Ứng dụng công nghệ thông tin trong hành chính công ở Đắk Glong: Còn nhiều hạn chế, bất cập

Lương Nguyên| 13/06/2018 09:53

Việc ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những nội dung quan trọng trong hiện đại hóa nền hành chính công, nhằm nâng cao chất lượng, tốc độ xử lý công việc và giảm chi phí hoạt động. Tuy nhiên, tại huyện Đắk Glong, việc ứng dụng CNTT ở cấp xã còn nhiều khăn, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, tính đồng bộ của công tác cải cách hành chính (CCHC).

ADQuảng cáo

Khó hạ tầng công nghệ

Xã Đắk Som hiện có 23 cán bộ, công chức cấp xã. Trung bình mỗi ngày, UBND xã tiếp nhận và xử lý khoảng từ 30-40 văn bản đi và đến. Đầu năm 2017, UBND xã bắt đầu triển khai ứng dụng chữ ký số, chứng thư số vào tiếp nhận và giải quyết các văn bản giấy tờ liên quan qua phần mềm chuyên dụng theo chỉ đạo của huyện. So với trước đây, việc áp dụng CNTT vào giải quyết công việc đã giúp địa phương tiết kiệm được rất nhiều thời gian, cũng như các chi phí liên quan như: văn phòng phẩm, lưu trữ...

Tuy nhiên, theo đánh giá của chính quyền địa phương, với một xã mà điều kiện kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhất là về hạ tầng CNTT như đường truyền, máy móc, thiết bị thì việc ứng dụng các phần mềm điện tử như trên cũng còn nhiều bất cập.

Bà Đào Thị Hiệp, công chức Văn phòng thống kê của UBND xã Đắk Som cho biết: Công việc cần giải quyết khá nhiều, nhưng 3 đến 4 cán bộ chỉ có 1 cái máy vi tính nên khá bất cập. Có nhiều thời điểm, vì đặc thù công việc nên cơ quan phải sử dụng song song 2 hình thức để xử lý công việc là phần mềm điện tử và phát hành bằng văn bản giấy. Vẫn biết là hình thức phát hành bằng văn bản giấy nhiều lúc chậm thời gian nhưng không còn cách nào khác.

Theo ông Hoàng Huy Tùng, Chủ tịch UBND xã Đắk Som, thời gian qua, UBND xã đã đẩy mạnh cải cách hành chính, trong đó có triển khai chữ ký số, chứng thư số. Trong quá trình thực hiện, UBND xã, các bộ phận chuyên môn thuộc khối UBND cơ bản đã triển khai thực hiện. Tuy nhiên hiện nay còn một số khó khăn về cơ sở vật chất, máy móc, trang thiết bị chưa đồng bộ. Về hệ thống đường truyền mạng Internet cũng chưa ổn định và chưa thông suốt. Một số cán bộ ở một số hội, đoàn thể như: Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ… chưa được trang bị các thiết bị máy móc nên công tác xử lý văn bản vô cùng khó khăn.

Tương tự, tại xã Đắk P’lao, cơ sở vật chất, máy móc phục vụ cho công tác CCHC cũng không khả quan hơn là mấy. Trước mắt, cán bộ, công chức tại địa phương đã tận dụng mọi điều kiện có thể để tự trang bị một số trang thiết bị phục vụ chuyên môn cho mình. Tuy nhiên, với cách giải quyết theo tình thế này cũng khó có thể nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công việc, nhất là kiểm soát bảo mật thông tin.

ADQuảng cáo

Ông Đào Đức Hải, Chủ tịch UBND xã Đắk P’lao cho biết: Hiện tại, chúng tôi đang áp dụng chữ ký số, chứng thư số vào giải quyết các đầu việc liên quan. Tuy nhiên, do đặc thù là xã còn khó khăn nên hệ thống máy móc chưa bảo đảm và đáp ứng nhu cầu làm việc của đội ngũ cán bộ thực tế tại cơ quan, đơn vị. Chưa kể, hệ thống máy tính cũng đa phần chưa được nâng cấp, sửa chữa nên hay trục trặc, bị lỗi. Những văn bản quan trọng phải in ra bằng giấy để thực hiện. Do vậy, hiện tại, nhiều cán bộ vẫn tự nâng cấp máy tính cá nhân để sử dụng.

Đến thiếu đồng bộ về chuyên môn

Theo UBND huyện Đắk Glong, việc triển khai phần mềm điện tử, ứng dụng chữ ký số, chứng thư số bước đầu đã có tác động rất tích cực trong việc giúp địa phương rút ngắn thời gian chuyển, nhận văn bản, giảm thiểu chi phí trong phát hành văn bản giấy, đơn giản hóa thủ tục hành chính, góp phần hiện đại hóa nền hành chính công.

Tuy nhiên, do những khó khăn về điều kiện làm việc, trang thiết bị máy móc chưa được đầu tư đồng bộ và trình độ năng lực chuyên môn của đội ngũ cán bộ còn hạn chế, chưa đồng đều đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả trong quy trình ứng dụng, xử lý công việc trên hệ thống. Mặc dù thời gian qua, địa phương cũng đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức cơ sở nhưng kỹ năng thao tác, tiếp cận với công việc chưa đáp ứng được yêu cầu.

Ông Đoàn Văn Phương, Chánh Văn phòng UBND huyện Đắk Glong cho biết: Thời gian qua, địa phương đã tập trung quán triệt, nâng cao trình độ, kỹ năng ứng dụng CNTT đối với tất cả các cán bộ, công chức, nhất là đối với cán bộ thuộc khối đoàn thể cấp xã trong giao dịch, tiếp nhận và xử lý văn bản nói chung. Tuy nhiên, do trình độ chuyên môn, trình độ xử lý thao tác văn bản của đội ngũ cán bộ chưa đồng đều nên hiệu quả, thời gian xử lý chưa được như mong muốn. Ngoài ra, do hệ thống thiết bị hạ tầng công nghệ thông tin của các xã chưa đáp ứng được yêu cầu trong áp dụng chữ ký số, chứng thư số nên việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn.

Cũng theo ông Phương, thời gian tới, địa phương sẽ đề nghị cấp trên đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực về chuyên môn, về sử dụng máy tính cho đội ngũ cán bộ, công chức. Riêng đối với những cán bộ, công chức đã qua đào tạo nhưng không đáp ứng được yêu cầu, địa phương sẽ tính toán để đưa vào diện tinh giảm biên chế. Với cách làm này, đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là ở cấp xã phải tự học hỏi, trau dồi nhiều hơn nữa kiến thức của mình để đáp ứng vào thực tế công việc một cách hiệu quả hơn.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng dụng công nghệ thông tin trong hành chính công ở Đắk Glong: Còn nhiều hạn chế, bất cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO