Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Hồng Thoan| 08/12/2020 08:44

Huyện Đắk R’lấp tiếp tục đẩy mạnh thực hiện nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (NNƯDCNC) để ổn định sản xuất, tạo động phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân.

Ổn định cơ cấu cây trồng

Những năm gần đây, giá cà phê giảm mạnh, nhưng ông Trần Hồng Hà, thôn 9, xã Quảng Tín (Đắk R'lấp) vẫn chú trọng chăm sóc vườn cây một cách bài bản. Theo ông Hà, giá cà phê giảm chỉ là một giai đoạn trước mắt. Do đó, nếu nông dân bỏ bê, không chăm sóc vườn cà phê thì sẽ ảnh hưởng rất nặng đến năng suất, chất lượng sản phẩm nhiều năm về sau.

Dù cà phê mất giá, nhưng gia đình ông Trần Hồng Hà vẫn chú trọng chăm sóc

Hiện ông Hà đang canh tác hơn 3,5 ha cà phê. Ông luôn tuân thủ tốt các bước về phòng bệnh, chăm sóc, thu hái. Để cây cà phê phát triển nhanh và bảo vệ đất đai khỏi cằn cỗi, ông thực hiện việc bón phân cân đối giữa phân vô cơ và hữu cơ.

Trong đó các loại phân bò, phân gà được ông sử dụng bón cho cà phê thường xuyên để cân bằng dinh dưỡng cho cây và bảo vệ đất. Ông Hà cho biết: “Cây cà phê có thể thu hoạch đến 20 năm. Do đó, tôi không vì những tác động trước mắt mà làm giảm hiệu quả kinh tế lâu dài. Tôi bón phân đầy đủ, cắt cành tạo tán, phòng bệnh, thu hái đúng cách để cây bảo đảm sức khỏe bền lâu. Tranh thủ lúc cà phê xuống giá, tôi thực hiện tái canh những diện tích đã già, sâu bệnh”.

Cùng với cà phê, cao su là cây trồng chủ lực của huyện Đắk R'lấp. Thời gian qua, dù vẫn có những hộ chặt bỏ, chuyển sang cây trồng khác, nhưng hầu hết bà con vẫn giữ vườn cao su. Cụ thể như gia đình ông Cao Văn Hiền, thôn Quảng Phước, xã Đạo Nghĩa (Đắk R'lấp), hiện vẫn duy trì hơn 2 ha cao su.

Ông Hiền cho biết, gia đình ông đã rút ra được bài học từ xu thế trồng cây được giá và chặt cây mất giá. Nếu chạy theo xu thế đó là tự đẩy mình vào thế khó. "Với cây cao su, nhu cầu của thế giới khá ổn định. Do đó, tôi vẫn duy trì vườn cây, phòng chống bệnh hiệu quả để đạt năng suất, sản lượng mủ ổn định", ông Hiền chia sẻ.

Thời gian qua, huyện Đắk R'lấp đã đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân ổn định cơ cấu các loại cây trồng, nhất là cây chủ lực. Toàn huyện Đắk R’lấp hiện có khoảng 19.000 ha cà phê, 6.700 ha cao su, 4.600 ha hồ tiêu. Huyện đánh giá, cơ cấu các loại cây trồng như vậy là phù hợp với sản xuất của địa phương.

Ngoài việc bảo đảm cơ cấu cây trồng, huyện Đắk R'lấp cũng đang xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất để tạo ra một số sản phẩm mới, đặc trưng, bước đầu cho kết quả tích cực như dưa lưới, bưởi da xanh…

Xây dựng chuỗi sản phẩm hàng hóa

Giai đoạn 2020-2025, huyện Đắk R’lấp phấn đấu tốc độ tăng trưởng nhóm ngành nông, lâm, thủy sản bình quân đạt trên 5%/năm. Giá trị sản xuất theo hình thức liên kết trong trồng trọt đạt 150 triệu đồng/ha/năm. Địa phương xây dựng và phát triển dự án liên kết phù hợp với từng loại hình, chủng loại nông sản và đặc điểm của từng khu vực, địa bàn.

Huyện cũng đặt mục tiêu đến năm 2025, có trên 35% giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực được tiêu thụ ổn định qua hợp đồng liên kết; 25-30% giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo quy trình nông nghiệp tốt (VietGAP).

Theo ông Phạm Quang Vượng, Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Đắk R’lấp, thời gian tới, địa phương sẽ tích cực nhân rộng các chuỗi sản xuất hàng hóa. Việc ứng dụng công nghệ cao sẽ được triển khai vào từng khâu trong sản xuất. Cụ thể, nông dân thì ứng dụng kỹ thuật mới, giống mới. Doanh nghiệp thì đầu tư máy móc quy trình vào sơ chế, chế biến... Huyện sẽ từng bước hạn chế được tình trạng phát triển cây trồng vượt quy hoạch, nâng cao giá trị nông sản.

Nhiều năm nay, Doanh nghiệp tư nhân Toàn Hằng, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) đã mạnh dạn liên kết sản xuất cà phê với người dân trên địa bàn. Đến nay, đã có gần 500 hộ dân, với khoảng 1.000 ha cà phê trên địa bàn được sản xuất theo chuẩn 4C và UTZ. Đây là các quy trình, bộ tiêu chuẩn tập trung vào 3 phương diện: xã hội, môi trường và kinh tế.

Sản xuất cà phê theo phương thức này đã hạn chế đến mức thấp nhất sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, gây lãng phí phân bón, ảnh hưởng tới môi trường và khó tiêu thụ sản phẩm.

Cùng với trồng trọt, chăn nuôi cũng được địa phương định hướng phát triển quy mô lớn, bảo đảm các yếu tố về an toàn sinh học. Trong đó, huyện từng bước hạn chế, loại bỏ chăn nuôi quy mô nhỏ lẻ, hướng đến trang trại, công ty và được đầu tư bài bản. Sản phẩm chăn nuôi của huyện cung ứng ra thị trường đạt chất lượng, bảo đảm an toàn sức khỏe cho người sử dụng, điển hình như tại HTX Đồng Tiến xã Đắk Sin...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO