Chủ động ngăn chặn, phòng chống dịch tả lợn châu Phi

Phan Tuấn| 21/05/2019 15:01

Toàn huyện Tuy Đức hiện có khoảng 500 hộ chăn nuôi lợn với tổng số khoảng 2.700 con. Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước, cũng như tỉnh bạn Campuchia, huyện Tuy Đức đang khẩn trương thực hiện đồng loạt nhiều giải pháp phòng chống bệnh dịch này xâm nhập vào địa phương.

ADQuảng cáo

Để chủ động trong triển khai, huyện Tuy Đức đã nhanh chóng thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi bao gồm các cơ quan như: Đài truyền thanh, Công an huyện, Phòng Nông nghiệp - PTNT, Trung tâm Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp…

Sau khi thành lập, Ban chỉ đạo phòng chống dịch tả lợn châu Phi huyện Tuy Đức phối hợp với địa phương, cơ sở tổ chức đến từng hộ gia đình, cơ sở chăn nuôi lợn, giết mổ… để thông tin về tình hình, diễn biến dịch bệnh cho người dân được biết. Bên cạnh đó, ngành chức năng huyện Tuy Đức cũng hướng dẫn người dân cách nhận biết biểu hiện, triệu chứng của lợn khi nhiễm dịch tả lợn châu Phi cũng như các biện pháp phòng chống và quy trình xử lý, tiêu hủy nếu lợn bị nhiễm bệnh.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện kiểm soát tình hình giết mổ tại lò giết mổ tập trung nằm trên địa bàn xã Đắk Búk So

ADQuảng cáo

Huyện Tuy Đức cũng đã thành lập đoàn liên ngành tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các địa điểm buôn bán, giết mổ lợn. Xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, giết mổ lợn, sản phẩm nhập lậu, nghi nhập lậu không rõ nguồn gốc. Tăng cường thực hiện việc tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi lợn, các cơ sở giết mổ và khu vực buôn bán thịt lợn. Thời gian gần đây, Trung tâm Dịch vụ Kỹ thuật nông nghiệp huyện Tuy Đức đã tổ chức phun 400 lít hóa chất RTD – Iodine tại các chuồng chăn nuôi lợn, các cơ sở giết mổ, khu vực chợ, nơi buôn bán thịt lợn trên toàn huyện.

Biết thông tin bệnh dịch tả lợn châu Phi xuất hiện, nhiều gia đình chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện Tuy Đức đã mua vôi bột, thuốc sát trùng… thực hiện các biện pháp khử khuẩn chuồng trại chăn nuôi. Anh Điểu Định, một hộ gia đình chăn nuôi lợn tại xã Đắk R’tíh cho biết: “Được sự hướng dẫn của cán bộ chuyên môn, gia đình tôi đã thường xuyên thực hiện các biện pháp vệ sinh chuồng trại, khử trùng tiêu độc để tăng sức đề kháng cho đàn vật nuôi và ngăn sự xâm nhập của các loại dịch bệnh”.

Theo ông Kiều Qúy Diện, Phó Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện  Tuy Đức, hiện nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn chưa có thuốc điều trị cũng như vắc xin phòng ngừa. Do vậy, biện pháp phòng ngừa tốt nhất vẫn là tăng cường khử trùng tiêu độc và kiểm soát khâu buôn bán, giết mổ, vận chuyển lợn và sản phẩm từ lợn. Đến thời điểm này, trên địa bàn huyện chưa phát hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi nhưng huyện vẫn bố trí nhân lực phòng, chống bệnh dịch ở tất cả các địa phương. Mặt khác, huyện cũng thường xuyên thực hiện các cuộc giao ban để nắm bắt tình hình, xử lý kịp thời khi có phát sinh…

“Trong thời gian tới, với vai trò chủ đạo, đơn vị sẽ không chủ quan, lơ là mà yêu cầu các đội cơ động thường xuyên đi kiểm tra tại các tụ điểm buôn bán, giết mổ lợn để kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển động vật, sản phẩm động vật không có kiểm dịch, không rõ nguồn gốc xuất xứ, làm lây lan dịch bệnh. Bên cạnh đó, tăng cường tuyên truyền để người chăn nuôi, buôn bán và cộng đồng hiểu rõ mức độ nguy hiểm của bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đặc biệt, huyện cũng chủ động tuyên truyền các hộ dân thực hiện các biện pháp vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn, nhằm bảo đảm việc phát triển chăn nuôi lợn trên địa bàn huyện”- Ông Diện nhấn mạnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ngăn chặn, phòng chống dịch tả lợn châu Phi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO