Đắk R'lấp: Phát huy thành quả, phát triển xứng tầm theo chiến lược đề ra

Đ.D| 30/12/2015 09:55

Sau 30 năm thành lập (1/1/1986-1/1/2016), từ một địa phương với nhiều lĩnh vực gần như ở “mốc số không”, đến nay, huyện Đắk R’lấp đang từng bước chuyển mình, phát triển đồng bộ trên tất cả các mặt. Kết quả đó có được trước hết phải kể đến sự đồng lòng chung sức của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

Một góc thị trấn Kiến Đức

Ông Hồ Bá Bính, Phó Bí thư Huyện ủy nhiệm kỳ đầu tiên của huyện nhớ lại: Ngày ấy, Đắk R’lấp chỉ là địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh Đắk Lắk. Toàn huyện vỏn vẹn chỉ có khoảng 12.000 người dân, trong đó trên 70% là hộ nghèo. Đời sống sản xuất của người dân chủ yếu dựa vào cây lúa và một số vùng trồng cao su của các lâm trường, còn công nghiệp, dịch vụ thì chưa phát triển. Khó khăn nhất lúc ấy vẫn là nguồn nhân lực, từ nhân lực lãnh đạo đến lao động sản xuất ra của cải vật chất.

Để xây dựng đội ngũ cán bộ đảm đương nhiệm vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ lúc bấy giờ phải “đốt đuốc” tìm kiếm mà cũng khó khăn. Ngoài một số cán bộ điều động từ tỉnh xuống đảm đương các nhiệm vụ chủ chốt, Ban Thường vụ Huyện ủy lúc bấy giờ đã rà soát, rút một số cán bộ có năng lực ở các xã Đạo Nghĩa, Quảng Tân… lên để  bổ sung một số vị trí còn khuyết.

Khi bộ máy trong hệ thống chính trị tạm ổn, các cán bộ và người dân bắt đầu cuộc kiến thiết huyện nhà với quyết tâm chính trị cao. Bản thân các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy cùng các cán bộ tự tay phát dọn cây cối, mở đường, phân lô chia đất dựng nhà để ở, phục vụ công việc.

Bên cạnh những khó khăn đã nêu, để có được kết quả như ngày hôm nay, theo ông Bính thì cũng có những thuận lợi nhất định. Trước hết, huyện được thành lập đúng vào giai đoạn đất nước bắt đầu công cuộc đổi mới nên Đảng bộ, chính quyền địa phương đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu kinh tế, khuyến khích người dân mở mang sản xuất. Từ đây, người dân theo phong trào kinh tế mới ở các tỉnh, thành trong nước đến địa bàn khai hoang, phát triển kinh tế.

Chỉ trong khoảng 10 năm, dân số trên địa bàn phát triển mạnh lên 150.000 dân. Khi dân số đã đông đúc, kinh tế có phần khởi sắc, huyện bắt đầu quy hoạch vùng dân cư, kinh tế để phát triển cũng như quan tâm đến các vấn đề an sinh, phát triển đồng bộ hạ tầng cơ sở. Trong từng nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng để lãnh đạo chính quyền, nhân dân phát triển kinh tế, xã hội.

Đến năm 2004, khi Đắk Nông được thành lập, Đắk R’lấp lại càng có thêm điều kiện để phát huy những tiềm năng lợi thế, phát triển huyện nhà thành vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh.

Nói về những đổi thay trong 30 năm qua, ông Lê Xuân Vọng, nguyên Bí thư Huyện ủy, một trong những cán bộ phát triển từ cơ sở ngay những ngày đầu thành lập huyện cho biết: So với những năm đầu thành lập, Đắk R’lấp bây giờ đã phát triển toàn diện và vượt bậc.

Từ 70% dân số thuộc diện đói nghèo, đến nay, toàn huyện chỉ còn 7% hộ nghèo, trong đó hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số giảm xuống còn 11%; thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/năm, cao nhất tỉnh hiện nay. Từ một huyện thuần nông với phương thức sản xuất lạc hậu, hiện Đắk R’lấp đã trở thành huyện đi đầu trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế với hàng loạt dự án lớn của Trung ương, tỉnh và huyện triển khai đi vào hoạt động.

Cách đây 30 năm, toàn huyện chỉ có mấy chục học sinh THPT thì đến nay đã có hơn 30 ngàn học sinh các cấp, trong đó có 6 trường THPT. Mỗi năm, bình quân huyện đã có 3 đến 4 ngàn học sinh vào các trường cao đẳng, đại học, cung cấp một nguồn lực quan trong cho tỉnh cũng như cả nước…

Với chiến lược phát triển toàn diện, lấy phát triển nông thôn làm căn bản, phát triển đô thị làm động lực, trong những năm qua, Đắk R’lấp đã có những bước tiến dài trên lộ trình phát triển. Bộ mặt nông thôn trên địa bàn ngày càng khởi sắc, thị trấn Kiến Đức đang phát triển xứng tầm với một đô thị vệ tinh của tỉnh.

Đặc biệt, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay, huyện có 10 xã, 98 thôn, bon được kiện toàn bộ máy hệ thống chính trị. Hiện, huyện đã có 9/10 xã đạt tiêu chí hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đắk R’lấp cũng là địa phương dẫn đầu của tỉnh về xây dựng nông thôn mới.

Không chỉ là huyện có xã đầu tiên của tỉnh đạt 19 tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới mà số xã đạt từ nhóm trên 15 tiêu chí cũng cao nhất tỉnh. Bên cạnh tập trung đầu tư nguồn lực phát triển nông thôn, thời gian qua, huyện cũng ưu tiên đầu tư phát triển thị trấn Kiến Đức như đầu tư hạ tầng đô thị, quy hoạch các khu, trục trung tâm để kêu gọi, thu hút đầu tư, phát triển thương mại, dịch vụ... Với những nỗ lực đó, trong năm 2015, Kiến Đức đã được công nhận là đô thị loại IV và phấn đấu đến năm 2019 sẽ phát triển thành thị xã.

Ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R'lấp cho biết: “Phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, huyện sẽ tranh thủ sự quan tâm của Trung ương và tỉnh, phát huy tiềm năng, lợi thế để xây dựng huyện nhà phát triển xứng tầm theo chiến lược đề ra. Để làm được điều này, huyện sẽ tiếp tục quan tâm cải cách thể chế, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quản lý tốt quy hoạch để kêu gọi, thu hút đầu tư, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Bên cạnh đó, huyện cũng sẽ tiếp tục quan tâm đến an sinh xã hội, phát triển đồng bộ hạ tầng nông thôn để phấn đấu trở thành huyện đầu tiên của tỉnh đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk R'lấp: Phát huy thành quả, phát triển xứng tầm theo chiến lược đề ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO