Đắk R’lấp tiếp tục chuyển đổi diện tích cây điều kém hiệu quả sang cây trồng khác

Nguyễn Lương| 11/11/2015 10:03

Trước thực trạng một số diện tích cây điều già cỗi, thoái hóa, năng suất thấp, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Đắk R’lấp đã mạnh dạn chuyển đổi sang những cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn như cà phê, tiêu, cây ăn quả.

Cách làm này đã và đang từng bước giúp người dân ổn định cuộc sống, chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với định hướng chung toàn huyện đề ra.

Trước năm 2012, gia đình ông Điểu N’Jơi ở bon Bu Bir, xã Quảng Tín có 2 ha điều. Mặc dù được chăm sóc kỹ lưỡng nhưng mỗi năm gia đình ông chỉ thu được từ 7 đến 8 tạ/ha. Năng suất thấp cộng với chi phí đầu tư khá nhiều nên hiệu quả cây trồng trên một diện tích đất rất thấp.

Trước tình trạng đó, cuối năm 2012, sau khi huyện có chủ trương chuyển đổi một số diện tích cây điều kém hiệu quả sang những cây trồng khác, gia đình ông đã mạnh dạn chuyển đổi 2 ha điều sang trồng cây cà phê. Nhờ tham gia tập huấn, cũng như học hỏi kiến thức trồng, chăm sóc từ nhiều kênh thông tin nên vườn cà phê của gia đình ông phát triển tốt. Năm 2014, năng suất cà phê của gia đình ông đạt hơn 2,5 tấn/ha.

Với 2 ha cà phê được trồng thay thế diện tích điều, gia đình ông Điểu N’Jơi đã có nguồn thu nhập ổn định và cao hơn

Ông Điểu N’Jơi cho biết: “Năm nay, vườn cà phê bước vào vụ thu hoạch chính nên cho tỷ lệ đậu quả rất cao. Theo tính toán bước đầu, sau khi trừ chi phí đầu tư, công hái… thì gia đình tôi cũng thu được nguồn lợi nhuận hơn 50 triệu đồng/ha”.

Gia đình anh Nguyễn Văn Bình (bon Bu Bir) cũng có nguồn lợi nhuận bước đầu từ việc chuyển đổi một số diện tích điều kém hiệu quả sang trồng cà phê. Được biết, năm 2013, nhờ được địa phương vận động, gia đình anh Bình đã chuyển đổi 1 ha điều sang trồng cà phê giống TR5 ở Trung tâm giống cây trồng Eakmat (Đắk Lắk).

Các khâu như trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc cũng được gia đình anh tham khảo và tiếp thu từ cán bộ nông nghiệp của huyện, xã. Nhờ đó, vườn cà phê của gia đình anh sinh trưởng, phát triển tốt.

Anh Bình chia sẻ: Hiện tại, vườn cà phê của gia đình tôi đang bước vào thu hoạch, với năng suất dự kiến đạt trên 2,6 tấn/ha. Nếu so với cây điều, nguồn thu từ cây cà phê đạt cao hơn rất nhiều. Sau vụ thu hoạch cà phê này, gia đình tôi sẽ chuyển đổi thêm 1 ha điều kém hiệu quả sang trồng cà phê, tiêu để nâng cao hiệu quả kinh tế trên một diện tích đất.

Nói về hiệu quả từ việc chuyển đổi diện tích cây điều kém hiệu quả, ông Nguyễn Duy Thanh, cán bộ khuyến nông xã Quảng Tín cho biết, từ năm 2011 đến nay, người dân trong toàn xã đã chuyển đổi hơn 600 ha diện tích điều kém hiệu quả sang trồng cà phê, tiêu và các loại cây trồng khác. Đây là một hướng đi đã, đang mang lại hiệu quả trong phát triển kinh tế cho người dân.

Cũng theo ông Thanh thì cùng với những vườn điều thoái hóa được người dân tự chuyển đổi, về phía xã cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Hàng năm, ngoài các nguồn giống cà phê, cây ăn quả do Phòng Nông nghiệp huyện cung cấp, xã còn giới thiệu nhiều nguồn giống cà phê như TR4, TR5, TR9…có nguồn gốc rõ ràng để bà con đưa vào canh tác.

Việc tập huấn khoa học, kỹ thuật cũng được địa phương triển khai để người dân kịp thời nắm bắt các kiến thức, từ đó, áp dụng có hiệu quả vào thực tế. Nhờ đó, nguồn thu nhập của người dân trong xã, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số không ngừng được nâng lên.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk R’lấp, toàn huyện hiện có hơn 5.400 ha điều, trong đó, diện tích điều thoái hóa, già cỗi chiếm tỷ lệ lớn. Thực tế, cây điều đã già cỗi khi được người dân chuyển đổi sang các loại cây trồng khác như cây ăn quả, cà phê… đều có năng suất, hiệu quả kinh tế cao hơn. Cùng chính vì thế, thời gian qua, đối với những diện tích cây điều kém hiệu quả, địa phương đã vận động người dân chuyển đổi, nhất là ở những vùng gần nguồn nước tưới.

Theo kế hoạch, giai đoạn từ năm 2016 đến 2020, toàn huyện Đắk R’lấp sẽ tái canh khoảng 300 ha cà phê, trồng 220 ha cây ăn quả, trồng xen 1.300 ha ca cao dưới tán điều cho các xã như Quảng Tín, Đắk Ru, Đắk Wer, Kiến Thành, Đắk Sin, Hưng Bình. Trên cơ sở lập kế hoạch, địa phương tiếp tục  vận động người dân từng bước chuyển đổi cây trồng phù hợp với điều kiện thực tế cũng như quy hoạch chung, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách về giống, khoa học kỹ thuật đến với người dân.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk R’lấp tiếp tục chuyển đổi diện tích cây điều kém hiệu quả sang cây trồng khác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO