Tập trung nguồn lực để xây dựng Kiến Ðức thành đô thị hiện đại và đồng bộ

Đức Diệu thực hiện| 26/03/2015 10:24

Theo kế hoạch, đến tháng 6/2015, UBND tỉnh sẽ trình Bộ Xây dựng thẩm định đề án để công nhận thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) là đô thị loại IV. Đây vừa là điều kiện, động lực để huyện có thêm quyết tâm tập trung nguồn lực phát triển Kiến Đức thành một đô thị hiện đại và đồng bộ. Phóng viên Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Thị, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp xung quanh vấn đề này.

Ông Lê Văn Thị, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp.

PV: Thời gian qua, huyện Đắk R’lấp đã tập trung nguồn lực để thực hiện đề án phát triển đô thị Kiến Đức. Vậy ông có thể cho biết, so với các tiêu chuẩn về đô thị loại IV, thị trấn Kiến Đức đã đạt được hay chưa?

Ông Lê Văn Thị: Qua quá trình đầu tư xây dựng theo lộ trình đề án đã phê duyệt, có thể khẳng định rằng, đến nay, thị trấn Kiến Đức đã cơ bản đảm bảo về hệ số điểm trong bộ tiêu chuẩn đô thị loại IV. Qua số điểm tự chấm của tỉnh cho thấy, 6 tiêu chuẩn lớn gồm: chức năng đô thị, quy mô dân số; mật độ dân số; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp; hệ thống công trình hạ tầng khu đô thị và kiến trúc cảnh quan đô thị của Kiến Đức hầu như đã đạt yêu cầu về đô thị loại IV. Cụ thể, chức năng đô thị đạt 13,5/15 điểm; quy mô dân số đạt 6,8/10 điểm; mật độ dân số đạt 3,5/5 điểm; hệ thống công trình hạ tầng đô thị đạt 46,2/55 điểm và kiến trúc cảnh quan đô thị đạt 8,8/10 điểm… Như vậy, xét một cách toàn diện, tổng điểm đạt được trong bộ tiêu chuẩn đô thị loại IV của Kiến Đức là khá cao, 83,8/100 điểm, nhất là một số tiêu chuẩn khó, có trọng số lớn như hệ thống công trình hạ tầng và chức năng đô thị. Trong khi đó, yêu cầu số điểm tối thiểu để đạt các tiêu chuẩn đô thị loại IV hiện nay là 70 điểm.

Có thể nói, đạt được kết quả trên một phần lớn là do thời gian qua, trong quá trình thực hiện lộ trình đề án, thị trấn Kiến Đức đã nhận được sự quan tâm từ Trung ương và tỉnh, sự đồng lòng, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trên địa bàn huyện Đắk R’lấp nói chung, Kiến Đức nói riêng.

PV: Ngoài những thuận lợi cơ bản đã nêu, trong quá trình phát triển đô thị, huyện có gặp trở ngại gì không, thưa ông?

Ông Lê Văn Thị: Như đã nói ở trên, quá trình phát triển đô thị Kiến Đức, huyện đã có những thuận lợi cơ bản, mang tính tổng quan, góp phần quyết định vào sự hoàn thành kế hoạch theo lộ trình đã đề ra. Tuy nhiên, qua phân tích, đánh giá từng tiêu chuẩn nhỏ trong các tiêu chuẩn chung thì một số tiêu chuẩn đang có hệ số điểm khá thấp như: dân số đô thị, tỷ lệ ngõ hẻm được chiếu sáng... Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng kỹ thuật của đô thị mặc dù đạt điểm tương đối, nhưng đây là nhóm tiêu chuẩn đòi hỏi vốn đầu tư lớn, quỹ đất nhiều.

Trong khi đó, nguồn vốn đầu tư vào địa bàn thời gian qua còn khá “khiêm tốn” dẫn đến tiến độ đầu tư hạ tầng đô thị chậm, thiếu đồng bộ, kéo theo tốc độ đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu lao động và tốc độ tăng dân số cơ học đô thị chưa đạt kết quả như mong muốn. Thế nhưng, phải nói thêm rằng, những khó khăn trên chỉ mang tính khách quan và sẽ từng bước được khắc phục trong thời gian tới.

Cơ sở hạ tầng đô thị Kiến Đức đang từng bước được đầu tư hiện đại, đồng bộ. Ảnh: Đ.D

PV: Phát triển hạ tầng được xem là yếu tố cơ bản, tạo tiền đề cho phát triển đô thị, vậy ông có thể cho biết thêm về định hướng đầu tư vào hạ tầng đô thị Kiến Đức những năm tới?

Ông Lê Văn Thị: Theo chương trình phát triển thị trấn Kiến Đức đã được UBND tỉnh phê duyệt thì trên cơ sở hạ tầng sẵn có, trong tầm nhìn chiến lược, huyện đang từng bước cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế -xã hội của địa phương bằng việc đầu tư và cải tạo hạ tầng, đảm bảo phục vụ cho toàn bộ dân cư đô thị. Trong giai đoạn ngắn hạn, huyện sẽ hình thành và hoàn thiện khu trung tâm hành chính của đô thị; đồng thời đầu tư bước đầu cho các khu chức năng như: khu công nghiệp, trục trung tâm thương mại, trung tâm văn hóa, thể dục thể thao, trung tâm công viên cây xanh...

Cụ thể, trong giai đoạn 2015-2020, huyện sẽ tập trung đầu tư một số dự án như: các khu dân cư 2 và 3; khu trung tâm thương mại, văn hóa, thể thao và trung tâm hành chính đô thị Kiến Đức với tổng diện tích gần 200 ha. Tổng kinh phí dự kiến ở giai đoạn này khoảng 1.409 tỷ đồng. Đến giai đoạn 2020-2025, huyện tiếp tục đầu tư mở rộng các khu dân cư số 1, 4 và 5 trên tổng diện tích gần 300 ha. Cùng với đó, huyện sẽ từng bước đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông, các công trình công cộng, đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu đi lại cũng như cảnh quan đô thị.

PV: Với việc được công nhận là đô thị loại IV trong nay mai, thị trấn Kiến Đức sẽ tập trung phát triển đô thị theo định hướng nào, thưa ông?

Ông Lê Văn Thị: Xét về lợi thế so sánh, Kiến Đức có vị trí địa lý thuận lợi,  giao lưu thuận tiện với các đô thị lớn như Gia Nghĩa (Đắk Nông), Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và TP. Hồ Chí Minh cùng các trung tâm kinh tế tỉnh Lâm Đồng, Bình Dương, Đồng Nai. Kiến Đức lại nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh, có quốc lộ 14 và các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ đi qua. Hiện huyện cũng đang được biết đến về tiềm năng, tiềm lực trong phát triển ngành công nghiệp khai khoáng, là địa bàn đầu mối về thương mại, dịch vụ của tỉnh.

Trên cơ sở đó, tại Nghị quyết số 07/NQ/TU ngày 17/11/2011 của Tỉnh ủy “Về phát triển đô thị tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2025” cũng đã nêu rõ định hướng phát triển đô thị Kiến Đức trở thành đô thị hạt nhân tăng trưởng của vùng Tây Nam tỉnh Đắk Nông. Đây cũng đang là định hướng chiến lược trên lộ trình phát triển để huyện tập trung nguồn lực đầu tư để xây dựng Kiến Đức thành đô thị đồng bộ và hiện đại. Để làm được điều này, ngoài sự quan tâm đầu tư của Trung ương và tỉnh, huyện đã xác định phải huy động thêm nhiều nguồn lực, nhất là sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị cũng như sự chung sức chung lòng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!    

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung nguồn lực để xây dựng Kiến Ðức thành đô thị hiện đại và đồng bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO