh Tao và một số hộ gia đình trên địa bàn huyện Tuy Đức đang liên kết với Công ty Kaizen Foods để phát triển cây nha đam một cách bền vừng, quy mô hơn.

ADQuảng cáo

Anh Tao chia sẻ: "Không còn phải tìm kiếm thị trường, giá cả ổn định, nên gia đình tôi chỉ cần tập trung chăm sóc vườn cây sao cho đạt năng suất, chất lượng là ổn”.

Mô hình trồng cây nha đam theo chuỗi liên kết đang được một số nông dân thực hiện, bước đầu mang lại hiệu quả cao

Theo Hội Nông dân huyện Tuy Đức, mô hình liên kết trồng thử nghiệm cây nha đam được đơn vị chủ trì thực hiện từ cuối mùa mưa năm 2020, với tổng diện tích 20 ha. Qua đánh giá các mô hình cho thấy, cây nha đam phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương.

Những hộ gia đình tham gia trồng nha đam sẽ được đơn vị liên kết thu mua sản phẩm với giá cả ổn định. Đây là chương trình phát triển cây trồng được thực hiện theo chuỗi liên kết thu mua, bao tiêu sản phẩm giữa địa phương và doanh nghiệp có uy tín.

Hội Nông dân huyện Tuy Đức đang xây dựng chuỗi liên kết, phát triển thử nghiệm khoảng 20 ha nha đam.

Ông Đoàn Lê Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức cho biết, qua mô hình đang triển khai cho thấy, cây nha đam mặc dù là cây trồng mới, nhưng chịu hạn tốt, ít sâu bệnh. Người dân trên địa bàn cũng nhanh chóng nắm bắt được đặc tính để chăm sóc, phát triển cây nha đam khá tốt.

Nếu người dân chuyên tâm, chăm sóc tốt, cây nha sẽ đạt năng suất rất cao, có thể thu hoạch từ 3-5 năm liên tiếp. Mô hình liên kết này khá lạc quan trong việc thúc đẩy người dân phát triển kinh tế theo hướng bền vững, ổn định.

Ông Đoàn Lê Anh cũng lưu ý, những người dân khác nếu có ý định phát triển cây nha đam thì cần nghiên cứu rõ thị trường, tìm hiểu kỹ các kỹ thuật chăm sóc cây. Trong thời gian tới, huyện Tuy Đức sẽ tiếp tục đàm phán với các doanh nghiệp thu mua nha đam để tiến hành mở rộng diện tích, nhằm giúp người dân có thêm cơ hội chuyển đổi cây trồng, phát triển kinh tế ổn định.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lạc quan với mô hình liên kết phát triển cây nha đam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO